Kể từ khi Giám đốc công ty Texwell Vina - ông Kim Jeen Chang - cùng 11 cán bộ quản lý Hàn Quốc khác đã rời Việt Nam, bỏ lại khoản nợ lương 13,7 tỷ đồng của gần 2.000 lao động đến nay đã gần một tháng. Hơn 1.000 công nhân vẫn đang chờ thông tin, hướng giải quyết.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cùng các tổ chức bảo vệ tài sản Công ty Texwell Vina vẫn đang tìm cách liên lạc với chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết vụ việc sớm nhất.
Việc nợ lương của doanh nghiệp này xảy ra ngay trước Tết Nguyên đán khiến công nhân không có tiền để về quê đoàn tụ cùng gia đình, đành chấp nhận ở lại Đồng Nai sống lay lắt qua ngày.
Công ty Texwell Vina (đóng tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được cấp giấy phép kinh doanh từ ngày 06/1/2006. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực dệt may, chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang, đặc biệt là đan và dệt.
Công ty nợ lương công nhân ở Đồng Nai được mệnh danh là
"Apple của ngành công nghiệp trang phục". Ảnh: Ngọc An. |
Theo các thông báo tuyển dụng của hãng công bố, Texwell Vina có vốn đầu tư 100% nước ngoài, từ một tập đoàn Hàn Quốc mang tên Kwang Lim, chuyên xuất khẩu các mặt hàng thời trang may mặc tới châu Âu và châu Mỹ.
Tập đoàn Hàn Quốc có 2 nhà máy tại Việt Nam
Trên website của doanh nghiệp, Kwang Lim được giới thiệu là tập đoàn may mặc Hàn Quốc được thành lập từ năm 1989, sản xuất kinh doanh ở nhiều quốc gia.
Tập đoàn có trụ sở chính tại Seoul với hơn 11.000 công nhân viên làm việc cả trong và ngoài nước. Với doanh thu hàng năm lên đến 350 triệu USD, Kwanglim được ca ngợi là "Apple của ngành công nghiệp trang phục". Hiện nay, tập đoàn sở hữu hơn 40 nhà máy và hàng chục chi nhánh tại nhiều quốc gia như Mỹ, Việt Nam, Indonesia và Philipines…
Cũng theo thông tin từ website chính thức của Kwang Lim, Texwell Vina là chi nhánh thứ ba được tập đoàn này thành lập ở nước ngoài vào năm 2008, sau Cộng hòa Guatemala và Indonesia.
Từ đó tới nay, công ty có khoảng 32 đối tác, bao gồm các doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước. Trong danh sách những khách hàng thân thiết của Texwell có những thương hiệu tên tuổi như Adidas.
Riêng về Texwell Vina, trong hơn 10 năm hoạt động, công ty đã xuất nhập khẩu hơn 1.000 chuyến hàng tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng theo giới thiệu trên website của Kwang Lim, Texwell Vina tại Đồng Nai là một trong 2 nhà máy của tập đoàn này tại Việt Nam. Nhà máy này có 42 dây chuyền sản xuất với hơn 2.900 lao động, có thể sản xuất 2 triệu sản phẩm mỗi tháng.
Nhà máy thứ 2 cũng thuộc tập đoàn này là công ty Samil Vina, đóng tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, phường Khánh Bình, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Nhà máy này có 9 dây chuyền sản xuất, cung cấp 800 nghìn sản phẩm mỗi tháng.
Lô hàng gần nhất đi Mỹ xuất ngày 19/2
Cho tới ngày 19/2, 11 ngày sau vụ việc giám đốc và cán bộ quản lý Hàn Quốc của Texwell Vina về nước, trang web chuyên cung cấp số liệu xuất nhập khẩu Panjiniva vẫn ghi nhận một lô hàng 2.886 kg của Texwell đi từ Vũng Tàu sang Los Angles. Sau ngày đó, trang web trên không còn số liệu mới nào của công ty này nữa.
Chia sẻ với báo chí sau vụ việc công ty nợ lương, công nhân làm việc tại Texwell cho biết công ty đã đổi chủ 3 lần và ông Kim Jeen Chang là người giữ chức giám đốc lâu nhất, kể từ năm 2012 tới nay. Trước đây, công ty đều trả lương và thưởng cho nhân viên rất đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra tình trạng nợ nần như hiện nay.
Ngày 26/2, hơn 1.000 công nhân đã có mặt trước cổng công ty để làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng công ty không hoạt động. Họ chỉ nhận được dòng thông báo đề nghị quay lại công ty vào ngày 6/3 tới để nhận thông báo tiếp theo từ tổ công tác do UBND tỉnh thành lập.