Sự khắt khe của người đời dành cho Hoàng Xuân Vinh tới từ chính sự vĩ đại của anh. Bi kịch của Hoàng Xuân Vinh đến từ chính những điều phi thường anh đã làm được.
Chỉ còn một viên đạn cuối cùng.
Anh nhìn về phía bia bắn. Khuôn mặt bình thản đến lạ thường. Vinh không khóc, không cười, chẳng buồn, chẳng vui. Sau lưng anh là 18 năm đầy những nỗi đau, là những lần về nhì, về ba cả ở Olympic và ASIAD. Bên cạnh anh là tay súng người Brazil - đối thủ duy nhất còn lại. Phía trước anh, tấm bia bắn chỉ cách 10 m mà như xa cách ngàn dặm.
Thời điểm ấy, Xuân Vinh đang xếp dưới đối thủ Felipe Almeida Wu. Anh cần một phát bắn hoàn hảo để vượt qua Wu và vươn lên giành HCV. Khoảnh khắc sau đó của Xuân Vinh, một khoảng lặng rất dài, phát đạn 10,7 điểm, cách biệt 0,3 điểm với Wu, giây phút chiến thắng của Xuân Vinh, tất cả là những ký ức thể thao Việt Nam chưa từng quên được.
Đó là đỉnh cao vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam, là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Thế vận hội, là thành tích phi thường mang tên Hoàng Xuân Vinh.
Vậy mà 2 năm sau ngày ấy, nhiều kẻ nói rằng anh chỉ là gã ăn may. Nhưng thực tế, có phải như vậy?
Trong đoạn phim ngắn về thể thao Việt Nam vừa ra mắt trước thềm ASIAD của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và nước tăng lực Sting, xạ thủ đầu tiên của Việt Nam vô địch Olympic đã bật mí nguồn động lực giúp anh và những vận động viên khác như Nguyễn Thị Ngoan (karatedo) và Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) vượt qua hành trình gian nan để giành về vinh quang cho Tổ quốc không phải điều gì khác, chính là sự cổ vũ hết mình của cổ động viên Việt Nam.
Ánh nhìn đầy cương quyết của của Hoàng Xuân Vinh, động tác dứt khoát của Lê Thanh Tùng hay tiếng thét đầy dũng khí của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan trong đoạn phim ngắn đầy cảm xúc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thay cho lời cam kết rằng các VĐV Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo dân tộc trong kỳ ASIAD 2018.
2
năm sau ngày đăng quang ở Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh đã sa sút rất nhiều. Xạ thủ số một Việt Nam liên tiếp thảm bại ở các Cúp thế giới, thua cả trong những giải đấu quốc gia trên sân nhà. Anh mất ngôi số một trên bảng xếp hạng 10 m súng ngắn hơi nam thế giới, kỷ lục 10 m quốc gia bị đàn em Hoàng Phương xô đổ.
Đỉnh điểm thất vọng đến ở SEA Games 2017 khi Hoàng Xuân Vinh trắng tay trong cả 2 nội dung 10 m súng ngắn hơi và 50 m súng ngắn bắn chậm. Đó là những nội dung từng giúp anh mang về cú đúp huy chương Olympic danh giá.
Trong trang cá nhân Hoàng Xuân Vinh của Liên đoàn bắn súng thế giới, những bài viết cuối cùng về anh được cập nhật từ cuối năm 2016, đầu năm 2017. 2 năm sau kỳ tích, Xuân Vinh gần như người vô hình trước thế giới.
Sự sa sút của Xuân Vinh không chỉ tới từ lỗi chủ quan của anh. Đó còn là kết quả tất yếu của một quá trình thay đổi kỹ thuật đã nằm trong tính toán của ban huấn luyện.
Chia sẻ với Zing.vn hồi năm ngoái, HLV Nguyễn Thị Nhung từng nói: “Trong bắn súng, có một số lối mòn kỹ thuật. Nếu Hoàng Xuân Vinh vẫn giữ nguyên thành tích hiện tại, anh ta sẽ không thể có huy chương ở Olympic tới. Anh ta bắt buộc phải thay đổi một số kỹ thuật như ngón tay cò hoặc thay hoàn toàn một khẩu súng mới. Đó là những kỹ thuật mà anh Vinh bắt buộc phải vượt qua. Ở Olympic tới, điểm số đỉnh của các đối thủ sẽ hoàn toàn khác. Muốn nâng cao điểm số, chúng tôi và Xuân Vinh buộc phải trở về con số 0 để làm lại từ đầu”.
