Giai đoạn 2013-2016, truyền hình thực tế ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các game show âm nhạc, hài, thời trang được mua bản quyền, Việt hóa và trở thành “món ăn” hấp dẫn khán giả truyền hình cả nước.
Trong năm 2016, có hơn 40 game show được phát sóng ở các kênh VTV, HTV, THVL1… Những ngôi sao hài ăn khách như Hoài Linh, Việt Hương, Vân Sơn, Hồng Đào, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang… xuất hiện với mật độ dày đặc.
Không dừng lại ở đó, trong năm 2017, các nhà sản xuất tiếp tục mua bản quyền hoặc lên ý tưởng cho các chương trình thuần Việt, tiếp tục “đẻ” ra hàng chục game show lớn nhỏ. Thế nhưng, “ăn” nhiều sẽ ngán, một khi khán giả đã có nhiều lựa chọn thì dễ dẫn đến tình trạng “bội thực”.
Game show ca nhạc và hài kịch được yêu chuộng vài năm qua. Trong hình là con số thống kê từ năm 2016. |
Khi số lượng vượt quá chất lượng
Các chương trình được phát sóng trong năm 2017 của Đài truyền hình Việt Nam sơ sơ có Ơn giời, cậu đây rồi, Đại náo thành Takeshi, Gương mặt thân quen, I can do that - Tôi có thể, Thần tượng Bolero, Sasuke Việt Nam, Thần tượng âm nhạc nhí, The Face, Vietnam’s Next Top Model…
HTV có Người bí ẩn, Hát mãi ước mơ, Thách thức danh hài, Ca sĩ bí ẩn, Làm vợ phải thế, Dạ khúc tình yêu, Phiên bản hoàn hảo, Gương mặt điện ảnh, Mặt nạ ngôi sao...
Truyền hình địa phương của Vĩnh Long có Sao nối ngôi, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Ban nhạc quyền năng, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Kịch cùng Bolero, Ca sĩ giấu mặt, Cười xuyên Việt, Người hát tình ca…
Hàng loạt chương trình lớn nhỏ “đụng” khung giờ phát sóng đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Hiện tại, người xem không biết phải lựa chọn game show nào giữa “rừng” chương trình được phát sóng. Bởi thực tế, những chương trình có chất lượng tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dù đã chủ động giảm thiểu số lượng game show, song các nghệ sĩ trên vẫn bị ảnh hưởng về tên tuổi. |
VTV có hai chương trình Ơn giời, cậu đây rồi và Gương mặt thân quen thu hút lượng khán giả cả nước. Tuy nhiên, khi Gương mặt thân quen đã bước sang mùa thứ 5, sức hút của nó đã giảm dần. Dù đang được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3 mỗi cuối tuần, chương trình không còn được khán giả quan tâm như trước.
Ơn giời, cậu đây rồi! khá hơn, song chỉ sau ba mùa phát sóng đã có những bình luận trái chiều về diễn xuất quá đà của các nghệ sĩ. Sự sôi nổi, hoạt náo của Trấn Thành khi đặt cạnh sự điềm tĩnh, tinh tế của NSND Tự Long và Hồng Đào tạo ra mạch cân bằng thì sự một màu của Trường Giang lại khiến người xem nhàm chán.
Đài truyền hình TP.HCM cũng có Người bí ẩn, Hát mãi ước mơ còn THVL1 ghi điểm với Sao nối ngôi, Solo cùng Bolero hay Cười xuyên Việt. Tuy nhiên, cả các chương trình sau nhiều mùa cũng đã dần mất đi sức hút.
Song, nhà sản xuất dường như không để ý đến điều này. Họ lao vào sản xuất một cách đại trà, không tính đến phản ứng của người xem. Thực tế, nhìn lại các chương trình được nêu trên, nội dung không có nhiều người khác biệt. Việc này dẫn đến tình trạng khán giả khi xem không còn phân biệt, thậm chí còn không nhớ tên.
Đây là hệ quả tất yếu của việc nở rộ game show. Khi chương trình được sản xuất quá nhiều mà không chú trọng về kịch bản dẫn đến việc người xem bị “bội thực”.
Nghệ sĩ bắt đầu bỏ game show
Nếu trước đây, truyền hình thực tế là món ăn tinh thần còn khá lạ lẫm với đám đông, một vài năm đầu đủ sức làm họ háo hức thì chỉ trong năm 2017, khán giả đang dần ngao ngán.
Cũng chỉ vài năm trước, khán giả hào hứng chờ đợi ngày cuối tuần để gặp Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang… trên sóng truyền hình thì giờ đây khi bắt gặp các nghệ sĩ trên tivi, người xem lại thấy việc đó rất đỗi bình thường.
