Số liệu của phòng Kinh tế TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, tổng diện tích trồng hoa kiểng tại vựa này là hơn 400 ha. Sa Đéc là một trong những vựa hoa Tết lớn nhất miền Tây. Thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh lân cận và TP HCM. Vụ năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt nên dự kiến tỷ lệ nở đúng Tết sẽ cao.
Anh Nguyễn Phương Toàn (TP Sa Đéc) cho biết, để chuẩn bị cho mùa hoa Tết 2016, ngay từ đầu tháng 6 âm lịch, gia đình anh đã ra giống các loại hoa cúc đồng tiền, maria, trạng nguyên. Ước tính, vụ Tết năm nay, anh Toàn sẽ cung cấp khoảng 3.000 chậu hoa ra thị trường.
Tại huyện Chợ Lách, Bến Tre, mỗi nhà vườn đang chuẩn bị 2.000-4.000 chậu cúc mâm xôi để chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Theo lời anh Toàn, thời tiết thuận lợi kết hợp với việc người dân ứng dụng nhiều công nghệ mới như thuốc giúp hoa nở đúng ngày, lưới ngăn sương để bảo vệ vườn nên sản lượng dự kiến tăng 20-30%. Tuy nhiên, người dân lại sợ tái diễn cảnh hoa dội chợ.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, đại diện phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết, mỗi năm, huyện cung ứng cho thị trường Tết khoảng 5 triệu sản phẩm, chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc đại đóa, vạn thọ, mào gà…
Người dân thường sử dụng số liệu bán hàng của năm trước để lên kế hoạch sản xuất cho năm sau. Năm nay, cúc mâm xôi được nhiều hộ trồng số lượng lớn vì Tết 2014, loại hoa này được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo đại diện phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, chính cách sản xuất đó có thể dẫn đến nguy cơ dội chợ của loại hoa này vào dịp Tết 2016.
Ông Trần Văn Đạt, trưởng bộ phận kinh doanh một hợp tác xã dịch vụ hoa kiểng Chợ Lách, Bến Tre cho biết, hầu như năm nào việc dội chợ cũng diễn ra ở một số loại hoa. Thu nhập của người trồng hoa luôn bấp bênh. "Vẫn có nhiều hộ thành công nhờ vào giống hoa mới, nhưng không lâu sau đó giống mới này sẽ được trồng đại trà, tiếp tục bị dội chợ vào mùa tới", ông Đạt chia sẻ.
Ông Mẫn, nông dân ở ấp An Thạnh, xã Long Thới, Chợ Lách đang tưới phân tăng trưởng cho các chậu cúc mâm xôi nở bông đúng dịp Tết. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Để tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và nhu cầu tiêu dùng, nhiều hộ trồng hoa đã lên kế hoạch dự phòng xen canh thêm nhiều giống mới. Cách làm này có thể giúp giảm thiểu tình trạng loại hoa trồng chính không bán được.
Ông Sáu Mẫn ở ấp An Thạnh, xã Long Thới (huyện Chợ Lách) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa cho biết, thời tiết thuận lợi, có khả năng hoa được mùa nhưng đó cũng là nỗi lo. Gia đình ông Mẫn đã quyết định trồng thêm nhiều loại đi kèm như trường sanh, mào gà…
“Nhà trồng 2.000 gốc cúc mâm xôi, thêm 2.000 gốc mào gà, trường sanh để phòng trường hợp cúc mâm xôi rớt giá. Năm nào nhà tôi cũng xuất bán cho thương lái, lo sợ bị ép giá nhiều hơn là dội chợ. Thường cứ đến thời điểm gần Tết, khi thấy số lượng một loại hoa nào đó được trồng nhiều, thương lái lại giảm giá, hoặc ngừng thu mua đột ngột, nếu thuận lợi mùa hoa Tết sẽ lãi khoảng 60 triệu đồng, nhưng nếu dội chợ chỉ còn phân nửa”, ông Mẫn chia sẻ.
Ông Dương Văn Lai (Cái Mơn, Tiền Giang), thương lái chuyên thu mua hoa ở miền Tây cho rằng, giá năm nay có thể không biến động nhiều. Tuy vậy, một số loại mới xuất hiện sẽ có giá cao. Theo ông Lai, thị trường của hoa Tết năm nay không chỉ nằm ở TP HCM mà còn đổ bộ ra các tỉnh miền Trung, Hà Nội.
Theo dự đoán của thương lái này, giá cúc mâm xôi tại vườn năm nay sẽ không chênh nhiều so với năm ngoái, dao động 80.000-100.000 đồng một cặp. Tuy nhiên, giá sẽ biến động tùy vào thời điểm mua và yêu cầu đơn hàng.
Ông cho biết thêm, việc dội chợ hay không phải phụ thuộc vào nhu cầu sở thích của khách qua các năm. Vào những năm gần đây, nhà vườn có sự chọn lọc nhiều hơn nên việc trồng hoa theo phong trào không còn thịnh hành. Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng của người dân cũng có nhiều tiến bộ. Hiện nay, nhiều hộ không còn gieo trồng mà sử dụng công nghệ cấy mô rút ngắn thời gian, tăng năng suất.