Quá trình làm lại từ đầu ấy đã ảnh hưởng rất nhiều tới danh tiếng và thành tích của Xuân Vinh thời gian qua. Những thất bại liên tiếp khiến Xuân Vinh nhận nhiều chỉ trích và nghi ngờ. Các nhà chuyên môn hoài nghi, người hâm mộ lo lắng còn những kẻ ác khẩu nói anh chỉ là đồ ăn may.
20 năm từ ngày gắn bó với bắn súng, 2 năm từ khi đứng trên đỉnh Olympic, Xuân Vinh lại phải vật lộn với số phận, phải một lần nữa chứng minh vị thế của mình.
Những kẻ chỉ trích vin vào phát đạn 10,7 điểm thần thánh để hạ thấp Xuân Vinh. Họ cho rằng nếu không có cú bắn kỳ diệu ấy, sẽ không có huyền thoại về Hoàng Xuân Vinh. Họ bảo anh là kẻ may mắn thế kỷ.
Sự thật có đúng như vậy không?
Chắc phải may mắn lắm, Xuân Vinh mới có mặt ở phát bắn cuối ấy. Phải may mắn lắm, anh mới vượt qua được 60 loạt đạn ở vòng loại và 19 lần bắn tại vòng chung kết.
May mắn thật đấy nên khẩu súng trên tay Vinh mới cướp cò ở ASIAD 2010, may mắn thêm nữa nên anh thua đối thủ 0,1 điểm, mất HCĐ tại Olympic 2012. May mắn quá nên trước Rio 2016, Vinh mới có 2 HCB ASIAD, 1 lần vô địch thế giới và sơ sơ 8 HCV SEA Games.
May mắn hơn chút nữa, Vinh sẽ không cần tập 12 tiếng mỗi ngày, sẽ được dùng Internet, được xem tivi, được cầm điện thoại lướt mạng xã hội. May mắn thêm, anh còn có thể về nhà chơi với con, không cần ở ngoài đằng đẵng 16 năm, không cần xa mẹ, thiếu vợ, nhớ con.
Trong các tay súng có mặt ở chung kết 10 m súng ngắn hơi Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh là người duy nhất phải tập trong một trường bắn cũ kỹ, mỗi ngày được phát 50 viên đạn (so với khoảng 300 viên của các đối thủ). Anh nhiều lần phải bắn bia giấy, tự tính nhẩm điểm số, một năm vài tháng tập huấn nước ngoài.
Xuân Vinh có may mắn không? Có chứ.
Anh may mắn vì vợ anh - chị Phan Hương Giang, chưa bỏ chồng. May mắn vì sau 16 năm phó mặc tất cả, anh vẫn còn một nơi để trở về, vẫn có một tổ ấm luôn ngóng đợi. Ngày Vinh chiến thắng, vợ anh thật thà kể lại: “Anh Vinh đi thì nhà sống nề nếp, anh về thì mọi thứ bị đảo lộn hết cả vì gia đình không quen với sự có mặt của anh””.
16 năm ấy, xạ thủ số một Việt Nam vắng mặt trong mọi sự kiện lớn nhỏ trong nhà. Những việc nội ngoại, họ hàng, ma chay, cưới hỏi, chị Giang một tay quán xuyến cho chồng. Trong nỗi nhớ khắc khoải dài đằng đẵng, anh chị chỉ thỉnh thoảng nghe thấy giọng nói, cảm thấy hơi thở của nhau qua điện thoại. Con trai anh Vinh nói cháu chỉ ước mơ một lần được đi du lịch với bố.
Anh Vinh thật may mắn.
Nhưng may mắn ấy là do chính anh tạo ra. May mắn ấy là thành quả của sự khổ luyện, của hàng nghìn, hàng trăm nghìn phát đạn, may mắn ấy đổi lại bởi những đêm giá lạnh cô đơn nơi xứ người, bởi nỗi nhớ gia đình không sao tả hết.
Ít người biết rằng Hoàng Xuân Vinh từng có ý định giải nghệ ngay trước thềm Olympic 2016. Anh và HLV Nguyễn Thị Nhung đã cãi nhau kịch liệt trước giải đấu ấy. Vinh bảo anh mệt mỏi và cần trở về với gia đình.
