Cách Phnom Penh 130 km về phía bắc, Hồ Tonle Sap, với chu kỳ lũ hàng năm là một phần quan trọng của hệ sinh thái Campuchia, đang oằn mình dưới áp lực của biến đổi khí hậu và các hoạt động đánh bắt không bền vững.
Theo South China Morning Post, lượng nước giảm đã dẫn đến các vùng đất ngập nước xung quanh khô cạn và nhiều người sống dựa vào Hồ Tonle Sap để sinh tồn ngày càng khó tìm cá.
Năng suất đánh bắt cá cao
Với diện tích 2.700 km2, Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có năng suất đánh bắt cá cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt quá mức, các đập thủy điện trên sông Mekong và rác thải từ các thị trấn xung quanh đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Campuchia, làm mất các bãi bồi và gây ô nhiễm nguồn nước.
Một ngư dân Campuchia và con trai chuẩn bị thả lưới xuống sông Mekong, gần đoạn nối với Hồ Tonle Sap. Ảnh: AP. |
Tonle Sap từng có rất nhiều cá. Tuy nhiên, do sinh thái bị hủy hoại và sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều người phụ thuộc vào hồ đang ngày càng khó kiếm sống.
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), ngoài gạo, cá là nguồn thực phẩm quan trọng nhất của Campuchia, chiếm hơn 75% lượng protein động vật của người dân. Là nguồn cung cấp phần lớn trong 800.000 tấn thủy sản cho đất nước, Hồ Tonle Sap đóng vai trò rất quan trọng.
"Nhiều người dân sống bên hồ đang đối mặt với tương lai ảm đạm hơn và ít có khả năng nuôi sống gia đình", Taber Hand, người sáng lập và giám đốc của Wetlands Work!, tổ chức môi trường có trụ sở tại Phnom Penh, cho biết.
Hoạt động đánh bắt quá mức bắt nguồn từ việc ngư dân lén lút câu cá trong đêm hoặc sử dụng lưới bất hợp pháp. Tháng 8 năm 2018, cảnh sát đã tiến hành cuộc trấn áp quy mô lớn ở tỉnh Pursat, thu giữ hơn 5.300 lưới đánh cá.
Campuchia là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á nhưng dân số đang gia tăng nhanh chóng với tốc độ khoảng 1,5%, gấp hai lần so với Mỹ. Áp lực cuộc sống gia tăng buộc ngư dân làm bất cứ điều gì có thể để sinh tồn.
Ngư dân Campuchia thả lưới xuống Hồ Tonle Sap. Ảnh: Reuters. |
Thách thức từ những con đập thượng nguồn
"Ngày nay, những người sống trên mặt nước gần các nhánh sông có nước chảy đang xây dựng trang trại cá lồng và cho ăn bằng thức ăn viên thay vì cá nhỏ đánh bắt tự nhiên. Trong khi đó, câu cá trái phép vào mùa cấm đánh bắt đã trở nên phổ biến hơn khi mọi người cần thức ăn", Hand cho biết.
Bin Bunthong, 48 tuổi, câu cá trên Hồ Tonle Sap từ năm 18 tuổi. Ngư dân sống ở làng nổi Kampong Luong bên bờ hồ này cho biết việc kiếm sống từ đánh bắt cá ở đây đã thay đổi đáng kể trong những năm qua. Hiện tại, những người sử dụng lưới bất hợp pháp đang bóp nghẹt ngành công nghiệp địa phương.
"Trước đây, việc đánh bắt rất dễ dàng vì có rất nhiều cá. Hiện tại có rất nhiều lưới, việc đánh bắt trở nên khó khăn hơn vì tôi sử dụng thiết bị nhỏ để bắt cá. Cá nhỏ hay cá lớn đều không tới lượt tôi. Vì vậy, khi mọi người đặt lưới lớn, họ sẽ bắt được mọi loại cá và không cần quan tâm", ông nói.
Ngoài ra, một số con đập có sự tham gia xây dựng của Trung Quốc cũng đe dọa hệ sinh thái Campuchia. Lũ lụt ngược dòng từ đập Hạ Sesan 2 do Trung Quốc tài trợ đã khiến hơn 5.000 dân làng phải sơ tán trên khoảng 30.000 ha rừng và đất nông nghiệp.
Theo một báo cáo của chính phủ Campuchia bị rò rỉ hồi tháng 5/2018, dự án đập được đề xuất ở tỉnh Kratie, cũng do Trung Quốc tài trợ, có thể hủy hoại sông Mekong.
Bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với sông Mekong chắc chắn sẽ gây hại cho vùng đất ngập nước Tonle Sap, nơi phụ thuộc vào chu kỳ lũ của sông. Trong mùa mưa, lũ sông Mekong sẽ đảo ngược dòng chảy và chảy về phía bắc vào Hồ Tonle Sap.
Làng nổi Prek Toal trên Hồ Tonle Sap, Campuchia. Ảnh: Alamy. |
Un Borin, điều phối viên chương trình của Conservation International, cho biết những người Campuchia sống dựa vào Hồ Tonle Sap thường mắc kẹt trong vòng nghèo đói và không có cơ hội để đổi đời.
Các ngư dân như Bin bị hạn chế về giáo dục, vốn, thực phẩm để chuyển sang sinh kế khác. Đối với Bin, đó là một tình huống vô vọng.
Ở một đất nước như Campuchia, nơi những người có tiền được hưởng quyền lực và thường đứng trên luật pháp, các công dân nghèo hơn luôn cảm thấy thua thiệt. Tâm trạng "ăn bữa nay lo bữa mai" luôn thường trực trong suy nghĩ của họ.
"Chúng tôi không thể muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Chúng tôi muốn làm gì đó, nhưng làm như thế nào và chúng tôi có thể làm gì được khi luôn ở dưới những người giàu?", Bin nói về những vấn đề của Hồ Tonle Sap.