Sự ra đời của báo chí đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước và trải qua rất nhiều sự phát triển, từ khi các tờ tin tức xuất hiện ở La Mã cổ đại cho đến khi có sự can thiệp của nhiều thiết bị và phương tiện kỹ thuật số khác nhau để cho ra đời đa dạng các sản phẩm báo chí như hiện nay. Liên tục thích ứng với sự đổi mới để phát triển, nhưng đang có một câu hỏi mới hơn nữa được đặt ra với ngành này, đó là những công nghệ mới như AI có thay thế hoàn toàn vai trò của các nhà báo hay không?
Quá trình đưa AI vào hoạt động báo chí
AI không phải mới được sử dụng trong báo chí. Hãng thông tấn Associated Press (AP) đã sử dụng AI để sản xuất bản tin về thu nhập trong các doanh nghiệp từ năm 2014. AP cũng đã sử dụng công nghệ này cho các bản tin tóm tắt thể thao. Vào năm 2018, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đã phát triển thành công người dẫn tin tức nam sử dụng AI đầu tiên trên thế giới và đầu năm nay đã ra mắt người dẫn tin tức nữ sử dụng AI đầu tiên.
Trong hoạt động báo chí, tính chính xác là yếu tố cơ bản. Việc AI tự động quét toàn bộ dữ liệu để sản xuất tin có thể tạo ra nhiều thông tin sai và đe dọa đến độ tin cậy của báo chí.
Mặc dù các công cụ AI này đã xuất hiện được vài năm, nhưng nguyên nhân gây lo ngại dường như đã tăng lên gần đây với sự ra mắt của Chat GPT. Hầu hết nhà báo đã sử dụng ChatGPT khi phần mềm này được ra mắt để viết tin thì đều kết luận rằng Chat GPT chưa đủ tốt để đảm nhận công việc của họ.
Trong tương lai, sự phát triển của AI có thể nói là rất khó đoán trước. Ngay từ cuối năm 2022, trang web tin tức công nghệ CNET của Mỹ đã đưa ứng dụng AI trong báo chí lên một tầm cao mới khi lặng lẽ xuất bản hàng chục bài báo hoàn toàn do một chương trình AI viết. Mãi cho đến tháng 1 năm nay, công ty này mới xác nhận thông tin đó và gọi đây chỉ là một thử nghiệm.
Mặc dù AP đã sử dụng AI trong quá trình sản xuất tin, họ mới chỉ sử dụng nội dung thông tin do máy tạo ra ở một mức độ nhất định và hệ thống AI này còn đơn giản. Về cơ bản, AP sẽ bổ sung thêm thông tin mới vào các bản tin đã được tạo theo định dạng sẵn. Còn CNET thì xuất bản các bài viết dài, có bố cục đầy đủ và hoàn toàn do AI viết.
Và năm nay cũng ghi nhận sự ra mắt của NewsGPT, kênh tin tức đầu tiên trên thế giới có nội dung hoàn toàn do AI tạo ra. Nền tảng này hướng đến cách mạng hóa cách truyền tải tin tức bằng cách cung cấp tin tức dựa trên thực tế, không có sự thiên vị và không có mục đích nào đằng sau. CEO của NewsGPT Alan Levy gọi đây là một công cụ thay đổi cuộc chơi.
Theo các báo cáo, NewsGPT được hỗ trợ bởi các thuật toán máy học và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Nó sẽ liên tục quét các nguồn tin tức có liên quan trên toàn thế giới để tạo ra những bản tin được cho là chính xác, cập nhật và không thiên vị. NewsGPT cũng tuyên bố không chịu ảnh hưởng của các nhà quảng cáo, đảng phái chính trị hoặc ý kiến cá nhân.
AI đã âm thầm xuất hiện trong hoạt động báo chí từ 10 năm trước nhưng sự xuất hiện của ChatGPT mới khiến dư luận thực sự chú ý. Ảnh: Press Gazette. |
Sử dụng AI trong báo chí dấy lên lo ngại
Khi hệ sinh thái truyền thông đang trải qua những thay đổi lớn, đang có nhiều lo ngại về cách thức và mức độ AI có thể can thiệp vào hoạt động báo chí. Đã có một số vụ việc tiêu cực và nhiều người đang lo ngại rằng AI có thể lan truyền đi nhiều thông tin sai lệch.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông DW có trụ sở tại Đức, cây viết bình luận chuyên mục truyền thông Pamela Philipose đã chỉ ra mối đe dọa rất thực tế từ AI và các ứng dụng liên quan đối với báo chí. Bà cho biết: “AI mang lại nhiều vấn đề đáng lo hơn là tiềm năng của chúng. Một nguy cơ là AI tạo ra các thông tin sai lệch với cơ chế làm việc của nó”.