Cảm ơn anh. May mắn cho thể thao Việt Nam vì anh đã không dừng lại.
Tại sao Hoàng Xuân Vinh phải hứng chịu nhiều chỉ trích, coi thường đến vậy?
Sự khắt khe của người đời dành cho Xuân Vinh tới từ chính sự vĩ đại của anh. Bi kịch của Vinh đến bởi những điều phi thường anh đã làm được.
Trước Xuân Vinh, lịch sử thể thao Việt Nam mới có 2 tấm HCB Olympic của Trần Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn, bóng đá nam chưa từng vô địch SEA Games còn tuyển nữ vẫn mơ về World Cup.
Một mình Vinh giành 2 huy chương tại Olympic. Trong đó, thành tích HCV cùng với kỷ lục Thế vận hội ở nội dung 10 m súng ngắn hơi là đỉnh cao phi thường. Đấy cũng là đỉnh cao vĩ đại nhất mà 1 VĐV có thể chinh phục trong một giải đấu.
Chiến công của Xuân Vinh là điều chưa ai ở Việt Nam từng trải qua. Vinh đã tự mình mở ra một cánh cổng mới, một con đường mà chưa người Việt Nam nào từng bước tới. Những điều anh đã trải nghiệm, không ai có thể hiểu được. Chẳng ai nói với Vinh rằng phải làm gì khi đứng trên đỉnh thế giới. Chiến công của Xuân Vinh khiến anh trở thành một cá nhân dị biệt giữa một nền thể thao mà tham dự Olympic đã là vinh dự. Khó khăn Vinh phải chịu, áp lực Vinh đang gánh, không ai ở Việt Nam từng biết đến.
Xuân Vinh đơn độc và vì thế dễ bị chỉ trích. Những người đã mắng nhiếc Vinh hôm nay có thể là kẻ từng tung hô và ghen tị anh 2 năm trước. Thất bại của Vinh trong hàng loạt giải đấu càng trở thành lý do chính đáng cho những bình luận ấy.
T
rong bối cảnh ấy, Hoàng Xuân Vinh sẽ trở lại ASIAD và đối mặt vô vàn thử thách.
Nội dung 10 m súng ngắn hơi từng là sân chơi của những xạ thủ đầy kinh nghiệm như Xuân Vinh (1974), Jin Jong-oh (1979). Nhưng thời thế đang thay đổi rất nhanh trong vài năm qua.
Lớp xạ thủ trẻ đang tiến bộ và bắt kịp dần với các đàn anh. Xạ thủ dẫn đầu thế giới ở nội dung này hiện là Rizvi Shahzar, mới 24 tuổi. Tốp 6 VĐV hàng đầu đang có 3 cái tên 9X. Felipe Almeida - người đã thua Xuân Vinh ở nội dung 10 m súng ngắn hơi tại Brazil cũng sinh năm 1992.
Sự xuất hiện của họ khiến cuộc chiến ở nội dung 10 m súng ngắn hơi trên bình diện thế giới trở nên cực kỳ quyết liệt. 3 năm qua, không tay súng nào đủ sức vô địch 2 chặng Cúp thế giới liên tiếp (Cúp thế giới bắn súng có 4 tới 5 chặng mỗi năm). Kỷ lục thế giới ở nội dung này bị phá tới 4 lần trong 2 năm. Bảng xếp hạng top 10 thay đổi liên tục tính theo tháng.
Tháng 1, Hoàng Xuân Vinh còn đứng hạng 2. Tới tháng 8, anh đã rơi xuống hạng 32 với 132 điểm.
Phong độ của Xuân Vinh cũng chưa có dấu hiệu hồi phục khi anh không lọt vào vòng chung kết trong cả 2 chặng Cúp thế giới gần nhất. Lần cuối cùng anh có huy chương ở Cúp thế giới là tháng 2/2017.
N
hưng nói thế không có nghĩa Hoàng Xuân Vinh đã hết thời.
Xin mượn một đoạn trong bài viết của Korea Times 2 năm về trước để nói về Xuân Vinh: “Bốn lần tham dự Olympic, giành 3 HCV nhưng chưa bao giờ Jin Jong-oh run tay đến nỗi chỉ bắn được 6,6 điểm. Cậu ta thực sự bị tâm lý vì Hoàng Xuân Vinh bắn quá hay”.