Điều này xuất phát từ việc các nghệ sĩ xuất hiện đại trà, không có tính chọn lọc nên công chúng không còn thấy họ đủ sức hấp dẫn như trước. Một thời gian, các ngôi sao ăn khách phủ sóng dày đặc trên các kênh truyền hình. Sự quen thuộc biến thành nhàm chán.
Thực tế là game show giúp nghệ sĩ bộc lộ bản lĩnh, sự thông minh và duyên dáng trong các tình huống không chuẩn bị trước. Ví dụ Thanh Duy hay Ngô Kiến Huy… từng rất được yêu chuộng vì sự hóm hỉnh, ứng xử nhanh nhẹn. Nhưng vì quá tham xuất hiện trong hàng loạt show mà họ dần đánh mất “vốn liếng” của chính mình.
Trong hai năm trước, danh hài Hoài Linh xuất hiện với mật độ dày đặc trên cương vị giám khảo. Nhưng NSƯT từng khiến công chúng thất vọng với gương mặt phờ phạc, giọng khàn đi với đôi câu nhận xét qua loa. Trấn Thành lại thiếu kiểm soát dẫn đến “tai nạn” không đáng có. Trường Giang “bào mòn” nét duyên vốn có.
Giờ đây, họ dần hạn chế tham gia chương trình vì nhận thấy hệ lụy của việc “dễ dãi” và đặc biệt khi vấp phải phản ứng của người xem truyền hình. Hiện Hoài Linh chỉ còn xuất hiện ở vị trí giám khảo của Gương mặt thân quen và ngồi ghế chủ tọa của Ơn giời, cậu đây rồi!. Anh nói anh đã rút khỏi gần hết các game show để tập trung cho sân khấu.
Việt Hương sau live show kỷ niệm hơn 20 năm vào nghề cũng đã rút khỏi hầu hết các game show, chỉ nhận lời đóng phim. Đặc biệt, Trấn Thành hiện chỉ còn xuất hiện ở Hát mãi ước mơ và Đại náo thành Takeshi (game show đã kết thúc) sau sự cố "hạn chế sóng" của đài Vĩnh Long. Và Trường Giang chỉ còn làm MC cho Ca sĩ bí ẩn.
Khi vắng các ngôi sao ăn khách, các nghệ sĩ mới nổi đang dần thay thế. Song, nếu không tính toán hướng đi, họ rất dễ lặp lại sai lầm của các đàn anh, đàn chị đi trước.
Ảnh hưởng từ phim hay là xu hướng tất yếu?
Sự xuất hiện của game show đã làm ảnh hưởng đến phim truyền hình Việt những năm qua. Một thực tế không thể phủ nhận là diễn viên thất nghiệp khá nhiều và họ phải chạy sang game show để cứu sự nghiệp. Những ai ngày trước đắt show, một năm có thể đóng 5-6 phim thì giờ bị giảm hơn phân nửa.
Thân Thúy Hà, gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ phía Nam cũng phải thừa nhận điều này. Chị nói rằng mình còn may mắn có phim để đóng, còn nhiều người phải bỏ nghề hoặc phải kiếm thêm nghề tay trái.
Song, trước sự cạnh tranh gay gắt đó, phim truyền hình cũng đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Hai bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV, lập kỷ lục về lượng người xem và tạo ra hiệu ứng rộng rãi.
Phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng có tác động tích cực ở cục diện truyền hình. |
Tất nhiên, hai phim này không đủ sức xô đổ game show, nhưng có lẽ cục diện truyền hình sẽ thay đổi, vấn đề chỉ nằm ở thời gian.
Danh hài Việt Hương từng nhận định game show phát triển ở Việt Nam là nhu cầu tất yếu, theo xu hướng chung của thế giới. Và chị cũng cho rằng một khi đã đến đỉnh cao, truyền hình thực tế sẽ đi xuống để nhường ngôi cho một loại hình giải trí khác.
Nghệ sĩ Tấn Beo nhìn thấy trước sự bão hòa của game show. “Tôi nghĩ rằng khi truyền hình thực tế đi xuống, nghệ sĩ có thời gian nhìn lại chính mình để khi trở lại, mang theo sự tích cực cho khán giả. Xu hướng dễ bị thay đổi, nhưng giá trị đích thực của hài sẽ không bị mai một. Dù xã hội phát triển thế nào, hài có giáo dục và thẩm mỹ cũng không bị lãng quên”, anh nói.