Zing.vn gặp anh Arjen IJff trong một ngày Sài Gòn nắng đổ lửa. Vừa ngồi vào bàn, người đàn ông trung niên có mái tóc và chòm râu điểm bạc đã lập tức cho chúng tôi xem bức thư khẩn cầu sự giúp đỡ tìm cha mẹ ruột mà anh đã gửi đi khắp nơi cùng những tấm ảnh khi còn thơ bé.
Cuộc tìm kiếm đã diễn ra gần 10 năm và anh chưa một lần nhận được bất cứ manh mối nào về những người thân máu mủ. Đến cái tên Việt Nam “Nguyen Khanh Hung” được ghi trong tài liệu của Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP. HCM hiện nay, anh cũng không chắc là Hưng hay Hùng, được đặt cho bởi cha mẹ đẻ hay những nữ tu trong cô nhi viện tại Vĩnh Long.
Ở tuổi 43, IJff, một họa sĩ sinh sống tại Amsterdam, vẫn đau đáu đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tôi là ai.
IJff được nghe kể lại, anh bị bỏ rơi tại một tu viện dành cho nữ kiêm cô nhi viện ở Vĩnh Long khi chỉ vài tuần tuổi. Đó là vào đầu 1975, khi chiến dịch giải phóng sắp đi đến hồi kết. Cô nhi viện nói trên mang tên Good Shepherd (tạm dịch: người chăn nhân lành), nằm trên đường Tô Thị Huỳnh ngày nay, do các nữ tu sĩ thuộc dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn (Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul) quản lý và điều hành.
Họa sĩ gốc Việt Arjen IJff trong lần thứ 4 trở về Việt Nam. Ảnh: Tùng Tin. |
Ngày 12/4/1975, anh được đưa từ cô nhi viện đến Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn. Bà Caroline van Roijen, phu nhân của ông đại sứ, đã đón và chăm sóc anh, sau đó đưa cậu bé 3 tháng tuổi cùng 26 đứa trẻ khác đến Amsterdam để gửi cho các gia đình người Hà Lan nuôi dưỡng. Họ nằm trong chiến dịch Babylift (Không vận Trẻ em) phiên bản Hà Lan do bà Van Roijen khởi xướng.
IJff vẫn giữ lại trang báo của tờ Telegraaf, nhật báo buổi sáng lớn nhất Hà Lan, số ra ngày 19/4 năm đó. Đó là trang có bài viết “Sứ quán chúng tôi ở Sài Gòn hoàn toàn giống một cô nhi viện” với hình ảnh bà Van Roijen và câu chuyện về 27 đứa trẻ mồ côi người Việt.
Ba mươi hai năm sau, vào năm 2007, người đàn ông nay đã trưởng thành lần đầu tiên đặt chân trở về Việt Nam. Hồi tưởng lại về thời điểm ấy, anh cho rằng mình muốn tìm hiểu trước về văn hóa và con người Việt trước khi thực sự bắt đầu đi tìm cha mẹ ruột.
“Lúc đó tôi còn nghi ngờ nhiều lắm. Tôi muốn khám phá xem đất nước này như thế nào, có phù hợp với mình không và có khiến tôi cảm thấy thân thuộc không. Câu trả lời đương nhiên là có. Đến lúc này, tôi mới nghiêm túc và đầu tư hơn trong việc tìm kiếm cha mẹ ruột”, anh nói.
Tìm về cô nhi viện năm xưa nơi mình từng bị bỏ rơi, IJff mới biết công trình này đã bị phá bỏ, thay vào đó là một quảng trường rộng lớn.
Vị trí cây me duy nhất còn sót lại sau khi cô nhi viện Good Shepherd bị phá bỏ. Ảnh: NVCC. |
“Nhân chứng” duy nhất còn sót lại mà anh tin là cây me già được trồng cạnh dòng sông Cổ Chiên, một phân lưu của sông Tiền. Arjen nói mình nhận ra gốc cây này vì nó đã xuất hiện trong bức ảnh hiếm hoi chụp lại cô nhi viện Good Shepherd trước khi bị tháo dỡ.
Anh nghĩ rằng người sinh ra anh đã sống ở đâu đó trong phạm vi bán kính 50 km tính từ cây me ấy. Dĩ nhiên, anh không có gì để xác thực.
IJff kể khi anh được đưa đến Hà Lan, bố mẹ nuôi của anh không hề nhận được bất kỳ giấy tờ gì, kể cả giấy khai sinh, cho thấy gốc gác của anh ngoài dòng tên “Nguyen Khanh Hung” được Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn ghi trong danh sách 27 đứa trẻ sẽ trở thành con nuôi.
Cái tên ấy, chính anh cũng không biết rõ là Hưng hay Hùng, được đặt cho bởi cha mẹ ruột, những nữ tu tại cô nhi viện Good Shepherd hay các nhân viên sứ quán.
Dựa trên một số nguồn tin, anh nói người đưa anh đến sứ quán Hà Lan năm đó có thể là mục sư Peter Aarts, người làm nhiệm vụ truyền đạo tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1975. Ông đã qua đời trong năm anh Arjen lần đầu đến Việt Nam và hai người chưa bao giờ gặp mặt.
