Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoa hậu da màu vượt qua thị phi

Những người tiên phong luôn gặp nhiều thử thách. Tân Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản - Ariana Miyamoto - đã chuẩn bị trước tâm thế này và không chùn bước trước “gạch đá” từ dư luận ác ý.

Với thái độ sẵn sàng đối mặt với sự kỳ thị của dư luận, thậm chí coi đó là nguồn động lực củng cố quyết tâm hoàn thiện bản thân, Ariana Miyamoto chứng tỏ cô là một người Nhật đích thực. Nhưng trên thực tiễn, người ta vẫn có lý do để không chịu chấp nhận cô.

Theo Washington Post, sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2015 vào tháng 3, Ariana Miyamoto ngay lập tức phải hứng chịu những chỉ trích, thậm chí phỉ báng của những người Nhật không chấp nhận việc một người đa chủng tộc như cô đại diện cho sắc đẹp của đất nước mặt trời mọc.

Hoa hậu hoàn vũ Nhật Bản 2015 Ariana Miyamoto - Ảnh: Japan Times
Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2015 - Ariana Miyamoto. Ảnh: Japan Times

Mẹ Ariana là người Nhật, nhưng cha cô lại là một người Mỹ gốc Phi. Với nước da ngăm đen đặc trưng của một người pha chủng tộc, việc Ariana Miyamoto giành ngôi quán quân trong cuộc thi sắc đẹp ở một đất nước như Nhật là chuyện chưa từng có trước nay.

Trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP, người đẹp 21 tuổi cho biết: “Tôi đã lường trước những kỳ thị này và sẽ là nói dối nếu bảo chuyện đó chẳng hề làm tổn thương tôi. Nhưng sự kỳ thị đó đã tiếp thêm cho tôi động lực”.

Ở một đất nước được xem là một trong những nơi có chủng tộc thuần nhất như Nhật, rõ ràng có một quan điểm phổ biến cho rằng những người pha chủng tộc như Miyamoto không hoàn toàn là người Nhật.

Nhà tâm lý học Yoko Haruka, gương mặt quen thuộc với công chúng trên truyền hình Nhật, cho rằng không khó hiểu khi những người Nhật bảo thủ không hài lòng với chuyện Miyamoto đại diện cho nhan sắc Nhật tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Nhà tâm lý học Yoko Haruka nói: “Đó quả là một tin sốc. Nhưng chắc chắn cô ấy đã có cơ hội trở thành người tiên phong và đây là một dịp tuyệt vời để nước Nhật thay đổi nhận thức mang tính toàn cầu hơn”.

Trên thực tế, những kỳ thị xã hội với người đa chủng tộc tại Nhật nhiều khi nặng nề tới mức đã có những người tự tử vì không thể vượt qua. Chính người bạn gái thân thiết của Miyamoto, một người đa chủng tộc khác, là một nạn nhân như thế.

Mặc dù đã từng lớn lên trong thời thơ ấu bị bắt nạt vì chủng tộc khác biệt ở thị trấn cảng Sasebo, tỉnh Nagasaki, nhưng chính cái chết của người bạn thân đã thôi thúc Miyamoto ghi tên tham dự các cuộc thi sắc đẹp.

Cô nói: “Lý do khiến tôi đi thi là vì cái chết của bạn mình. Tôi muốn thay đổi nhận thức của mọi người về sự kỳ thị chủng tộc. Giờ đây, khi là Hoa hậu Hoàn vũ da đen đầu tiên của nước Nhật, tôi đã có được cơ sở rất tốt để truyền đi thông điệp đó. Là người đầu tiên luôn rất khó khăn, do đó về điểm này, những gì người mẫu Naomi Campbell đã làm được thật tuyệt vời”.

Lúc trước, Miyamoto từng chịu áp lực phải giấu giếm nguồn gốc xuất thân để cố hòa nhập cuộc sống. Nhưng nay, ở cương vị mới, cô không còn sợ hãi khi mọi người dồn ánh mắt vào mình, cô cũng không còn ngần ngại khi nói ra suy nghĩ riêng, đặc biệt khi chạm tới những vấn đề về chủng tộc.

Cô nói: “Tôi muốn bắt đầu một cuộc cách mạng. Tôi không thể thay đổi mọi thứ trong một sớm một chiều, nhưng trong 100 hay 200 năm nữa sẽ còn lại rất ít những người Nhật thuần chủng, vậy nên chúng ta sẽ phải bắt đầu thay đổi cách nghĩ của mình”.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150524/hoa-hau-da-mau-vuot-qua-thi-phi/751443.html

Theo Kim Thoa/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm