Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh. |
6 tỉnh được hỗ trợ gồm: Quảng Trị (15,7 tỷ đồng), Đắk Lắk (22,4 tỷ đồng), Đắk Nông (17,6 tỷ đồng), Long An (9,3 tỷ đồng), An Giang (10,7 tỷ đồng), Đồng Tháp (9,4 tỷ đồng).
Thủ tướng yêu cầu việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
UBND các địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác cùng với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.
Trong năm 2015, do tác động của El Nino, Việt Nam đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng diện rộng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho hay, năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục trong 100 năm qua. Mực nước các dòng sông xuống thấp khiến tình trạng này ngày càng thêm trầm trọng.
Một số vị trí dọc theo khu vực ven biển của đồng bằng, từ sông Vàm Cỏ cho đến sông Tiền, sông Hậu, rồi khu vực biển Tây, mặn đều vào sâu hơn từ 30 đến 50 km, độ mặn cao hơn từ 4-7g/lít.
Đê bao gây hệ quả xấu
Theo tiến sĩ Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), nước vào mùa lũ mang nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, giúp đẩy xâm ngập mặn ra khỏi đồng bằng. Thời gian qua, các tỉnh thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp phát sinh hàng loạt công trình đê bao khép kín. Thay vì nước lũ được tràn đầy đồng như trước đây, thì nay co cụm lại theo các dòng sông và lại theo sông Mê Kong rút nhanh về các tỉnh phía hạ nguồn.
Hệ quả, nông dân phải gánh khi bắt đầu vào mùa khô, nước đã khan hiếm lại càng rút nhanh hơn khiến hạn hán gay gắt, xâm ngập mặn ngày càng tăng. Theo tiến sĩ Ni, trước mắt cần có kế hoạch khai thác các tiểu vùng đê bao khép kín, biến nơi đây thành các hồ trữ nước vào mùa khô với điều kiện phải đảm bảo lợi ích của người dân trong và ngoài các tiểu vùng.