Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp gắn liền với nền văn minh lúa nước. Trong đó, chế độ sở hữu ruộng đất là một trong những điểm mấu chốt để nghiên cứu về nông nghiệp và nông thôn.
Trong quá khứ, rất nhiều nhà sử học đã cho ra đời những công trình nghiên cứu đồ sộ về vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi khi nói đến tình hình công điền công thổ ở Nam Bộ, tác giả nào cũng chỉ đề cập một cách sơ sài, không đầy đủ như khi phân tích cùng vấn đề ở Trung hay Bắc Bộ.
Hiểu được điều đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cho ra mắt tác phẩm Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ lục tỉnh với mục đích tổng hợp, cung cấp cho độc giả một số tư liệu tuy không phải phát hiện đột phá nhưng dễ bị lãng quên về tình hình công điền công thổ ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, tác giả cũng đính chính lại những nhận định sai lệch trong các tài liệu trước.
Trong 208 trang sách, Nguyễn Đình Đầu đi sâu vào quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam Kỳ lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu công cuộc khai phá vùng đất này, cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm vào năm 1860. Để hoàn thành tác phẩm, ông phải tìm đến nhiều nguồn tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, điều tra khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam Kỳ, kết hợp với tài liệu của nước ngoài.
Sách gồm 3 phần chính. Phần 1 nói về Lịch sử khẩn hoang lập ấp và chế độ sở hữu ruộng đất tại Đồng Nai - Gia Định (1698-1800) bắt đầu từ khi những người Việt đầu tiên đến khai hoang vào cuối thế kỷ XVI. Tác giả phân tích chi tiết về chính quyền được thành lập từ năm 1698 đến 1757, cùng với những phương thức khẩn hoang lập ấp và chế độ điền thổ dưới thời chúa Nguyễn.
Phần 2 bàn về Chế độ công điền công thổ được củng cố tại Nam Kỳ lục tỉnh (1800-1860). Nhà sử học cung cấp cái nhìn sâu hơn về cách nhà Nguyễn tham gia vào quá trình khai hoang và thiết lập chế độ công điền công thổ. Ông cũng làm rõ các giai đoạn từ sự phát sinh, thiết lập đến củng cố, đồng thời phỏng tính tỷ lệ công điền công thổ ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm.
Ở phần kết luận, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu định nghĩa một cách rõ ràng về chế độ công điền công thổ, nguồn gốc và bản chất của nó. Phần phụ lục bổ sung thêm chú thích về lính đồn điền, dân số, ruộng đất và mẫu điền bạ ngày xưa, giúp làm rõ hơn các vấn đề được trình bày trong sách.
Là công trình nghiên cứu lịch sử của một nhà sử học uyên bác, Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang của Nam Kỳ lục tỉnh không hề khô khan, lắt léo, làm khó người đọc. Tác giả có cách viết đơn giản, dễ hiểu, kết hợp với bản đồ và số liệu để làm sáng tỏ vấn đề.
Giáo sư Phan Huy Lê viết trong lời giới thiệu: “Tôi đã đọc một cách hứng thú và đọc kỹ cuốn Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Cái thu hút sự chú ý và hứng thú của tôi là tác giả bằng những tư liệu cụ thể, đã dẫn dắt người đọc vào ba thế kỷ khẩn hoang lập ấp đầy gian truân và thành tựu của nhân dân Nam Kỳ, nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.