Trong vòng khoảng 6 năm gần đây, lần lượt nhiều hoa hậu, á hậu không thể đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ có top 3 của những cuộc thi hoa hậu, hoa khôi mới đủ quyền hợp pháp được cấp phép đi thi. Và trong tình trạng đó thì cuộc thi Hoa khôi Áo dài ra đời như một cuộc thi đi tiên phong trong việc thay đổi quan niệm về cách thức tổ chức, đào tạo các thí sinh nước ta trước khi cho họ đeo lên mình dải băng Việt Nam tranh tài với thế giới.
Cái tên không nói lên tất cả
Khi có thông tin Hoa hậu Thế giới 2011 - Ivian Sarcos đến chấm thi chung kết Hoa khôi Áo dài, nhiều độc giả đã có những bình luận như: "Họ đã hiểu về áo dài Việt Nam đâu mà chấm được nhỉ?", "Không thể biết nhiều về văn hóa Việt Nam nên rất khó để làm giám khảo. Giám khảo không thể là người nước ngoài được!", hay tỏ ý chê trách các giám khảo trong nước chưa đủ tầm để cảm nhận về giá trị của chiếc áo dài. Tuy nhiên, tên tiếng Việt đầy đủ của cuộc thi là "Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 - Đường tới vương miện Hoa hậu Thế giới". Mục tiêu chính của cuộc thi là đưa top 3 tham dự các cuộc thi sắc đẹp hàng đầu, bao gồm Miss World - Hoa hậu Thế giới, Miss International - Hoa hậu Quốc tế và Miss Supranational - Hoa hậu Siêu quốc gia. Còn lý do tên gọi là vì ở nước ta mỗi năm chỉ được phép có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia (Hoa hậu Việt Nam 2014 và Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014). Nhưng hoa hậu lẫn á hậu của 2 cuộc thi này đều từ chối tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2014 tại Mỹ và Hoa hậu Siêu quốc gia 2014 tại Ba Lan, trừ trường hợp của Đặng Thu Thảo đã tham dự Hoa hậu Quốc tế 2014 ở Nhật Bản.
Chỉ có ban tổ chức của Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới mới đưa ra yêu cầu bắt buộc thi sinh tham gia phải là hoa hậu hoặc á hậu trong một cuộc thi cấp quốc gia kèm với sự chấp thuận của đơn vị giữ bản quyền thì mới đủ quyền được đại diện nước đó tham dự cuộc thi của họ. Và "sự chính danh" ở đây là nằm ở đơn vị giữ bản quyền vì họ phải trả một khoản phí lên đến hàng chục ngàn USD mỗi năm nên họ có toàn quyền quyết định việc cử thí sinh đi thi. Không phải như trưởng BTC một cuộc thi hoa hậu đã phát biểu rằng: "Ở đây, chúng tôi còn thấy một vấn đề: sự chính danh. Chúng ta thấy tất cả thí sinh dự các cuộc thi Hoa hậu Thế giới đều đeo băng Miss nước A, Miss nước B… Nghĩa là hoa hậu của các quốc gia đó. Vậy không lẽ đại diện của Việt Nam lại đeo dải băng người đẹp hay hoa khôi một lĩnh vực nào đó để dự thi tại một đấu trường như thế? Hay là họ sẽ đeo dải băng Miss Vietnam, một danh hiệu chắc không phải là của họ?".
Các thí sinh Hoa khôi Áo dài được huấn luyện bởi các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực. |
Để nắm rõ hơn về điều này, chúng ta có thể lấy ví dụ như ở Mỹ có đến 3 cuộc thi sắc đẹp khác nhau, đó là: Miss America, ra đời năm 1921, cuộc thi sắc đẹp có chương trình học bổng và không đại diện nước Mỹ ở bất kỳ cuộc thi quốc tế nào. Còn Miss USA, ra đời năm 1952 và người chiến thắng sẽ đại diện nước Mỹ tham gia Hoa hậu Hoàn vũ. Trong khi đó, Miss United States, bắt đầu tổ chức từ năm 1925, nhưng không thường xuyên, bắt đầu từ năm 2014 được quyền cử đại diện nước Mỹ tham gia Hoa hậu Thế giới và sang năm sẽ đổi tên thành Miss World America. Tất cả khi dịch sang tiếng Việt đều có nghĩa là Hoa hậu Mỹ.
