Hội đồng chính phủ gồm 6 thành viên đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 23/3 do ông Atsushi Seike, cựu Hiệu trưởng Đại học Keio, chủ trì. Hội đồng sẽ thảo luận cách duy trì người kế vị cho hoàng gia trong bối cảnh số người thừa kế hợp pháp ngày càng giảm, theo Kyodo.
Trước đó, khi quy định về việc Nhật hoàng Akihito thoái vị được thông qua vào năm 2017, một nghị quyết kèm theo yêu cầu chính phủ Nhật Bản “nhanh chóng xem xét” các biện pháp nhằm đảm bảo những người kế vị hoàng tộc và cho phép phụ nữ có thể ở lại hoàng gia sau khi kết hôn.
Theo Luật Hoàng gia năm 1947, quyền thừa kế ngôi vị chỉ dành cho nam giới, theo họ cha và những người phụ nữ hoàng tộc buộc phải từ bỏ tước vị khi kết hôn với thường dân.
Thủ tướng Yoshihide Suga tham dự cuộc họp về việc đảm bảo duy trì dòng dõi hoàng tộc Nhật Bản ngày 23/3. Ảnh: Kyodo. |
Người con duy nhất của Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako là Công chúa Aiko, 19 tuổi.
Chỉ còn lại 3 người thừa kế nam giới của Nhật hoàng Naruhito, 61 tuổi, là em trai ông - Thái tử Fumihito (55 tuổi), chú của ông - Hoàng tử Hitachi (85 tuổi), và cháu trai - Hoàng tử Hisahito 14 tuổi, con trai của Thái tử Fumihito và Thái tử phi Kiko.
Nhiều người lo ngại dòng dõi hoàng gia Nhật Bản, được cho là đã kéo dài hơn 2.600 năm, rất có thể phải kết thúc trong một tương lai không xa nếu chính phủ nước này không hành động ngay.
Các quy tắc chỉ nam giới được kế vị từng được đưa ra thảo luận trước đây dưới thời chính phủ của Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2005. Khi đó, một hội đồng chuyên gia kêu gọi cho phép phụ nữ được kế vị và bãi bỏ quy định người thừa kế chỉ được theo họ cha.
Tuy nhiên, những cuộc tranh luận kết thúc khi Hoàng tử Hisahito ra đời vào tháng 9/2006. Hoàng tử là thành viên nam đầu tiên được sinh ra trong gia đình hoàng tộc sau gần 41 năm.
Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako chỉ có một người con là Công chúa Aiko. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 10/2012, chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda (đảng Dân chủ Nhật Bản) đã đề xuất tạo điều kiện cho các thành viên nữ trong gia đình hoàng tộc được giữ tước vị ngay cả khi họ kết hôn với thường dân.
Việc này bị dừng lại khi Thủ tướng Shinzo Abe của đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền 2 tháng sau đó. Chính phủ Abe không coi vấn đề này là việc cấp bách.
Theo một số nguồn tin, chính phủ Thủ tướng Yoshihide Suga cũng không mấy nhiệt tình đối với các vấn đề hoàng gia và rất cẩn thận đối với bất kỳ thay đổi đột phá nào.
Một cuộc thăm dò do Kyodo News thực hiện cho thấy 85% người được hỏi ủng hộ việc nước Nhật do một nữ hoàng trị vì và 79 % ủng hộ người thừa kế hoàng đế có thể theo họ mẹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại phản đối ý tưởng này, cho rằng điều này sẽ phá hủy truyền thống Nhật Bản vì lo ngại ngày càng nhiều nữ hoàng và những người kế vị sẽ dần theo họ mẹ. Thay vào đó, họ kêu gọi tiếp nhận hậu duệ nam giới thuộc các chi nhánh hoàng tộc, những người đã từ bỏ tước vị của họ vào năm 1947.
Nhật Bản đã có tổng cộng 8 nữ hoàng trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 6 đến 18, nhưng không ai trong số đó theo họ mẹ để lên trị vì.