Hơn 70 ngày nắng nóng kéo dài, không mưa khiến nhiều hồ thủy lợi ở tỉnh Thanh Hóa cạn trơ đáy. Trong ảnh là hồ Mậu Lâm ở huyện Như Thanh, một trong những hồ thủy lợi lớn nhất địa phương, cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha đất nông nghiệp nay nứt nẻ, lác đác những vũng nước còn lại. |
Hồ cạn trơ đáy, nứt nẻ, chỉ còn sót lại những vùng trũng giữa lòng hồ, người dân đổ xô mang lưới đến vây bắt cá trước khi mực nước cuối cùng cạn hết. |
Lòng hồ khô cứng đến mức người dân dùng xe kéo, đi bộ trên lòng hồ cạn nước. |
Theo người dân, hồ Mậu Lâm sớm cạn nước là do bồi lắng và sạt lở hai bên bờ. Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho nạo vét để tăng khả năng trữ nước. Tuy nhiên, đến nay đơn vị được giao nạo vét khe suối Ông Ai có chiều dài 1,7 km (nguồn nước chính dẫn về hồ) và khe Trắng dài gần 1,3 km (vùng hạ lưu tràn xả lũ) trong hệ thống lòng hồ nhằm khơi thông dòng chảy và khả năng tiêu thoát lũ vẫn chưa thực hiện. |
“Hồ cạn trơ đáy đã cắt đứt nguồn nước tưới tiêu của người dân. Hàng trăm ha đất ruộng không thể gieo cấy, còn những diện tích đã gieo thì chết khô vì thiếu nước. Năm nay, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ mất mùa”, bà Lô Thị Chi, xã Mậu Lâm, nói. |
Người dân trong vùng dùng lưới quây những vũng nước còn sót lại ở hồ thủy lợi để bắt cá. |
Cá bắt được chủ yếu là cá rô phi, chép, cá lóc... |
Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết nắng nóng khiến phần lớn các hồ đập trên địa bàn cạn trơ đáy, thiếu nước tưới cho nông nghiệp. |
“Nước hồ đập cạn khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu thiếu nước tưới. Huyện đã yêu cầu đơn vị được giao nạo vét lòng hồ sớm xử lý để có nguồn nước phục vụ nông nghiệp song chưa thấy thực hiện”, ông Tuấn nói. Đây là hình ảnh cánh đồng cạn nước, nứt toác vì nắng hạn kéo dài. |
Còn tại xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa, là vựa rau lớn nhất cung cấp cho cả thành phố, người trồng rau đang từng ngày tìm cách chống hạn cho cây trồng. Hơn 2 tháng nắng hạn vừa qua khiến những người nông dân thêm phần vất vả |
“Những ngày nắng hạn vô cùng vất vả, trồng rau không lên nổi nếu không chăm tưới nước. Vừa tưới xong, rau lại rũ ra vì nắng. Cũng may giá rau thời gian này khá tốt, nên người trồng rau phải bỏ công làm lãi”, ông Thành (57 tuổi, xã Quảng Thành, TP Thanh Hóa) nói. |
Ngoài việc tưới nước thường xuyên, người dân phải dùng rơm rạ hoặc lá cây khô để giữ độ ẩm cho cây. |
Bà Hiệp (72 tuổi, trú xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) cho biết gia đình có 7 sào ruộng nhưng hiện đều đã nứt toác vì hạn sau nhiều ngày trời không mưa. Trong khi đó, hồ thủy lợi Mậu Lâm, nguồn nước chính của xã, đã cạn trơ đáy. “Ban đầu chúng tôi còn tìm cách để tát nước cứu lúa, nhưng nay thì đành phó mặc cho tự nhiên vì kênh mương đều đã cạn nước. Năm nay chúng tôi sẽ phải đối mặt với một vụ mùa thất bát nặng”, bà nói. |