19h hôm nay (10/8, theo giờ Việt Nam), Hoàng Xuân Vinh sẽ bước vào thi đấu vòng loại nội dung 50 m súng ngắn nam tại Olympic 2016. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong các môn thể thao, bắn súng là môn không mang tính va chạm và đối kháng giữa các vận động viên. Tuy nhiên, xạ thủ tập luyện môn này đối diện với những chấn thương tiềm ẩn mà ít người biết đến.
Cụ thể, vận động viên bắn súng phải chịu khối lượng tĩnh trong thời gian dài. Qua nhiều tháng, nhiều năm, họ phải bắn đứng, bắn quỳ, bắn nằm nên khớp gối, hông, vai cổ, thắt lưng và cổ chân dễ bị vôi hóa, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khi tuổi càng cao.
Tính đến 2016, Hoàng Xuân Vinh tập luyện bắn súng chuyên nghiệp được 16 năm. Trung bình mỗi năm anh được nghỉ về thăm nhà 1 tháng. Như vậy, tổng số ngày tập bắn của Xuân Vinh lên tới hơn 5.000 ngày. Nếu trung bình mỗi ngày bắn 4 tiếng, xạ thủ sinh năm 1974 có khoảng 20.000 giờ bắn trong sự nghiệp, với đủ các tư thế đứng, quỳ, nằm.
Theo phân tích của HLV bắn súng quốc gia Phạm Cao Sơn, với mỗi tư thế bắn, vận động viên đều phải lệch người, ít hay nhiều thì tùy thuộc vào nội dung và loại súng.
Ví dụ ở nội dung súng ngắn hơi 10 m mà Hoàng Xuân Vinh vừa giành huy chương vàng, VĐV phải đứng lệch về một bên, một vai cao, một vai thấp. Điều này diễn ra lâu dài khiến cột sống bị cong vẹo và các bệnh lý khác liên quan tới đĩa đệm. Còn ở tư thế quỳ bắn, vận động viên phải vác khẩu súng nặng 20 kg trên vai, trong tư thế tĩnh. Sức nặng của khẩu súng sẽ khiến khớp gối và vai của các xạ thủ bị ảnh hưởng.
Hoàng Xuân Vinh tập bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài các tổn thương cơ học về xương khớp, xạ thủ bắn súng phải làm việc ở môi trường yếm khí trong suốt sự nghiệp.
Người bình thường thở khoảng 12 nhịp mỗi phút thì VĐV bắn súng thở ít hơn, do họ phải nín thở khi tập bắn. Sau khi nín thở, xạ thủ phải hít sâu bù lại lượng oxy thiếu hụt thì hít ngay khói đạn trong trường bắn.
"Mặc dù các nhà sản xuất đạn đã tính toán rất kỹ để giảm thiểu độc hại. Nhưng tôi nghĩ khói thuốc súng vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của các VĐV", HLV bắn súng quốc gia Phạm Cao Sơn cho biết.
Đáng lo ngại, những chấn thương của VĐV bắn súng diễn ra âm thầm chứ không gãy tay, chảy máu như các môn thể thao khác. Bởi vậy, đa số VĐV bắn súng đều gặp những đau đớn về thể xác sau khi đã giải nghệ.
"Lúc này, ngành và người hâm mộ đã ít quan tâm tới họ. Gia đình và chính bản thân vận động viên là người phải chịu đựng những tổn thất, đau đớn sau khi giải nghệ", HLV bắn súng Phạm Cao Sơn thở dài chia sẻ.
Vận động viên bắn súng sẽ phải chịu những đau nhức xương khớp khi về già. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở Việt Nam chưa có chế độ chăm sóc y tế chuyên biệt cho VĐV bắn súng, bởi vậy HLV chính là những người giúp VĐV thả lỏng, vận động cơ bắp sau mỗi nội dung thi đấu để giúp họ hồi phục.
Bên cạnh đó, vận động viên cần được trang bị đồ bảo hộ chuyên nghiệp để hạn chế chấn thương.
"Phụ kiện hỗ trợ quan trọng nhất là quần áo bắn, loại tốt có giá khoảng 50 triệu đồng. Trang phục này thứ nhất giúp cho VĐV có độ ổn định cao. Thứ 2, bộ quần áo giúp cho VĐV có khả năng chịu đựng lâu dài trong suốt thời gian thi đấu. Thứ 3, quần áo phần nào giúp chống lại các bệnh xương khớp cho VĐV", HLV Phạm Cao Sơn cho biết.
Với bắn súng Việt Nam nói chung thì trang bị còn kém hơn các nước bạn. Tuy nhiên, các vận động viên luôn biết vượt qua khó khăn, hy sinh bản thân mình để hướng tới thành thích cao trong thi đấu. Cụ thể là trường hợp Hoàng Xuân Vinh vừa giành huy chương vàng tại Olympic Rio 2016.
19h hôm nay (10/8, theo giờ Việt Nam), Hoàng Xuân Vinh sẽ bước vào thi đấu vòng loại 50 m súng ngắn nam tại Olympic 2016. Đây là nội dung được dự báo là khó khăn bởi anh chỉ xếp hạng 20 thế giới nội dung này. HLV Nguyễn Thị Nhung đánh giá, Xuân Vinh chỉ là một trong 20 VĐV có hy vọng giành huy chương nên mong người hâm mộ cũng không quá kỳ vọng để tránh áp lực cho VĐV Việt Nam.