Trước đó, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã cùng ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ về việc bảo vệ di sản thế giới - khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, với lý do việc thi công nhà Quốc hội đã vi phạm Luật di sản văn hóa, làm xâm hại đến di tích.
- Thưa ông, ban quản lý dự án suy nghĩ và phản ứng như thế nào trước đơn kêu cứu của các nhà khoa học?
- Thật ra đến giờ phút này tôi cũng chưa có trong tay toàn văn đơn kiến nghị ấy mà tôi chỉ được đọc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Về những nội dung trong lá đơn đưa ra, tôi xin được giải thích cụ thể như sau:
Thứ nhất, trên mặt bằng này (bao gồm nhà Quốc hội và không gian xung quanh thuộc một phần khu di tích Hoàng thành Thăng Long - PV) đang có hai dự án được triển khai cùng lúc. Một là dự án nhà Quốc hội, hai là dự án 18 Hoàng Diệu (tức dự án bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long). Ban quản lý chúng tôi được giao quản lý cả hai dự án. Dự án nhà Quốc hội đã được triển khai từ rất lâu, còn dự án 18 Hoàng Diệu thì mãi đến cuối năm 2013 chúng tôi mới được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư để thực hiện.
Đây là dự án đầu tư giai đoạn 1 để bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng (san lấp hố khảo cổ, làm hệ thống giao thông tạm, trồng cỏ bên trên...). TP Hà Nội yêu cầu chúng tôi phải hoàn thành trong tháng 8 cùng với dự án nhà Quốc hội.
Thứ hai, chúng tôi xin được nói rõ là để thực hiện dự án 18 Hoàng Diệu thì có rất nhiều công trình tạm phải tháo dỡ như khu nhà tạm phục vụ khảo cổ học, khu nhà của tổ bảo vệ sức khỏe trung ương 5 thuộc Bộ Y tế, khu nhà kho, khu vực nền bêtông thuộc bãi đỗ xe tạm trước đây của Quốc hội... Việc thực hiện dự án này thời gian rất gấp, khi tiếp quản mặt bằng chúng tôi phải gấp rút triển khai, trong điều kiện mùa này mưa rất nhiều.
Hơn nữa, quá trình triển khai có sự phối hợp giữa hai dự án bởi chúng có mặt bằng chung, tức là nếu triển khai bên này thì bên kia cũng có ảnh hưởng nhất định. Tôi đọc ý kiến thấy có phản ảnh là xả rác, rồi cho công nhân ở trong khu di tích, đặt nhà vệ sinh... ý nói rằng việc xây dựng nhà Quốc hội làm ảnh hưởng đến di tích.
Tôi xin khẳng định về bản chất của hiện tượng nêu trên là chúng tôi đang triển khai dự án 18 Hoàng Diệu chứ không phải dự án nhà Quốc hội. Vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng mà mọi người có thể thấy trên phần đất di tích chính là vật liệu xây dựng chúng tôi đang thi công dự án 18 Hoàng Diệu và phế thải là phần chúng tôi tháo dỡ các nhà tạm, nhà cũ nằm trên phần đất di tích.
Còn nói rằng công nhân ở trên phần di tích thì hoàn toàn không có chuyện này. Mọi người đều có thể giám sát được mỗi buổi sáng hàng chục chuyến xe chở công nhân đến công trường làm việc. Chỉ có một số cán bộ thuộc văn phòng điều hành phải túc trực 24/24 giờ mới phải ở lại.
Đối với khu nhà vệ sinh thì các công trình cũ ngày xưa đang tồn tại ở đấy đã có các nhà vệ sinh tạm rồi. Và chúng tôi vẫn phải duy trì các nhà vệ sinh ấy bởi xung quanh không có nhà vệ sinh công cộng, hằng ngày chúng tôi đều cho thu dọn sạch sẽ, không làm ảnh hưởng đến khu di tích.