Brandi Geurkink, cố vấn chiến lược và công nghệ tại Reset, cũng chia sẻ về sự hiện diện trên quy mô lớn và với tốc độ rất nhanh của AI trên toàn cầu - điều đã làm dấy lên lo ngại về khả năng lan truyền thông tin sai lệch và làm xói mòn niềm tin vào các phương tiện truyền thông chính thống.
Những lo ngại tương tự về đạo đức của việc sử dụng AI trong các phòng tin cũng đã được nêu ra khi hãng truyền thông có trụ sở tại Kuwait, Kuwait News, giới thiệu người dẫn chương trình tin tức ảo sử dụng AI đầu tiên của họ Fedha.
Thêm vào đó, cũng đang có nhiều chuyên gia truyền thông đưa ra quan ngại về việc báo chí ngày càng phụ thuộc vào các thuật toán và tự động hóa - điều đe dọa, thậm chí làm suy yếu uy tín của báo chí.
CNET và ấn phẩm thuộc cùng công ty Bankrate đã tiết lộ các vấn đề về tính chính xác của thông tin khi họ sử dụng các bài viết do AI tạo ra. CNET đã buộc phải điều chỉnh lại các lỗi này khi một trang tin tức khác dẫn lại bài của họ đã phát hiện ra và nhận thấy một số lỗi ở mức nghiêm trọng.
Chưa kể, chatbot AI Bard mới do Google phát triển cũng đang mang lại những rủi ro mới khiến gã khổng lồ công nghệ thiệt hại hàng tỷ USD.
Thông thường, thông tin sai lệch trong các bản tin có thể là sự cố ý nhưng đôi khi cũng là vô tình. Và trong hoạt động báo chí, tính chính xác là một trong những yếu tố cơ bản và thông tin sai lệch được hạn chế ở mức cao nhất có thể. Việc AI tự động quét toàn bộ dữ liệu hiện có để sản xuất tin có thể tạo ra nhiều thông tin sai và đe dọa đến độ tin cậy của báo chí về lâu dài.
Người dẫn chương trình ảo Fedha thu hút sự chú ý toàn cầu. Ảnh: Kuwait News. |
AI không thể thay thế nhà báo
Mặc dù AI có thể có nhiều sai sót, nhưng một số chuyên gia truyền thông cũng đã ca ngợi các AI như ChatGPT là một “cuộc cách mạng” cho ngành báo chí. “AI có thể làm cho báo chí trở nên độc lập hơn bao giờ hết”, Mathias Doepfner, ông chủ của công ty xuất bản khổng lồ Axel Springer, nói với nhân viên của mình.
Ông Mathias Doepfner cũng tin rằng sẽ có một cuộc tái cấu trúc và “cắt giảm đáng kể” quá trình sản xuất và hiệu đính nội dung khi các công ty đẩy mạnh việc sử dụng AI để hỗ trợ các nhà báo.
Trí tuệ nhân tạo gần như không thông minh đến mức thay thế các nhà báo. AI có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để hỗ trợ công việc của một nhà báo, nhưng sẽ còn rất lâu nữa nó mới thay đổi được vai trò của tòa soạn.
Đánh giá về nguy cơ AI thay thế các nhà báo, Mattia Peretti, cựu giám đốc chương trình JournalismAI tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, đã viết trong một phân tích cho Mạng báo chí điều tra toàn cầu (GIJN): “AI không đánh cắp công việc của bạn. Mà hãy tích hợp nó vào”.
Ông nói thêm rằng: “Sự thật là trí tuệ nhân tạo gần như không thông minh đến mức thay thế các nhà báo. AI có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để hỗ trợ công việc của một nhà báo, nhưng sẽ còn rất lâu nữa nó mới thay đổi được vai trò của tòa soạn".
Có chung ý kiến này, Alex Connock, tác giả cuốn Media Management and Artificial Intelligence (Quản lý truyền thông và trí tuệ nhân tạo) cũng cho biết việc sử dụng các công cụ sáng tạo nội dung sẽ khiến một số người mất việc, nhưng không phải trong lĩnh vực báo chí, báo cáo hoặc chuyên gia phân tích cao cấp.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!