Ngày 14/11, Công ty Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh ra thông báo về việc xả tràn điều tiết nước nhiều hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Tàu Voi, Thượng Sông Trí, Sông Rác…
Theo thông báo, hồ chứa nước Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) lúc 7h ngày 14/11 ở cao trình 30,72 m, tương ứng 293 triệu m3. Hồ Kẻ Gỗ sẽ tiến hành điều tiết lũ với lưu lượng 100-300 m3/s.
Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn khi đang ở ở cao trình 30,72 m. Ảnh: Phạm Trường. |
Ngoài ra, các hồ chứa nước khác cũng được điều tiết xả lũ như hồ sông Rác, hồ Thượng Sông Trí xả tràn với lưu lượng từ 30-200 m3/s; hồ Bộc Nguyên và Khe Xai xả từ 10-70 m3/s....
"Mực nước vùng hạ du đang thấp, đơn vị chủ động xả tràn các hồ để hạ thấp mực nước nhằm đón nước do bão số 13 gây ra. Tuy nhiên, việc điều tiết lượng xả tuỳ thuộc vào lưu lượng nước về hồ", ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Công ty Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh cho hay.
Trong khi đó, mực nước hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) đang ở cao trình 48,99 m, tương đương dung tích 657,1 triệu m3 so với dung tích đạt được ở cao trình 52 m.
Ông Văn Thắng, Phó ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (đơn vị quản lý hồ Ngàn Trươi), cho hay đang theo dõi liên tục và có báo cáo từng giờ để đưa ra kịch bản vận hành hồ Ngàn Trươi khi mưa lớn xảy ra.
"Nếu lượng mưa thấp hơn mức dự báo 100-200 mm thì chưa phải xả lũ, còn nếu lớn hơn thì căn cứ vào tình hình thực tế và lượng nước đổ về hồ để có quy trình vận hành chính xác nhất", ông Thắng thông tin.
Đơn vị quản lý hồ Ngàn Trươi theo dõi từng giờ để đưa ra kịch bản vận hành. Ảnh: Phạm Trường. |
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 14-17/11, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 13, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa dự báo từ 100-200 mm.
UBND Hà Tĩnh đã ra công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với mưa bão, yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thực hiện cấm biển từ 17h ngày 13/11.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã có các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học...,hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão.
Các địa phương cần rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét theo các kịch bản đã được phê duyệt.
Các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi diễn biến, dự báo tình hình mưa, lũ, tổ chức vận hành, chủ động xả lũ đảm bảo an toàn.