Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoa hậu Lương Thùy Linh: 'Sách biến tôi thành phiên bản tốt nhất'

Lương Thùy Linh không dám nhận mình có phổ đọc rộng nhưng tự tin thói quen đọc sách đã giúp cô trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

Đọc sách, Lương Thùy Linh nhận ra cuộc sống thực không hoàn toàn màu hồng mà đan cài nhiều trải nghiệm xương máu, và từ đó giúp bản thân cô trưởng thành hơn.

Người đẹp 10X thích đọc sách kinh tế, self-help và tiểu thuyết văn học. Cuốn cô tâm đắc là Khi lỗi thuộc về những vì sao, hoa hậu nhận thấy tính cách cô khá giống với nhân vật Hazel trong tác phẩm.

Đọc sách cả khi đang trang điểm

- Là người có học vấn cao, từng đỗ Đại học Ngoại Thương với 24,4 điểm, Lương Thùy Linh có phải là người ham đọc sách?

- Tôi ham đọc. Đa số sách tôi đọc đều bổ trợ cho các môn học trên lớp để củng cố thêm kiến thức. Bên cạnh đó, tôi tham khảo tài liệu trên mạng vì đó là kho tàng rất lớn và hầu như đều miễn phí.

Tôi đã chủ động tạo thói quen đọc sách từ nhỏ, và luôn thấy rằng những gì mình tự giác sẽ khiến bản thân thoải mái hơn. Bố mẹ tôi quá bận để thúc giục tôi trong mọi việc.

- Thói quen này thay đổi thế nào theo thời gian?

- Ngày bé tôi hay đọc truyện cho mẹ nghe. Lớn dần tôi không chỉ đọc sách, truyện mà còn đọc tin tức nữa. Theo tôi, các trang báo chính thống cũng có tác dụng như sách, vì thông tin đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Còn giờ đây phần lớn thời gian tôi để nghiên cứu giáo trình và đọc sách tham khảo liên quan tới những gì mình thích.

- Bận rộn với công việc của một đương kim hoa hậu và lịch học tại trường, chị dành thời gian nào cho việc đọc sách?

- Tôi luôn quan niệm học ở trường quan trọng, nhưng không quan trọng bằng tự học. Vậy nên, ngoài những gì thầy cô giảng thì cuối tuần, đặc biệt là trước những bài kiểm tra, tôi sẽ tìm thêm tài liệu và sách vở liên quan để học, ôn lại kiến thức. Rồi lúc rảnh rỗi, ví dụ như khi đang make-up chuẩn bị chụp hình hoặc giờ giải lao, tôi đọc ebook để không phí thời gian.

- Những cuốn sách đã tác động như thế nào đến nhân sinh quan, thế giới quan của chị?

- Đọc sách là cả quá trình dài để trải nghiệm và thay đổi tư duy. Ngày bé, chúng ta thường đọc, được nghe những câu chuyện cổ tích, nơi mà các công chúa hoàng tử sống trong thế giới màu hồng. Lớn hơn một chút, chúng ta đi tìm câu trả lời tại sao trời mưa, nắng, hay tại sao chúng ta được sinh ra?

Thêm vài năm sau, ta biết hơn những điều học thuật, gặp vô vàn câu chuyện phức tạp hơn công chúa hoàng tử. Từ đó, ta nhận ra thực tế không hoàn toàn là nhung lụa, nhưng cũng chứa rất nhiều điều thú vị.

"Tôi giống Hazel trong Khi lỗi thuộc về những vì sao"

- Theo học chuyên ngành Kinh tế với ước mơ trở thành doanh nhân, hẳn chị sẽ phải đọc rất nhiều sách lĩnh vực này. Cuốn sách nào chị muốn chia sẻ?

- Với chuyên ngành Kinh tế, trước tiên tôi đọc những cuốn cơ bản nhất. Sau đó, tôi đọc thêm sách có uy tín như Thế giới phẳng - cuốn mà tôi cực kỳ yêu thích, và tìm thêm các đầu sách được xuất bản bởi những nguồn đáng tin.

- Quan điểm trong sách làm giàu thường chỉ đến từ cá nhân, dĩ nhiên sẽ không phù hợp cho tất cả. Chị sẽ chọn hướng theo quan điểm của một nhà đầu tư hay chắt lọc tinh túy của rất nhiều doanh nhân?

- Chắc chắn tôi sẽ tham khảo nhiều người để tìm ra cái gì thích hợp nhất với mình. Nếu chỉ học từ một nguồn, đôi khi, nội dung cuốn sách sẽ không tương đồng với định hướng của tôi. Nếu biết tổng hợp từ nhiều nguồn, tôi tin bản thân sẽ tiếp thu được nhiều và linh hoạt hơn khi vận dụng vào thực tế.

luong thuy linh anh 3

Lương Thùy Linh thấy bản thân giống Hazel trong Khi lỗi thuộc về những vì sao.

- Chị từng kể ngoài sách Kinh tế còn rất thích đọc tiểu thuyết, nhất là cuốn ‘Khi lỗi thuộc về những vì sao’. Điều gì khiến cuốn sách này hấp dẫn chị?