Đây là con đường giáp ranh giữa nhà Quốc hội và khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Các nhà khoa học cho rằng đây là con đường thuộc dự án nhà Quốc hội, còn ông Đỗ Thiều Quang khẳng định phần lớn diện tích đường này thuộc khu di tích. |
- Trong đơn kêu cứu bảo vệ Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học có đề cập chuyện điều chỉnh thiết kế và thi công con đường cứu hỏa (đường nội bộ) làm xâm phạm di tích, vi phạm Luật di sản văn hóa...
- Tôi có thể khẳng định hoàn toàn không có sự điều chỉnh thiết kế nào cả. Quy hoạch, thiết kế nhà Quốc hội nằm trong tổng thể quy hoạch, thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thiết kế chi tiết dựa trên đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Tôi xin được nói rõ rằng trong dự án 18 Hoàng Diệu thì có một phần đường sát với nhà Quốc hội. Đó là tuyến đường thuộc dự án này, công việc thuộc dự án này chứ không phải là con đường thuộc dự án nhà Quốc hội. Giữa nhà Quốc hội và khu di tích Hoàng thành phải hài hòa, đồng bộ với nhau về mặt kiến trúc, phối cảnh.
Vì vậy, ranh giới giữa nhà Quốc hội và khu Hoàng thành là không có, trong ngôn ngữ kiến trúc chúng tôi gọi là ranh giới mềm. Tôi hình dung ra tuyến đường mà trong thư kiến nghị nói rằng vi phạm/xâm phạm ấy không phải là tuyến đường thuộc dự án nhà Quốc hội mà là thuộc dự án 18 Hoàng Diệu. Tuyến đường này là ranh giới mềm giữa nhà Quốc hội và khu Hoàng thành, sau này chúng tôi sẽ trồng cỏ, rải đá lên chứ không có hàng rào ngăn cách nào cả.
Trong thiết kế sẽ có các con đường liên kết giữa nhà Quốc hội và khu Hoàng thành để công chúng vừa tham quan nhà Quốc hội vừa tham quan Hoàng thành. Trong tầng hầm nhà Quốc hội có phòng trưng bày hiện vật khảo cổ, giới thiệu di tích và từ đó có con đường đi thẳng ra khu di tích. Như vậy khi hoàn thành xong các dự án thì mối quan hệ giữa nhà Quốc hội và khu di tích Hoàng thành sẽ rất thân thiện bởi không có hàng rào, không có ngăn cách, mà rất hài hòa.
- Tức là các nhà khoa học đã có sự hiểu nhầm trong đơn kiến nghị?
- Tôi xin không bình luận và không diễn giải là có hiểu nhầm hay không. Nhưng tôi khẳng định lại là tất cả công việc chúng tôi đang triển khai trên thực tế đều tuân thủ quy hoạch được duyệt. Nếu mà nói về tuyến đường nội bộ ấy thì phải nói rằng hạ tầng của khu di tích Hoàng thành lấn sang nhà Quốc hội.
- Ông nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của di tích Hoàng thành Thăng Long?
- Tôi nghĩ rằng bất cứ người dân VN nào cũng ý thức được về giá trị to lớn của khu di tích, trân trọng và bảo vệ nó. Với chúng tôi thì từ năm 2002-2003 đã cùng với Viện Khảo cổ học đếm từng hiện vật một trong quá trình khai quật và chúng tôi rất nâng niu. Đương nhiên, di sản phải có giá trị như thế nào đấy thì UNESCO mới công nhận.
Cá nhân tôi và anh em thi công ở công trình này luôn nhắc nhau là mình phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và điều này cũng quan trọng như hoàn thành trách nhiệm xây dựng nhà Quốc hội mà chúng tôi được giao.
Tháng 10, Quốc hội sẽ về nhà mới
Ông Đỗ Thiều Quang cho biết tại thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.600 lao động làm việc trên công trường xây dựng nhà Quốc hội. Dự kiến công trình này sẽ được hoàn thiện kịp để Quốc hội tổ chức kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) tại đây.
Trong thời gian thi công dự án này, Quốc hội họp tại hội trường Bộ Quốc phòng. Dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình (mới) được khởi công vào tháng 9/2009 do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Tư vấn chính được chọn thiết kế hạng mục công trình nhà Quốc hội là liên doanh GMP (Đức).