Còn ở các nước Mỹ Latin đều không sử dụng chữ Miss hay Señorita, mà thay vào đó là 1 cuộc thi quốc gia để chọn ra đại diện tham dự 3 cuộc thi hoa hậu lớn nhất thế giới có tên như Nuestra Belleza México, Nuestra Belleza El Salvador. Riêng bản thân từ Nuestra Belleza khi dịch ra tiếng Anh nghĩa là "Our Beauty" (Người đẹp của nhân dân).
Tương tự tại Nigeria, cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia mang tên Most beautiful girl in Nigeria (Cô gái xinh đẹp nhất Nigeria) và được đại diện quốc gia đông dân nhất lục địa đen tại HHHV và HHTG. Ở đảo quốc Seychelles, cuộc thi hoa hậu quốc gia gửi đại diện thi HHTG có tên rất lạ là Miss Seychelles... another world (Hoa hậu Seychelles... thế giới khác). Trước đây, cuộc thi hoa hậu quốc gia của Ấn Độ là Femina Miss India (Hoa hậu Phụ nữ Ấn Độ) giữ bản quyền gửi thí sinh đến 4 cuộc thi sắc đẹp quy mô nhất thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2010 thì họ bị mất quyền gửi thí sinh tham dự HHHV, thay vào đó là một công ty tư nhân đứng ra tổ chức cuộc thi là "I am she - Miss Universe India" (Tôi là cô ấy - HHHV Ấn Độ). Và năm 2014, đơn vị mới giữ bản quyền tổ chức cuộc thi khác là Miss diva (Hoa hậu Nữ danh ca) và tất nhiên người chiến thắng hiển nhiên đại diện Ấn Độ đi thi HHHV.
Cuộc thi tiên phong ở Việt Nam
Trong lần đầu tiên tổ chức, chắc chắn dù ít dù nhiều cũng phải có thiếu sót, khuyết điểm. Tuy nhiên với những gì mà cuộc thi Hoa khôi Áo dài đã và đang làm thì chương trình đang tự định hình cho mình một cách thức tổ chức thi sắc đẹp hoàn toàn mới, chưa từng có từng có ở nước ta. Đó là mang thí sinh đến với khán giả gần hơn qua mỗi tập phát sóng, và từ đó để mỗi thí sinh có động lực thúc đẩy bản thân ra sức hăng say luyện tập, cải thiện hình ảnh và kỹ năng để gây ấn tượng với khán giả. Chúng ta đã thấy rõ trong gần 3 tháng diễn ra, những cái tên như Văn Thị Vân, Nguyễn Huỳnh Kim Duyên đã nhanh chóng lột xác, được "rửa bớt phèn" từ hình ảnh những cô gái thôn quê trở nên năng động và tự tin hơn. Hay như Trương Thị Diệu Ngọc, là thí sinh có thân hình đồ sộ nhất, cũng làm nhiều khán giả phải nể phục khi giảm cân đáng kể.
Rất nhiều người vẫn còn có ác cảm và quan niệm rằng đã là người mẫu thì không trở thành hoa hậu được, nhưng một lần nữa Trần Ngọc Lan Khuê và Nguyễn Thị Lệ Quyên - 2 trong số 3 thí sinh sáng giá nhất - đã chứng minh cho mọi người thấy không gì là không thể nếu như bạn có ước mơ và ý chí phấn đấu. Hoặc như Phạm Hồng Thúy Vân không chỉ sở hữu ngoại hình, kỹ năng tốt, BTC còn phát hiện ở cô khả năng đàn piano và giọng hát trong trẻo, từ đó phát triển và bồi dưỡng thêm cho tài năng của cô ngày càng tỏa sáng, hoàn thiện hơn. Và không có vị giám khảo nào công tâm hơn chính sự đánh giả của những khán giả quan tâm, đồng hành cùng cuộc thi từ những ngày đầu tiên.
