Nguyễn Thu Hoài là vận động viên bóng chuyền đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu "Chuyền hai xuất sắc" ở một giải Đông Nam Á cấp độ trẻ đội tuyển. Dù vậy sau đó, Hoài có một thời gian thi đấu chững lại và nhận nhiều lời chỉ trích từ người hâm mộ.
Tuy nhiên, cô gái 21 tuổi nỗ lực tập luyện để từng bước khẳng định vị trí tại câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Với vai trò là "linh hồn" của đội bóng, Thu Hoài để lại dấu ấn đậm nét trong lần đầu tham dự SEA Games 30.
Gặp nữ vận động viên từng nhận danh hiệu "Hoa khôi áo dài" và "Chuyền hai xuất sắc" nhân dịp 8/3, Zing.vn sẽ giúp độc giả hiểu hơn về cô gái trẻ có tinh thần quyết tâm và cầu tiến, gương mặt trẻ nổi bật của bóng chuyền Việt Nam.
Thu Hoài từng chịu nhiều áp lực vì kỳ vọng quá lớn. Ảnh: Thế Anh. |
Khó khăn và thách thức khi theo bóng chuyền
- Chào Thu Hoài! Tại SEA Games 30, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu ấn tượng để trở lại ngôi vị á quân khu vực. Thi đấu với vai trò chuyền hai chính, Hoài có gặp nhiều áp lực không?
- Thực ra năm vừa rồi tôi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, với lực lượng thiếu hụt nhiều trụ cột, lúc đấy cũng gặp áp lực. Chuyền hai Linh Chi vừa bị chấn thương, vị trí đó chỉ có tôi và Lâm Oanh, hai người còn rất trẻ và yếu về kinh nghiệm. Áp lực là sợ không đáp ứng được nhu cầu của ban huấn luyện, cũng như các vị trí trên sân.
Sau giải U23 vô địch châu Á, tôi cũng gặp phải một số vấn đề, một phần do bị căng thẳng quá rồi suy nghĩ nhiều, tới giải VTV Cup và ASEAN Grand Prix đều thi đấu không tốt. May mắn khi SEA Games tới, mọi người làm rất tốt nên động viên tinh thần lẫn nhau, từ đó tôi cũng tự tin hơn và thi đấu được.
- Cơ duyên đến với bóng chuyền của Hoài như thế nào và có gặp khó khăn gì không?
- Tôi đến với bóng chuyền cũng như là một cái duyên và đam mê. Khi tôi học cấp 2 cũng đánh cho đội của trường. Hồi lớp 6, tôi đã cao nhất trường với chiều cao 1,68 m. Sau đó, ban huấn luyện của đội Thái Bình về tuyển đến 3 lần, nhưng bố mẹ và người thân đều không đồng ý cho đi.
Tuy nhiên, khi có một thầy là huấn luyện viên đội Vĩnh Phúc về thuyết phục, cũng như thấy con gái thích quá, nên bố mẹ đồng ý cho đi và nói: "Sau này sướng hay khổ thì con phải chịu vì đây là quyết định của con. Bố mẹ chỉ muốn con tập trung ở nhà vào việc học để có tương lai tươi sáng hơn".
Khi tôi xa nhà tập luyện, lúc đầu cũng có khó khăn vì khi đó còn rất nhỏ, và bố mẹ đều lo lắng. Lúc đó, tôi chưa nghĩ nhiều, đi lên thấy các chị tập luyện rất thích và vui, nhưng khi mẹ và bác từ Vĩnh Phúc đi về tôi mới khóc rồi nhớ nhà, nhớ các em và mọi người. Sau khi tập ở đội Vĩnh Phúc được 2 năm, tôi chuyển về thi đấu cho NHCT.
- Lúc mới đầu, Hoài đã biết mình thi đấu vị trí nào trên sân chưa?
- Lúc đầu vào, tôi chỉ biết là bóng chuyền thôi, chứ chưa biết chơi vị trí nào và trên sân có những vị trí gì. Sau khi tập được một thời gian, tôi được thầy ở đội Vĩnh Phúc định hướng cho theo chuyền hai. Từ đó lên đến NHCT, tôi tiếp tục đi theo vị trí ấy. Bởi vì vị trí trên sân cũng phải tùy người. Tôi hơi thấp (1,73 m) so với các bạn trong đội nên nghĩ vị trí chuyền hai là phù hợp.
Thu Hoài luôn nỗ lực trong tập luyện để hoàn thiện các kỹ năng chuyền bóng. Ảnh: Thế Anh. |
- Hoài từng tham dự nhiều giải quốc tế cùng tuyển trẻ Việt Nam và gặt hái không ít thành công, nổi bật là danh hiệu chuyền hai xuất sắc giải U19 Đông Nam Á. Hoài có cảm nhận gì khi đó?
- Hai giải đấu tôi ấn tượng nhất là U19 Đông Nam Á và U23 châu Á cùng tổ chức tại Thái Lan. Năm 2016, U19 Việt Nam giành HCB Đông Nam Á và tôi nhận được giải cá nhân là chuyền hai xuất sắc. Tôi không nghĩ sẽ nhận được giải đó bởi thành tích của đội tốt là do tất cả đều cố gắng chứ không phải mỗi cá nhân tôi mà đội được như vậy. Tôi cũng cảm thấy chưa thực sự xứng đáng với danh hiệu đó, nhưng rất tự hào về bản thân.
- Sau giải đấu và danh hiệu đó, Hoài có gặp áp lực gì không?
