Claudius chào đời vào năm 10 trước Công nguyên và tạ thế vào năm 54 sau Công nguyên. Ông là vị hoàng đế La Mã đã bắt đầu công cuộc chinh phục nước Anh. Ngay từ nhỏ Claudius hứng chịu hàng loạt bệnh như nghe kém, nói lắp, đi khập khiễng. Ngoài ra người ta còn gọi ông là "hoàng đế hay lắc đầu" hay "hoàng đế hay chảy nước mũi".
Một ảnh chân dung hoàng đế Claudius. Ảnh: blogspot.com. |
Nhưng, theo Discovery, căn bệnh khiến Claudius cảm thấy khổ sở nhất là chứng đầy hơi. Vì hơi luôn tích trong bụng nên ông trung tiện liên tục. Claudius không bao giờ nhịn mỗi khi hơi trong bụng ông muốn thoát ra. Theo sử gia Suetonius thời đó, Claudius từng có ý định sửa đổi luật để cho phép người dân xì hơi vào mọi thời điểm, dù hành động đó phát ra tiếng động hay không.
Hoàng đế Claudius trải qua tuổi thơ khá bất hạnh. Vào năm 9 trước Công nguyên, cha của ông - một vị tướng La Mã và là con của hoàng đế Augustus - bất ngờ qua đời trong chiến dịch ở Germania. Sau đó mẹ của Claudius đã nuôi ông. Nhưng do Claudius mắc nhiều bệnh từ lúc chào đời nên người mẹ ngày càng tỏ ra ghét ông. Bà gọi con là quái vật và thường đem con ra làm tiêu chuẩn cho sự ngu dốt. Người mẹ này cũng thường xuyên đánh đập con bất chợt và mắng con bằng những ngôn từ thậm tệ. Nhiều sử gia cho rằng bà đã để con trai ở với bà ngoại vài năm.
Dù thiếu kinh nghiệm chính trị, Claudius tỏ ra là một vị hoàng đế tài ba và là một nhà xây dựng các công trình công công cộng vĩ đại. Trong thời kỳ ông trị vì, diện tích của đế quốc La Mã tăng liên tục với việc chiếm hàng loạt nước khác, chẳng hạn như Anh. Vốn quan tâm tới luật pháp, ông đã làm chủ tọa các phiên xử án công cộng và ban hành tới 50 chỉ dụ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều tài liệu cũng cho rằng ông phải hạ sát khá nhiều nguyên lão để củng cố quyền lực.
Nhiều học giả cho rằng chính vợ của Claudius đã ám sát ông. Sau khi ông qua đời, Nero, người con trai nuôi của ông, đã kế vị ngai vàng.