Dù còn nhiều bàn cãi, dù còn những tồn lưu chưa cho phép xác quyết, nhưng có thể nói, cái tên Hồ Xuân Hương đã trở thành một hình mẫu tượng trưng cho giá trị nghệ thuật, giá trị đời sống con người trong bối cảnh xã hội, văn hóa, tư tưởng vốn rất hà khắc thời trung đại.
Tượng đài nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thu Thủy. |
Trong hồ sơ đệ trình UNESCO ghi nhận và vinh danh Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã đồng loạt nêu lên những căn cứ, cho phép định vị nữ sĩ Hồ Xuân Hương như một giá trị đặc biệt, không thể thay thế trong diễn trình tư tưởng, nghệ thuật Việt Nam. Đó là hệ quy chiếu hướng đến chia sẻ cùng thế giới một biểu tượng của sự tôn vinh con người gắn với tư tưởng nhân văn vĩnh hằng, tư tưởng thẩm mỹ độc đáo đã khai sinh trên quê hương Việt Nam.
Theo đó, có 7 căn cứ chủ yếu được nêu lên: Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn/ nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người; Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một quan niệm văn hóa và thẩm mỹ độc đáo chưa từng có về các nhu cầu cơ bản của con người như tình dục, đời sống bản năng, trần tục; Thơ Hồ Xuân Hương ca ngợi nồng nhiệt sự sống, sự lạc quan, yêu đời; Thơ Hồ Xuân Hương nhiều bài đạt tầm kiệt tác, là một đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới; Thơ Hồ Xuân Hương có sức lan tỏa sâu rộng và tính cộng hưởng, tạo nên hiện tượng “đồng sáng tạo” hiếm có; Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền; Thơ Hồ Xuân Hương được dịch và giới thiệu rộng rãi trên thế giới (Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - danh nhân văn hóa, NXB Nghệ An, 2022).
Có thể nói, 7 căn cứ nêu trên là những điểm cốt lõi nhất nhằm định hình và diễn giải giá trị của hiện tượng văn hóa Hồ Xuân Hương. Từ góc nhìn đồng đại, có thể thấy, Hồ Xuân Hương đã tháo tung và vượt lên các khuôn khổ của thời đại mình. Từ góc nhìn lịch đại, những giá trị đó vẫn đang cho thấy sự lan tỏa, vang hưởng và bám rễ rất sâu vào cơ tầng văn hóa, giá trị sống của con người đương đại. Như thế, có thể xem Hồ Xuân Hương là một biểu tượng của những giá trị nhân văn/ nhân bản vĩnh hằng đang được nhân loại hướng tới và tôn vinh.
Trong những nghiên cứu mới nhất về Hồ Xuân Hương, phần tác phẩm của bà được giới thiệu gồm 141 bài thơ, bao gồm thơ Nôm truyền tụng, thơ chữ Hán và tập Lưu Hương ký (Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - danh nhân văn hóa, NXB Nghệ An, 2022). Độc giả Việt Nam hẳn sẽ tìm thấy trong những bài thơ ấy dấu vết của một tâm hồn nữ sĩ yêu cuộc sống, yêu con người và các giá trị nhân văn; đồng thời, từ thơ của bà cùng những giai thoại liên quan, chúng ta nhận ra sự sắc sảo, thông minh, hóm hỉnh và một tinh thần vượt thoát của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Sử dụng lớp ngôn từ và hình ảnh mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực, Hồ Xuân Hương đã mang đến những bài thơ đa nghĩa, vừa thú vị, vừa sâu sắc (Bánh trôi nước, Đánh đu, Cái quạt, Cái giếng, Dệt cửi đêm, Quả mít…). Lớp hình ảnh và ngôn từ này có vẻ như còn nhiều kiêng kỵ trong hệ thống từ chương bác học, cung đình.
Tuy vậy, đó lại là lối cảm, lối nghĩ và cách thức diễn đạt khá phổ biến trong môi trường văn hóa dân gian. Hồ Xuân Hương đã tận dụng phương cách ấy để thể hiện tư tưởng của mình, cũng là một ý hướng phản kháng những định chế từ các diễn ngôn trưởng thượng đạo mạo của văn chương cung đình: “Thân em như quả mít trên cây / Vỏ nó xù xì múi nó dày / Quân tử có yêu thì đóng cọc / Xin đừng mân mó nhựa ra tay” (Quả mít).
Một số tác phẩm của Hồ Xuân Hương. |
Là một mẫu hình tiêu biểu của con người cá nhân trong không gian văn học - văn hóa trung đại (vốn khuếch trương hình mẫu con người siêu cá thể), Hồ Xuân Hương hẳn đã hiểu những hay dở của thời đại mà bà đang sống. Chính vì thế, trên diễn biến của chính thân phận mình (và những người cùng cảnh ngộ, cùng giới tính, cùng một môi trường văn hóa), trên những đường biên và giới hạn của các giá trị, Hồ Xuân Hương từng bước tháo tung các khuôn khổ để nói lên tiếng nói của con người tự do, con người đời thường gần gũi chân thực: “Canh khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non / Chén rượu đưa hương, say lại tỉnh / Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn / Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám / Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn / Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại / Mảnh tình san sẻ tí con con” (Tự tình II).
Giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Xuân Hương thực sự khiến chúng ta hôm nay phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đã hơn 200 năm kể từ ngày nữ sĩ mất đi, nhưng di sản của bà vẫn luôn hiện diện trong tâm thức con người đang sống. Phê phán cái nhố nhăng, lố bịch, kệch cỡm của thời đại; cất tiếng nói cảm thông, chia sẻ với phận người trong vòng cương tỏa hà khắc của lễ giáo trung đại; ca ngợi vẻ đẹp của con người, thiên nhiên và đời sống; thực hành một phong cách thơ độc đáo… Hồ Xuân Hương vừa rất truyền thống nhưng cũng hiện đại đến không ngờ. Trên hành trình đi đến các giá trị cốt lõi, vĩnh hằng của loài người, những tư tưởng của Hồ Xuân Hương xứng đáng được nhân loại ghi nhận, vinh danh và chia sẻ một cách rộng rãi và bền bỉ.