Phát biểu trên các kênh truyền thông, thượng tá Trần Thanh Trà cho rằng ban lãnh đạo PC67 luôn cầu thị, khuyến khích người dân, cơ quan báo đài cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến tiêu cực của cán bộ CSGT do phòng quản lý.
Thượng tá Trần Thanh Trà |
Ngày 6/3, trao đổi với PV, thượng tá Trần Thanh Trà cho biết tất cả thông tin, chứng cứ do người dân, báo đài trình báo liên quan đến những hành vi sai phạm của cán bộ CSGT sẽ được ban lãnh đạo phòng tiếp nhận, đồng thời chỉ đạo tổ thanh tra chuyên trách của phòng xác minh để xử lý kiên quyết các cán bộ (nếu phát hiện có sai phạm) và sẽ gửi văn bản trả lời rõ ràng cho người trình báo.
"Chẳng người dân nào ở không đi trình báo bậy bạ, nên dù không đủ bằng chứng để xử lý cán bộ chiến sĩ, chúng tôi vẫn triệu tập và yêu cầu đội trưởng, cán bộ chiến sĩ bị người dân phản ảnh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh tư cách đạo đức, tác phong"
Thượng tá Trần Thanh Trà
Ông Trà lưu ý người trình báo ở các tỉnh, thành xa TP.HCM có thể gửi chứng cứ là phim, ảnh đến địa chỉ của PC67 ở 341 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 để tố giác, hoặc đến trực tiếp địa chỉ trên để cung cấp chứng cứ. Phòng PC67 có tổ cán bộ tiếp dân và tổ thanh tra chuyên trách sẽ tiếp nhận các trình báo.
- Ngoài gửi chứng cứ trực tiếp đến PC67, người dân có thể trình báo những vấn đề liên quan đến tiêu cực của CSGT bằng hình thức nào khác không, thưa ông?
- Người dân có thể gọi điện thoại vào đường dây nóng của PC67 qua số (08)38.387.521 để trình báo vụ việc. Bộ phận trực đường dây nóng sẽ tiếp nhận thông tin và báo cáo cho ban lãnh đạo PC67. Với những trường hợp trình báo qua điện thoại, cán bộ phòng sau khi xác minh có thể mời người trình báo đến cung cấp thêm chứng cứ, hoặc sẽ hướng dẫn cụ thể nếu người trình báo vì lý do nào đó không đến để cung cấp chứng cứ. Qua đó, lãnh đạo phòng có thể có những bước xác minh, xử lý đối với cán bộ có sai phạm.
Thời gian qua, chúng tôi chưa tiếp nhận trường hợp nào người dân mang phim, ảnh đến để trình báo, nhưng đường dây nóng của phòng đã tiếp nhận một số trường hợp người dân bức xúc gọi vào để phản ảnh việc họ bị cán bộ, chiến sĩ của đội CSGT này, tổ CSGT kia thổi phạt lấy 100.000 - 200.000 đồng nhưng không lập biên bản...
- Đối với những trình báo cụ thể nêu trên, ban lãnh đạo PC67 xử lý ra sao?
- Trước tiên, chúng tôi nói lời cảm ơn đến người dân trình báo vụ việc. Sau đó, ban lãnh đạo phòng sẽ chỉ đạo tổ thanh tra xác minh sự việc. Theo ghi nhận của phòng, đa số người dân khi được mời đến làm việc để cung cấp chứng cứ hoặc đối chất đã từ chối hợp tác. Các trường hợp trình báo còn lại đều không cung cấp được chứng cứ cụ thể nên chúng tôi chưa thể xử lý cán bộ chiến sĩ trong những trường hợp do người dân phản ảnh.
Dân có quyền chụp hình, quay phim CSGT...
- Một số trường hợp người đi đường dùng điện thoại di động... để quay phim, chụp ảnh trong lúc làm việc với CSGT đã bị chính CSGT phát hiện, cản trở. Gặp trường hợp này, theo ông, người đi đường nên xử lý ra sao?
- Người dân có quyền sử dụng điện thoại di động chụp hình, quay phim tổ CSGT đang xử lý vi phạm đối với họ. Những lần trao đổi với cán bộ chiến sĩ CSGT của các đội, tôi thường xuyên nhắc nhở anh em nếu thấy người dân quay phim, chụp hình mình đang làm nhiệm vụ thì cứ để họ làm, không được có hành vi cản trở. Vì theo tôi, nếu anh em không làm gì sai thì không phải ngại việc người dân ghi hình mình.