Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả Nga - Việt thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông

Các báo cáo trong hội thảo của Viện Viễn Đông Nga đề cập nhiều tới cuộc xung đột hiện nay do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông với sự tham gia của các học giả Nga và Việt Nam.

Trong hai ngày 19-20/5, tại thủ đô Moscow của Liên bang Nga, Viện Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn lần thứ 5 với chủ đề "Các ngày kỷ niệm trọng đại giai đoạn 2014-15 trong lịch sử Việt Nam", trong bối cảnh Việt Nam đang lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại Biển Đông.

Tham dự sự kiện này về phía Việt Nam có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đoàn đại biểu Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dẫn đầu là Phó Giám đốc học viện Nguyễn Tất Giáp; đoàn đại biểu Viện Khoa học xã hội Việt Nam do Giáo sư Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc dẫn đầu, cùng hàng chục nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga.

Tàu Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện sĩ Mikhail Titarenko cho biết sáng kiến hàng năm tổ chức Hội thảo giữa các nhà Việt Nam học của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN đã được viện tiến hành từ năm 2008.

Hội thảo năm nay diễn ra trong những ngày Biển Động dậy sóng do một trong những xung đột lãnh thổ lâu đời nhất tại châu Á do Trung Quốc gây ra. Các nhà Việt Nam học và Trung Hoa học của viện rất lấy làm tiếc về sự việc này đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và giải quyết xung đột nảy sinh bằng biện pháp hòa bình.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Đỗ Tiến Sâm cho biết trong hai năm 2014 và 2015 nhân dân Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn. Việc tổ chức kỷ niệm các sự kiện này là sự khẳng định tầm quan trong của các sự kiện đối với tiến trình phát triển của đất nước, tiến trình của cách mạng Việt Nam cũng như phong trào giải phóng dân tộc, lịch sử thế giới, phát huy tinh thần dân tộc và góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Hội nghị đã dành một phiên để nghe về sự tham gia của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc tế. Các báo cáo trong phiên này đề cập nhiều tới cuộc xung đột hiện nay trên Biển Đông với sự tham gia sôi nổi của cả các học giả Nga và Việt Nam.

Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận 29 báo cáo đề cập tổng thể tới các vấn đề chính trị, xã hội, lịch sử, quan hệ, ngôn ngữ, văn hóa và văn học của Việt Nam.

Cũng tại hội thảo lần này, Viện Viễn Đông đã giới thiệu cuốn sách của Các học giả Nga nói về Việt Nam vốn là tuyển tập các báo cáo khoa học của cả 4 hội thảo trước. Đây là lần đầu tiên các báo cáo này được xuất bản bằng tiếng Anh nhằm đưa công trình của các nhà khoa học Nga tới tay nhiều độc giả và học giả hơn nữa.

http://www.vietnamplus.vn/hoc-gia-ngaviet-thao-luan-ve-tinh-hinh-cang-thang-o-bien-dong/260685.vnp

Theo Vietnamplus

Bạn có thể quan tâm