- Chuyện tình yêu của hai bệnh nhân ung thư trong Khi lỗi thuộc về những vì sao khiến tôi khâm phục quá đỗi. Dù biết mình đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ đều không màng tới đau đớn mà dùng hết số ngày còn sống ít ỏi để yêu thương và sẻ chia.

Tôi rất thích nhân vật Hazel. Trong truyện, Hazel có nói khi được hỏi đánh giá mức độ đau theo thang 10, dù lúc đó rất đau đớn nhưng cô chỉ trả lời là 9. Hazel đã để dành mức độ cao nhất cho mất mát to lớn, đó là khi Augustus qua đời.

- Trong tiểu thuyết của John Green, khi được hỏi “Nỗi sợ của em là gì”, Augustus lập tức trả lời “Em sợ sự quên lãng. Em sợ nó như người ta vẫn nói những người mù sợ bóng tối”. Còn với chị, nỗi sợ của chị là gì?

- Tôi có thể nói tôi giống nhân vật Hazel, ở chỗ Hazel không cần nhiều người nhớ đến, cô ấy chỉ cần một mà thôi - theo như Augustus viết trong bức điếu văn. Và tôi cũng như Hazel, nếu không được làm điều mình mong muốn, đam mê, những câu hỏi của tôi không được giải đáp thì đó chính là nỗi sợ của bản thân tôi.

- Chị còn đọc thêm những thể loại sách nào khác?

- Mọi người hay nói sách self-help khiến người đọc ảo tưởng và chẳng giúp được gì khi đóng sách lại. Nhưng với tôi, self-help là nguồn động lực lớn vì trong self-help, tôi thường thấy những lời khuyên, những câu quotes truyền cảm hứng. Với tôi, mỗi ngày được động viên như vậy đã giúp tôi tràn đầy năng lượng rồi.

- Cuốn đã truyền cảm hứng, hoặc làm thay đổi cuộc sống của chị?

- Thật sự khó vì cuốn nào cũng có cái hay riêng, cho tôi cảm hứng nhất định. Chính sự quan sát và những trải nhiệm trong từng trang sách và mỗi ngày được sống đã mài dũa suy nghĩ của tôi, biến tôi thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

- Câu nói kinh điển hoặc trích dẫn (ở cuốn sách nào) mà chị tâm đắc nhất?

- Câu nói tôi rất tâm đắc và cũng là châm ngôn sống hiện giờ: "The desire for more positive experience is itself a negative experience. And, paradoxically, the acceptance of one’s negative experience is itself a positive experience" (tạm dịch: Mong muốn có được trải nghiệm tích cực thực ra lại là một điều tiêu cực. Và nghịch lý thay, sự chấp nhận những điều tiêu cực lại chính là trải nghiệm tích cực).

Đừng cố tìm kiếm và bắt bản thân phải luôn suy nghĩ tích cực mà hãy chấp nhận thực tế, những người biết chấp nhận sẽ có suy nghĩ thoáng hơn, ít bị chìm trong áp lực, tôi nghĩ vậy.

"Vẫn còn nhiều người lười đọc sách"

- Chị có tự tin rằng mình có phổ đọc rộng?

- Tôi đọc cũng không ít nhưng chưa phải là nhiều về cả số lượng lẫn chủ đề nên phổ đọc cũng ở mức bình thường. Sẽ rất vui nếu người hâm mộ đề nghị tôi mở blog tư vấn về sách. Khi đó, tôi sẽ phải nghiền ngẫm nhiều sách hơn để có thể cho ra những review chất lượng.

- Theo kết quả khảo sát năm 2019, tỷ lệ người Việt đọc sách thấp so với các nước trong khu vực. 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Chị nghĩ gì về con số này?

- Cá nhân tôi thấy thói quen đọc sách vẫn chưa phổ biến lắm với người Việt. Nếu không phải sách giáo khoa, giáo trình thì số người chủ động tìm hiểu kiến thức từ các nguồn sách tham khảo, sách văn học hoặc thể loại sách khác không nhiều.

Để thay đổi điều này, bố mẹ có thể tạo thói quen cho con bằng cách luôn để sách ở đầu giường. Thời gian rảnh, thay vì xem phim thì sẽ cùng con đọc sách. Trường học cũng nên có thêm nhiều hoạt động ngoại khoá, các chương trình để khuyến khích việc đi tìm kiến thức từ sách của học sinh.

luong thuy linh anh 4

Nhờ đọc sách từ bé, Lương Thùy Linh có nền tảng tri thức tốt để bước vào đời.


- Làm gì để người Việt, nhất là các bạn trẻ trở nên yêu thích và tạo lập thói quen đọc sách mỗi ngày, theo chị?

- Tôi cho rằng xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ sẽ khiến trẻ quen với việc hàng ngày đọc sách. Ở trường nên có nhiều hoạt động và chương trình thú vị hơn để khuyến khích việc đọc. Bên cạnh đó, tôi nghĩ các nhà xuất bản có thể có thêm nhiều chiến lược khuyến khích văn hóa đọc như tổ chức các hội sách, tuần lễ đọc sách, thiết kế sách bắt mắt hơn... nhằm thu hút giới trẻ.

Bài liên quan

Nhật Lam

Ảnh: Vinh Luu

Bạn có thể quan tâm