William Heath-Robinson (1872-1944) là họa sĩ người Anh, được coi là một thiên tài với trí tưởng tượng phi thường. Ông thường xuyên vẽ nên những bức tranh kỳ quặc với nhiều ý tưởng phức tạp về cuộc sống và xã hội loài người.
Họa sĩ William Heath Robinson. Ảnh: Getty Images |
Đầu thế kỷ 20, tên Heath Robinson được đưa vào từ điển nước Anh để định nghĩa cho những thiết kế phức tạp không cần thiết, hoặc ám chỉ cho một bộ máy có nhiệm vụ thực hiện những thứ đơn giản nhưng theo cách lập dị và kém hiệu quả.
Nhưng thực tế, William Heath Robinson lại là một thiên tài của nước Anh. Xuất thân từ một họa sĩ vẽ tranh biếm họa, ông nổi tiếng với nhiều bức vẽ về những phát minh, ý tưởng mới lạ trong việc thực hiện cho các mục tiêu đơn giản. Heath Robinson cũng được coi là người đã truyền cảm hứng cho những bộ óc vĩ đại nhất trong thời đại của ông.
Trong Thế chiến II, một trong những cỗ máy mã hóa được chế tạo để hỗ trợ giải mã lưu lượng tin nhắn của Đức (tiền thân của máy tính điện tử kỹ thuật số lập trình đầu tiên trên thế giới) được đặt tên là Heath Robinson.
Cỗ máy giải mã thời chiến mang tên Heath Robinson. |
Với sự khác biệt và độc đáo của mình, Heath Robinson từng được ví như là Rube Goldberg (1883-1970) - một họa sĩ truyện tranh, nhà điêu khắc, tác giả, kỹ sư và nhà phát minh của Mỹ nổi tiếng vì minh họa các thiết bị phức tạp được liên kết để tạo ra hiệu ứng domino thú vị.
Thuật ngữ ‘Rube Goldberg‘ cũng được sử dụng trong bản in tại Mỹ vào thập niên 1920 để mô tả một số phát minh điên rồ nhất của thời đại. Đến thập niên 1960, tên của Rube Goldberg cũng được thêm vào từ điển.
Tuy nhiên Heath-Robinson lại là người bắt bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một họa sĩ minh họa từ rất sớm. Các tác phẩm vẽ minh họa cho trẻ em của ông được xuất bản từ năm 1897, và Rube Goldberg thuộc thế hệ đàn em, đi sau Heath-Robinson.
Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Heath-Robinson chuyển sang vẽ phim hoạt hình. Ông vẽ nên những vũ khí bí mật siêu thực đang được kẻ thù sử dụng. Những bức tranh châm biếm người Đức của ông cũng góp phần tạo nên sự hài hước cho mọi người - một tinh thần rất cần cho người dân trong chiến tranh.
Bức tranh vẽ năm 1933 tiên đoán về cách ly xã hội. |
Vào năm 1933, sê-ri phim hoạt hình với chủ đề An Ideal Home (Ngôi nhà lý tưởng) của Heath-Robinson gây ấn tượng mạnh với công chúng, phản ánh về sự quá tải tại Anh trong việc gia tăng những người sống tại các căn hộ ở thành phố, thiếu không gian sống, thiếu những khu vườn và sân ngoài trời.
Những hình vẽ từ bộ phim cũng được xuất bản trong tuyển tập The Sketch (Ký họa) của Heath-Robinson, không chỉ phản ánh vấn đề thời sự mà còn như một liều thuốc hài hước dành cho cuộc sống đương thời. Đặc biệt, trong đó có một bức tranh mô tả cuộc sống hệt như tình hình hiện tại mà cả thế giới đang phải gồng mình lên đối diện: gian cách, cách ly xã hội trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19.
Bức tranh vẽ hai tòa nhà cao tầng đứng song song với nhau. Ở đó diễn ra mọi hoạt động thu nhỏ của một xã hội: Chơi thể thao, đọc sách, câu cá, uống café, thả diều, bắt bướm, chơi golf… Tất cả diễn ra thông qua những ô cửa sổ của mỗi căn hộ.
Hình ảnh này gợi nhớ đến những video về người dân Italy chơi nhạc trên những ban-công để truyền cảm hứng lạc quan trong những ngày tự cách ly tại nhà phòng tránh dịch bệnh. Nó cũng gợi tới hình ảnh hai người đàn ông thò đầu qua cửa sổ của hai căn hộ liền kề nhau xuất hiện m trong những video chia sẻ trên bản tin của truyền hình Việt Nam và Facebook.
Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có phải bộ óc với trí tưởng tượng phi thường của đã sớm hình dung ra viễn cảnh tương lai, và dự báo điều đó sẽ xảy ra qua những bức vẽ tưởng như điên khùng mà lại độc đáo của mình?
Tranh của Heath-Robinson. |
Mặc dù tên của Heath Robinson có mặt khá sớm trong từ điển tiếng Anh, nhưng chỉ đến năm 2016, Bảo tàng mang tên ông mới được thành lập tại London, lưu giữ bộ sưu tập gồm gần 1.000 tác phẩm nghệ thuật nguyên bản của ông.
Ngoài ra, tại Bảo tàng Điện toán Quốc gia của Anh (National Museum of Computing) hiện cũng đang lưu giữ một cỗ máy giải mã thời chiến mang tên Heath Robinson.