“Xuân Vinh không bắn phát nào trước 10 giây. Sự chắc chắn và điềm tĩnh của xạ thủ Việt Nam khiến Jin Jong Oh bị tâm lý thực sự ở lượt bắn thứ 9. Thành tích tưởng như tệ nhất mà cậu ta gặp là ở Olympic Athens 2004, với một lượt bắn chỉ có 6,9 điểm, khiến Jin chỉ giành được Huy chương Bạc năm đó”.
Đó là những gì người ta đã viết về Xuân Vinh 2 năm trước. Bất chấp thời gian và những sự đổ vỡ, Xuân Vinh vẫn còn một thứ vũ khí đặc biệt hơn cả. Đó là tinh thần thép, là ý chí của một người lính quân đội đã kinh qua mọi khó khăn trong cuộc đời.
Trước thềm ASIAD 2018, người đàn ông thép đã cùng nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan, VĐV Lê Thanh Tùng bật mí hành trình bước đến bục vinh quang của chính mình trong một đoạn phim ngắn sản xuất bởi nhãn hàng nước tăng lực Sting và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Dài chưa đến 1 phút nhưng clip đầy xúc cảm đã mở ra bức tranh phía sau thành công của những vận động viên. Để giành về những chiếc huy chương danh giá cho Tổ quốc, họ phải khổ luyện kiên cường trong suốt nhiều năm dài, phải đổ mồ hôi, căng sức trên sàn tập ngày này qua ngày khác.
Thế nhưng, nhân tố quan trọng nhất của mỗi nỗ lực, chiến thắng trên đấu trường quốc tế của VĐV lại nằm ở cổ động viên - những người tưởng chừng đứng bên ngoài sàn đấu, thậm chí không có mặt trực tiếp ngay trên khán đài mà chỉ theo dõi và cổ vũ từ mảnh đất quê hương. Chính sự động viên, dõi theo ấy đã giúp các vận động viên như Hoàng Xuân Vinh, Lê Thanh Tùng hay Nguyễn Thị Ngoan hay Hoàng Xuân Vinh vững tin thi đấu, mang về cho Tổ quốc những tấm huy chương danh giá.
Người hùng của thể thao Việt Nam từng là một chiến sĩ công binh trước khi theo nghiệp thể thao từ cuối thế kỷ trước. Đại tá Hoàng Xuân Vinh đã từng trải qua tuổi thơ cơ cực, 2 lần mất mẹ. Khó khăn trong cuộc sống khiến anh sớm trưởng thành và bản lĩnh hơn người. Kinh nghiệm thi đấu dày dạn cũng khiến Xuân Vinh luôn giữ được sự bình tĩnh.
Sự bình tĩnh, khả năng tập trung cao độ cũng chính là điều chúng ta muốn thấy ở Xuân Vinh trong giải đấu lớn có thể là cuối cùng trong sự nghiệp của anh.
Nói như cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh: “Nếu anh muốn bắn nữa, anh phải gạt, phải bỏ mọi điều đã qua, kể cả huy chương Olympic. Anh đừng vì cái áp lực rằng ta đã là nhà vô địch Olympic mà anh ngồi vào bắn, mà nghĩ rằng mình phải hơn được thằng khác. Việc này làm có khó không? Khó, rất khó. Nhưng ở tuổi anh, với suy nghĩ già dặn của anh, tôi nghĩ anh làm được. Vì anh không còn là VĐV trẻ nữa”.
ASIAD 18 sẽ khai mạc trong ít ngày tới. HLV Nguyễn Thị Nhung từng nói thời điểm giữa năm 2018 sẽ là lúc trả lời câu hỏi: Xuân Vinh có bắn được tiếp hay không? Á vận hội trên đất Indonesia sẽ rơi vào đúng thời điểm ấy. So với nhiều tên tuổi khác của thể thao Việt Nam, Xuân Vinh vẫn là người có hệ số tin cậy cao hơn hẳn. Vì những kỳ tích đã có, vì tinh thần thép mà anh luôn thể hiện.
Một lần nữa, thể thao Việt Nam lại chờ ở Xuân Vinh. Cho một chiến công phi thường có thể trở lại.