Tối 26/5, những người đàn ông mặc khố và búi tóc thu hút sự chú ý từ tổng thống Mỹ. Vào ngày hôm sau, hoàng hậu mới của Nhật Bản là ngôi sao.
Khi tân Nhật hoàng Naruhito chào đón Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đến cung điện vào sáng 27/5 trong chuyến thăm cấp nhà nước bốn ngày của họ, Hoàng hậu Masako, nhà ngoại giao tốt nghiệp từ Đại học Harvard, ngay lập tức trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.
Hoàng hậu Masako, Tổng thống Trump và Nhật hoàng Naruhito trong quốc yến tại Hoàng cung ở Tokyo ngày 27/5. Ảnh: New York Times. |
Công chúng Nhật ngạc nhiên khi bà nói tiếng Anh trôi chảy với bà Trump, mặc dù hoàng đế cũng nói tiếng Anh với ông Trump cho đến khi một quan chức hối thúc ông giới thiệu người phiên dịch.
"Bà Masako có thể nói được năm thứ tiếng. Bà ấy thật tuyệt vời và thật ngầu. Tôi ngưỡng mộ bà ấy. Tôi hy vọng bà ấy sẽ ngày càng chứng tỏ khả năng của mình", một người dùng Twitter viết trong bài đăng được chia sẻ rộng rãi.
Màn ra mắt quốc tế của hoàng hậu mới
Theo New York Times, hình ảnh Hoàng hậu Masako trò chuyện với ông Trump cũng cho thấy rằng bà có thể sử dụng các kỹ năng ngoại giao của mình để giúp nâng cao sức mạnh mềm của Nhật Bản và thậm chí có thể mang lại vai trò mới cho phụ nữ trong hoàng gia Nhật Bản, vốn có truyền thống gia trưởng sâu sắc.
Nhiều người Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ, xem màn ra mắt của Masako, 55 tuổi và đã kết hôn với ông Naruhito trong 26 năm, như một cơ hội để bà sử dụng học vấn và kinh nghiệm của mình sau nhiều năm bị mắc kẹt bởi trách nhiệm phải sinh được một thái tử.
Tuy nhiên, hoàng hậu phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc xác định vai trò của mình trước công chúng bởi các quy tắc nghiêm ngặt chỉ ra những gì bà có thể và không thể làm.
Hoàng đế và hoàng hậu tiếp đón vợ chồng Tổng thống Trump ở Tokyo, ngày 27/5. Ảnh: Pool. |
Theo Luật Nội vụ Hoàng gia, bộ luật quản lý hầu hết vấn đề về nghi thức liên quan đến chế độ quân chủ Nhật Bản, Hoàng hậu Masako thậm chí không được phép tham dự nghi lễ lên ngôi của chồng mình hồi đầu tháng. Phụ nữ cũng không được nối ngôi.
"Công chúng Nhật Bản rất phấn khích và có vẻ như họ rất kỳ vọng Masako sẽ tận dụng sự nghiệp ngoại giao trước đây của bà. Tôi chắc chắn bà ấy hiểu rằng có rất nhiều ràng buộc mà bà ấy phải tuân thủ và không vượt qua những ranh giới nhất định", Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học của Đại học Kyoto, cho biết.
Theo bà Nemoto, vì Phủ Nội vụ, cơ quan quản lý mọi hoạt động của hoàng gia, là một trong những tổ chức truyền thống nhất ở Nhật Bản và được điều hành bởi phần lớn đàn ông lớn tuổi, "họ kỳ vọng hoàng hậu Masako cư xử với nụ cười chuẩn mực và cung cách khép nép theo lễ giáo đối với nữ giới".
Bữa tiệc hôm 27/5 không phải là lần đầu tiên Hoàng hậu Masako ngồi cạnh một tổng thống Mỹ. Chỉ một tháng sau đám cưới của bà vào năm 1993, công chúng trầm trồ khi bà ngồi giữa tổng thống Bill Clinton và tổng thống Boris N. Yeltsin của Nga trong bữa tối ở Tokyo và nói chuyện dễ dàng bằng cả hai ngôn ngữ của họ.
Nhưng trước đó không lâu, truyền thông Nhật Bản đã tiêu tốn rất nhiều giấy mực vì câu hỏi: khi nào Masako sẽ có con.
Ngay cả sau khi con gái bà, Công chúa Aiko, ra đời vào năm 2001, Phủ Nội vụ đã cấm bà Masako đi du lịch nước ngoài vì lo ngại cản trở khả năng mang thai của bà một lần nữa. Điều này khiến bà chìm trong trầm cảm và rút lui khỏi các sự kiện xuất hiện trước công chúng.
Trong cuộc họp báo năm 2004, Naruhito, người lúc đó là thái tử, đã ngầm chỉ trích phủ nội vụ vì đặt quá nhiều hạn chế đối với vợ mình.
"Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu Công nương Masako có thể ra ngoài với một chút tự do hơn và có thể làm nhiều việc khác nhau", ông nói.
Trở ngại từ hoàng gia
Là hoàng hậu, bà Masako có khả năng đi lại tự do hơn. Mẹ chồng của bà, Michiko thường xuyên xuất hiện bên cạnh cha của Naruhito, ông Akihito, người đã thoái vị vào cuối tháng 4.
Một số nhà phân tích cho rằng bà Masako có thể thể hiện vai trò độc lập trong những vấn đề mà bà quan tâm thay vì chỉ đơn giản là đi cùng hoàng đế ở khắp mọi nơi.
"Giờ vai trò của phụ nữ đã trở nên độc lập hơn. Phụ nữ có những công việc riêng tách biệt với vai trò làm vợ, làm mẹ. Vậy tại sao Masako không thể làm vậy?", Mari Miura, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia, Tokyo, nói với New York Times.
Bà Masako trò chuyện với ông Trump tại bữa tiệc tối 27/5 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: New York Times. |
Ngoài những ràng buộc của chế độ quân chủ, bà Masako còn phải đối mặt với những áp lực xã hội giống như những phụ nữ Nhật Bản khác.
"Chúng ta mong mỏi sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội. Nhưng phụ nữ vẫn đảm nhận phần lớn trách nhiệm sinh nở và nuôi con. Vậy nên những phụ nữ phụ thuộc có xu hướng đóng vai người vợ và người mẹ một cách hoàn hảo", Lully Miura, nhà khoa học chính trị, người điều hành Viện nghiên cứu Yamaneko, viết trong bài tiểu luận trên tạp chí Bungei Shunju.
Hoàng đế đã cởi mở về việc vợ ông đấu tranh với chứng trầm cảm và nói rằng khả năng thực hiện nghĩa vụ công của bà có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tâm thần.
Trong những ngày đầu tiên trong tư cách mới, Hoàng hậu Masako được truyền thông Nhật Bản mô tả là rạng rỡ và hạnh phúc hơn nhiều so với những năm trước.
Đó là một câu chuyện hấp dẫn nhưng các nhà phân tích cho rằng tình hình không đơn giản như vậy.
"Mọi người đồng cảm với bà ấy và họ mong mỏi bà ấy trở thành nàng công chúa với cái kết viên mãn sau mọi thử thách mà bà ấy đã trải qua. Mọi người cổ vũ bà ấy, khuyến khích bà ấy và muốn bà ấy có được kết thúc có hậu. Nhưng công chúng phải chấp nhận những gì bà ấy có thể làm", Kathryn Tanaka, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa và lịch sử tại Đại học Otemae ở Nishinomiya, nhìn nhận.