- Thật ra, hầu hết vận động viên đều có một khoảng thời gian bị chững lại. Nếu sau đó, ai nhận ra sớm và vượt qua được, tôi nghĩ sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi cũng có một thời gian bị chững lại sau giải U23 châu Á năm 2017. Bởi vì lúc đó ở câu lạc bộ hay đội tuyển, tôi chỉ là phương án dự bị, nên nhiều lúc cũng chán nản, tập luyện cũng mệt mà không tiến bộ nhiều.
Khi đó rất may có thầy Kiệt động viên và quan tâm. Ngoài giờ tập, thỉnh thoảng thầy gọi tôi ra để trò chuyện. Bởi vì thầy cũng xuất thân từ vị trí chuyền hai, nên hiểu được tâm lý của tôi. Trên sân, thầy sẽ tạo áp lực để tôi suy nghĩ và trưởng thành nhanh hơn, nhưng ngoài đời, thầy tâm sự với tôi rất nhiều, giúp tôi giải tỏa tâm lý.
Ngoài ra, đội còn có đàn chị nổi tiếng Hà Thị Hoa. Lúc tôi còn trẻ, tập chưa đáp ứng được đường chuyền của mọi người, chị cũng chỉ bảo. Đó còn là cái may mắn khi tôi có người đi trước để nhìn vào và tự giác học hỏi.
Chuyền hai xinh đẹp và tài năng nhưng không muốn lấn sân showbiz
- Hoài có nhận được nhiều lời mời quảng cáo hay muốn lấn sân showbiz không khi được mệnh danh là "Hoa khôi bóng chuyền"?
- Tôi từng nhận được danh hiệu "Hoa khôi áo dài" tại một giải quốc tế năm 2016. Từ lúc lên đội tuyển, tôi cũng nhận được lời mời quảng cáo của 3-4 hãng nhưng chưa nhận lời bất kỳ ai. Tôi nghĩ lúc còn trẻ phải chăm chú vào tập luyện.
Nếu muốn lấn sân vào showbiz, tôi phải bỏ chơi bóng chuyền. Người đi trước thường bảo "một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Tôi nhiều lúc thấy người ta nổi tiếng, cũng muốn một chút thôi chứ không phải là mục tiêu chính. Tôi cảm thấy quá khó, bởi theo thể thao mới từng này thôi mà còn suýt không chịu nổi, không biết vào showbiz sẽ như thế nào. Những lời lẽ từ dư luận tôi chưa thực sự quen lắm.
- Nếu không theo nghiệp thể thao, Hoài sẽ chọn nghề gì?
- Ngày trước, tôi có ước mơ muốn làm một tiếp viên hàng không. Một năm trước, tôi vẫn còn ấp ủ ước mơ đó, nhưng đến lúc này thì không như vậy nữa. Bây giờ, tôi chỉ tập trung vào tập luyện và thi đấu. Trong tương lai, có thể tôi sẽ lựa chọn con đường kinh doanh.
- Dường như Hoài thích mặc áo dài khi đăng nhiều ảnh trên trang cá nhân?
- Tôi thích mặc áo dài kể từ khi nhận danh hiệu "Hoa khôi áo dài". Tôi cũng không biết vì sao nữa, nhưng mọi người bảo gương mặt của tôi có nhiều nét truyền thống. Áo dài là một trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và tôi muốn gìn giữ nét đẹp này. Hơn nữa, tôi thấy mặc áo dài nữ tính, khác hẳn trên sân đấu.
Chuyền hai trẻ rạng ngời khi được hỏi về trang phục áo dài. Ảnh: Thế Anh. |
- Hoài có cảm thấy chạnh lòng khi là một nữ vận động viên, thường toát ra vẻ khỏe khoắn và có chút nam tính?
- Tôi thỉnh thoảng đi chơi thấy người ta nhỏ nhắn, dễ mặc đồ thì chạnh lòng một chút tôi. Tuy nhiên khi mặc đồ thể thao, tôi rất thích vì nó đúng với phong cách của mình và cảm thấy thoải mái.
Tập luyện nhiều cũng không tránh khỏi bàn tay bị thô và chai. Tuy nhiên, tôi chơi chuyền hai nên tiếp xúc với bóng bằng 2 đầu ngón tay nên cũng đỡ. Các bạn đập bóng sẽ bị chai tay nhiều hơn.
- Ước muốn lớn nhất trong sự nghiệp của Hoài là gì?
- Lúc mới tập, tôi muốn được thi đấu chuyên nghiệp và góp mặt trong đội tuyển quốc gia. Đến giờ, coi như ước mơ đó đã thành hiện thực rồi. Mục tiêu bây giờ là cố gắng duy trì.
Tôi cũng muốn được ra nước ngoài thi đấu, bởi khi đó bản thân sẽ có nhiều cơ hội có xát với những đội bóng mạnh, nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu có thể, tôi muốn sang Thái Lan hoặc Indonesia.
- Hoài có bạn trai chưa và mẫu người yêu lý tưởng như thế nào?
- Hiện tại, tôi chưa có người yêu. Mẫu bạn trai lý tưởng của tôi là hiền lành, ít nói cũng được nhưng biết quan tâm người khác. Yêu nhau quan trọng nhất là phải biết thấu hiểu, thông cảm cho nhau. Người đó phải thông cảm cho tôi rất nhiều vì nghề này phải đi suốt, ít có thời gian chăm sóc gia đình.
Bây giờ yêu nhau và lấy nhau là một chuyện khác. Tôi nghĩ nếu yêu người cùng trong thể thao sẽ thông cảm được cho nhau hơn. Tuy nhiên, tôi không chắc khi muốn lấy người trong nghề. Tôi còn trẻ và muốn tập trung vào sự nghiệp trước đã.
- Xin cảm ơn Hoài đã nhận lời phỏng vấn!