Anh từng nhiều lần gặp bà Van Roijen, lần đầu tiên là vào năm 1998 khi 27 đứa trẻ được nhận nuôi hội ngộ. Tuy nhiên phu nhân cựu đại sứ không thể nhớ cụ thể về trường hợp của cậu bé “Nguyen Khanh Hung” năm xưa.
Cuộc tìm kiếm gia đình ruột thịt của anh Arjen đã diễn ra gần 10 năm nhưng anh chưa một lần nhận được bất cứ manh mối nào. Ảnh: Tùng Tin. |
Một đứa trẻ khác cũng được một gia đình tại Hà Lan nhận nuôi cùng thời điểm với anh là chị Nguyễn Thị Hương Kim. May mắn hơn IJff, chị Kim còn giữ được tờ giấy khai sinh có đề nơi sinh và tên mẹ ruột. Trong hành trình tìm lại người thân ruột thịt, IJff không có gì trong tay ngoài bản sao tờ giấy khai sinh của người bạn đồng cảnh ngộ.
IJff nói khi còn trẻ, anh không nghĩ nhiều về việc tìm lại cha mẹ ruột, nhưng trong 10 năm qua, thôi thúc tìm về nguồn cội trong anh ngày càng mạnh mẽ. Anh có niềm tin mãnh liệt vào tình mẫu tử thiêng liêng.
“Không cha mẹ nào muốn từ bỏ con của mình. Tôi tin rằng người thân ruột thịt của tôi vì hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh mới phải để tôi lại cô nhi viện”, anh nói với giọng trầm ngâm nhưng chắc nịch.
Với dáng người cao, nước da sáng, cộng với việc khi còn bé anh không có vết chàm xanh ở mông như những đứa trẻ khác, IJff nghi ngờ mình là con lai Việt - Hàn hoặc Việt - Mỹ. Đây cũng có thể là lý do khiến anh bị bỏ rơi khi người sinh ra anh đối diện với sức ép từ những định kiến đương thời.
IJff, người làm thiết kế đồ họa tự do, nói từ bé anh đã thích đắm chìm trong thế giới của những bức tranh, màu sắc, hình khối.... “Đó dường như là cách mà đứa trẻ được nhận nuôi như tôi tự mày mò khám phá về gốc gác của mình”, anh nói.
“Khi còn nhỏ, tôi đã luôn ý thức về sự khác biệt của mình so với những đứa trẻ có bố mẹ ruột là người Hà Lan. Tôi không gặp nhiều rắc rối về chuyện đó, tôi không bị bạn bè trêu chọc hay bắt nạt, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mình, tôi luôn khao khát tìm được lời giải đáp cho câu hỏi ‘mình là ai’. Tôi muốn định nghĩa được bản thân và tôi tìm đến hội họa để tự do khám phá về con người mình”, người đàn ông gốc Việt trải lòng.
Hình ảnh anh Arjen khi còn bé. Ảnh: NVCC. |
“Tôi nghĩ, bất kỳ đứa trẻ được nhận nuôi nào cũng có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, có thể là âm nhạc, thể thao hay hội họa. Chúng luôn biết là mình khác biệt, chúng cần một thế giới riêng để trốn vào mỗi khi cảm thấy lạc lõng”.
Anh không biết cha mẹ ruột còn sống hay đã chết nhưng anh một lòng tin những người thân máu mủ và gia đình hiện tại của họ sẽ chào đón anh nếu họ gặp lại nhau. Anh cũng tin trong hơn 40 năm qua, họ đã có lúc nghĩ về anh và đi tìm đứa con thất lạc.
Niềm tin của IJff được củng cố sau khi anh đọc được bài báo về “đứa trẻ Babylift” đoàn tụ với mẹ ruột sau 42 năm. Đứa trẻ ấy chính là Vance McElhinney, mang quốc tịch Ireland. Năm 2017, anh McElhinney tìm được mẹ ruột của mình ở thành phố Quy Nhơn thông qua những bài viết trên báo chí.
Được truyền cảm hứng từ câu chuyện này, IJff trở lại Việt Nam bốn lần, trong đó hai lần đến Vĩnh Long. Anh tìm tới những xóm làng trong bán kính 50 km quanh nơi từng là cô nhi viện Good Shepherd để dò hỏi manh mối. Vì thời đó, đây là cô nhi viện duy nhất tại khu vực, anh tin rằng gia đình máu mủ của mình chỉ quanh quẩn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Là con duy nhất trong gia đình bố mẹ nuôi người Hà Lan, IJff nói anh nhận được sự ủng hộ của hai ông bà trong việc tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.
“Dù lòng tôi thành thật đội ơn và rất yêu thương cha mẹ nuôi, tâm tôi luôn buồn thảm vì không biết cha mẹ ruột của mình là ai”, anh viết trong lá thư khẩn cầu sự giúp đỡ.
Trong cuộc trò chuyện, anh không dưới ba lần nói với chúng tôi về chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mà anh từng nghe một người bạn Việt Nam kể lại. Đó là chương trình nói về những người đã tìm thấy người thân yêu sau nhiều năm trời thất lạc.
Anh bảo, đó là ước mơ lớn nhất của anh lúc này.