“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" là một bài viết quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, công bố dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngay lập tức, bài viết thu hút được sự quan tâm lớn, đồng thời tạo dư luận trong nước và quốc tế.
Với tầm quan trọng đó, bài viết được in thành sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2022). Cho tới nay, tác phẩm đã được dịch sang 7 thứ tiếng và tiến hành tái bản trong năm nay.
Cuốn sách gồm 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội 13 của Đảng, trọng tâm là vấn đề lý luận về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xác định nhiệm vụ hiện nay của những cán bộ, đảng viên làm việc trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, quân đội, công an, công đoàn, các tổ chức thanh niên và tổ chức xã hội khác.
Được coi là một tài liệu nổi bật từ quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây, cuốn sách đã nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao của phong trào vô sản thế giới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đúc rút lý luận và thực tiễn từ tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Các bài viết, nhận định của giới chuyên môn, học giả quốc tế đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tuyển chọn, đưa vào cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Khamphan Pheuyavong - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - cho biết cuốn sách của Tổng Bí thư đã khẳng định việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cơ chế trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới trên cơ sở đặc thù thực tiễn của Việt Nam.
Trong đó, Tổng bí thư nêu rõ về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời cũng chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Kiên trì, kiên định thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, tác phẩm của Tổng bí thư cho thấy tình hình thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua, nhất là những thành tựu trên các lĩnh vực, là nền tảng để Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc và thành công.
Theo đó, sau 35 năm thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã giải quyết được một vấn đề nhức nhối của cả nhân loại, đó là vấn đề an ninh lương thực, vốn trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Từ cuối năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận đạt mốc khoảng 400 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Trên trường quốc tế, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, đặc biệt là quan hệ với các đối tác quan trọng, các nước láng giềng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất.
Cuốn Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Giá trị tham khảo quan trọng
Theo Tổng bí thư Đảng Cộng sản Thụy Sĩ Massimiliano Ay, tuy tập trung phản ánh thực trạng ở Việt Nam, tác phẩm này cũng là tư liệu tham khảo hữu ích cho những người theo chủ nghĩa Mác - Lê nin đang hoạt động và đấu tranh ở các quốc gia khác.
Trước hết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra đánh giá rất đúng đắn rằng với sự tan rã của Liên Xô, chính sách tự do mới đã trỗi dậy. Chính chính sách tự do đã làm suy yếu trầm trọng các chính sách phúc lợi trong hệ thống tư bản phương Tây. Những chủ nghĩa này được thúc đẩy vốn không phải để phục vụ lợi ích người dân mà là nhằm kiểm soát mong muốn của giai cấp lao động và tách biệt họ khỏi chủ nghĩa xã hội.
Chia sẻ ý kiến này, Tiến sĩ Ruvislei Gonzalez Saez - Trưởng ban Nghiên cứu châu Á - châu Đại Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị quốc tế (CIPI) của Cuba; Phó chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam cũng cho biết một bài học được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra trong tác phẩm của mình là trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài sự tác động của thế giới và những thời điểm đang trải qua của quốc gia đó.
Kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Đức cũng cho thấy, việc tăng cường phong trào cách mạng quốc tế đồng thời bao hàm cả việc tăng cường phong trào cách mạng ở từng nước. Đảng Cộng sản Đức cho rằng, mỗi Đảng Cộng sản cần tự đưa ra chính sách của mình. Đảng chịu trách nhiệm trước giai cấp công nhân và xã hội, đồng thời trước lực lượng lao động toàn thế giới, theo Stefan Kühner, Chủ tịch Quỹ Marx - Engels - Stiftung ở Đức, thành viên Ban biên tập Thời báo Mác-xít và thành viên Ủy ban quốc tế của Đảng Cộng sản Đức.
Đối với những người cộng sản Thụy Sĩ, nhận xét của Tổng bí thư về mối quan hệ giữa thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng rất xác đáng. Theo đại diện Đảng Cộng sản Thuỵ Sĩ, mối liên kết giữa việc bảo vệ nền độc lập của Thụy Sĩ, tinh thần quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, và sự tổng hòa các động lực tiến bộ cần phải được coi là nền tảng cho hoạt động chính trị cách mạng trong giai đoạn lịch sử này.
Theo Tiến sĩ Ruvislei Gonzalez Saez, tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận - thực tiễn. Tác phẩm này thậm chí có thể là một phần trao đổi lý luận giữa các Đảng Cộng sản và các Trường Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm trao đổi kinh nghiệm và các bài học.