Các chuyên gia Philippines mang đến nhiều bài học bổ ích. |
Ở các cuộc thi hoa hậu quốc gia ở châu Mỹ Latin (cụ thể là Miss Venezuela, Señorita Colombia, Nuestra Belleza México), vòng tuyển chọn cấp tiểu bang/khu vực, sau đó là tập trung huấn luyện các thí sinh được chọn trước đêm chung kết trao giải toàn quốc là khoảng 6 tháng. Những cô gái thắng cuộc lại có thêm khoảng thời gian trên dưới 1 năm nữa để chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục nhược điểm bản thân, học thêm các kỹ năng cao cấp hơn để chinh phục những danh hiệu cao quý như HHHV, HHTG, hay HHQT. Và cuộc thi Hoa khôi Áo dài cũng đang từ từ học tập theo những nước tiên tiến trong lĩnh vực này để một ngày không xa thì cái tên Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên sân khấu của thế giới. Để hiện thực hóa điều này, BTC đã mời toàn bộ ê-kíp gồm những chuyên gia đào tạo kỹ năng làm việc cho tổ chức Miss World Philippines. Chỉ trong vòng 4 năm dưới tay quý bà Cory Quirino (từ năm 2011), quốc gia này đoạt được 1 vương miện (2013), 1 danh hiệu á hậu thứ nhất (2011) và 2 lần vào vòng bán kết/tứ kết (2012, 2014).
Những cuộc thi sắc đẹp quốc tế hiện nay không chỉ yêu cầu thí sinh đẹp về hình thể, kỹ năng trình diễn tốt, ứng xử thông minh, mà còn phải dấn thân vào các hoạt động xã hội, cộng đồng. Kèm theo đó là tài năng, thể lực tốt và nhân cách tốt. Các thí sinh trong Lâu đài sắc đẹp ngoài việc rèn luyện thể lực hàng ngày, bồi dưỡng vốn ngoại ngữ, văn hóa, còn được học với nhiều chuyên gia khác nhau dạy cùng một lĩnh vực. Ví dụ như ai cũng thấy đi catwalk không chỉ có một kiểu đơn giản. Nếu như thầy Henri Hubert (người Guyana) dạy các bước cơ bản của người mẫu, thì chuyên gia Anjo Santos (Philippines) lại truyền lửa cho các thí sinh bằng những bước đi tạo nên tên tuổi cho các á hậu hoàn vũ ở quê nhà. Hay chuyên gia Rene Arambulo (Philippines) với 15 năm kinh nghiệm với trường người mẫu ở Venezuela và từng làm việc với Osmel Sousa đã chỉ dạy lại những cách đi, tạo dáng, làm duyên trước ống kính...
BTC mời các chuyên gia, người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để truyền dạy cho các thí sinh về kinh nghiệm trả lời phỏng vấn các câu hỏi thi hoa hậu, phát biểu trước công chúng. Với sự tham dự của những khách mời danh dự như Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc - Ngô Quang Xuân, Đại sứ Pháp - Jean-Noël Poirier, nhà báo Nguyễn Công Khế, đạo diễn Lê Hoàng. Những vị khách quý này không chỉ là chia sẻ kinh nghiệm quý báu, nhân sinh quan sâu sắc, mà còn là những vị giám khảo có cái nhìn khách quan trong việc chấm điểm cho các thí sinh. Và ngoài những thành viên ban giám khảo cố định, mỗi tuần đều có thêm các giám khảo khách mời khác nhau phù hợp với chủ đề giảng dạy của tuần đó.
Thúy Vân là một trong ba thí sinh đang tạm dẫn đầu trước đêm chung kết. |
Với cơ hội được học tập, tiếp thu kiến thức từ các chuyên gia trong nước cũng như ngoài nước, các thí sinh trở nên ngày một hoàn hảo hơn, xác định được con đường phía trước phải đi là gặt hái được thành tích cao trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Nhưng một điều đáng ghi nhận hơn ở đây là thông qua những tập phát sóng của chương trình, khán giả cũng học được những kiến thức, kỹ năng bổ ích để làm cho bản thân mỗi người trở nên tốt đẹp hơn.