National Geographic đưa tin Bảo tàng Sinh vật cổ Hoàng gia Tyrrell ở Canada đã công bố mẫu hóa thạch khủng long 110 triệu năm tuổi "hiếm như trúng số" mà các chuyên gia tin rằng được lưu giữ tốt nhất từ trước đến nay hôm 12/5.
Từ trước đến nay, các hóa thạch khủng long được phát hiện chỉ là phần xương hoặc răng và thường ở dạng rời rạc chứ không cho thấy hình dáng của con vật. Mẫu hóa thạch mới giữ được hình khối nguyên vẹn đến nỗi giống như "con vật vừa bước đi quanh đây vài tuần trước", theo chuyên gia về hóa thạch Jakob Vinther của Đại học Bristol (Anh).
Loài khủng long có nhiều gai nhọn trên lớp "áo giáp". Ảnh: National Geographic. |
Hóa thạch này, gồm da và lớp "áo giáp" hoàn thiện từ phần đầu đến phần hông con vật, thuộc về một loài mới thuộc họ khủng long nodosauride. Loài vật được các chuyên gia đặt biệt danh là "xe tăng 4 chân" do lớp "áo giáp" với những chiếc gai nhọn dài cỡ 60 cm dùng để tự vệ.
Hóa thạch được phát hiện vào năm 2011 bởi Shawn Funk, một công nhân lái xe công trình, tại một khu mỏ ở phía bắc tỉnh Alberta, Canada. Các nhà khoa học mất 6 năm để nghiên cứu về hóa thạch trước khi công bố.
Các chuyên gia tái tạo hình ảnh con vật trên máy tính nhờ mẫu hóa thạch. Ảnh: National Geographic.
|
Theo các chuyên gia, loài khủng long mới phát hiện dài trung bình khoảng 5 m và nặng đến 1.300 kg. Chúng sống vào kỷ Phấn trắng (Creta) cách đây khoảng 110-112 triệu năm.
Nguyên nhân loài khủng long sống trên cạn và ăn thực vật này chết hiện vẫn chưa rõ nhưng xác của chúng bằng cách nào đó lại nằm dưới đáy biển. Theo New York Times, khoáng chất trong nước biển đã giúp giữ nguyên vẹn một số phần cơ thể và biến chúng thành hóa thạch.