Xem xét lại trách nhiệm của nhà quản lý để mại dâm tràn lan
- Trong một hội nghị về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm mới đây, lãnh đạo một địa phương đã có phát biểu được cho là “gây sốc”, đại ý rằng với một thành phố du lịch không thể không có mại dâm. Một lần nữa, chuyện có công khai mại dâm hay không lại được xới lên. Vậy bà có quan điểm như thế nào, dưới góc độ là một chuyên gia nghiên cứu về giới, mại dâm?
- Thực ra, quan điểm muốn công khai mại dâm không mới, ngay từ năm 2000, khi tôi chủ trì hội thảo và sau đó chủ biên cuốn sách “Mại dâm, quan điểm và giải pháp” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh xã hội) tổ chức và xuất bản đã đề cập đến điều này. Chỉ có điều các vị đã không dựa trên những chứng cứ khoa học và thực tế mà phát biểu theo cảm tính và có phần vô trách nhiệm, nhất là trên cương vị quản lý của mình.
- Tại sao bà lại cho rằng hô hào công khai mại dâm là vô trách nhiệm?
- Không phải ngẫu nhiên mà gần như cả loài người đã và đang chống lại tệ nạn này, chỉ có một vài nước trên thế giới hợp pháp hóa vì một phần họ không chống được mại dâm. Chống mại dâm là một việc khó, bởi nó động đến nhu cầu ăn chơi tha hóa, suy đồi của nhiều người (ngoại trừ một số ít những người có hoàn cảnh éo le hoặc lệch lạc, khiếm khuyết về tình dục). Tuy nhiên, không phải cứ vấp vào việc khó là chúng ta lại buông trôi. Mại dâm tràn lan, nhức nhối thì trước hết phải xem xét lại trách nhiệm và năng lực của nhà quản lý.
GS.TS Lê Thị Quý. |
- Bà đang buộc tội các nhà quản lý?
- Nếu họ làm tốt, làm đến nơi đến chốn thì đã chẳng đến nỗi ở đâu cũng có mại dâm như bây giờ.
- Thế những nhà khoa học như bà ở đâu trong việc tư vấn cho nhà quản lý?
- Vấn đề về thực trạng, quan điểm, giải pháp, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra từ lâu rồi, nhưng hình như họ bận quá nên chưa nghe.
Nhất định không thể công khai mại dâm
- Thú thực, tôi không tưởng tượng được nếu ta công khai mại dâm thì sẽ như thế nào?
- Không. Nhất định không thể để như thế được và tôi sẽ đấu tranh tới cùng cho điều này.
- Vì sao lại không thể công khai mại dâm, thưa bà?
- Thứ nhất, ngay từ thế kỷ XIX, nhà xã hội học Pháp Emile Durkheim (1858-1917) đã viết rằng: Mại dâm cùng với nạn tự tử là dấu hiệu một xã hội loạn kỷ cương. Phải coi mại dâm là vết nhơ khi con người phải mang cơ quan sinh dục và nhân phẩm ra để bán như hàng hóa.
Thứ hai, về mặt kinh tế, nhiều người muốn thu thuế từ mại dâm và để phát triển du lịch, Thái Lan là một ví dụ. Có thời kỳ, ở họ rất phát triển công nghệ tình dục. Tuy nhiên, theo một báo cáo của họ thì có năm thu được khoảng 4 tỷ USD từ hoạt động mại dâm, nhưng lại phải chi tới 6 tỷ USD cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cho gái mại dâm. Họ thua lỗ đấy chứ. Đấy là chưa kể họ bị gọi là “nhà thổ của thế giới”.
Thứ ba, nếu coi mại dâm là một nghề thì phải có đào tạo, nâng bậc hay biểu dương, tôn vinh nghề nghiệp... Ai làm việc này? Ngay ở các nước đã hợp pháp hóa mại dâm thì việc khinh miệt vẫn phổ biến. Người ta đánh đập, nhục mạ, hành hạ, thậm chí giết hại người làm mại dâm thì làm sao họ lại tự tin, tự hào về việc mình làm được.
Thứ tư, về văn hóa, xã hội, nếu chúng ta công khai mại dâm tức là đem một sai lệch chuẩn mực xã hội thành chuẩn mực để mọi người tuân theo và học tập. Đó là văn hóa hỏng từ gốc khi làm lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu.
Thứ năm, về mặt gia đình thì mại dâm làm tan nát nhiều gia đình. Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa vợ và chồng sẽ là liều thuốc độc làm xói mòn và giết chết hạnh phúc gia đình.
Từ tất cả các góc độ ấy, chúng ta không thể công khai mại dâm được.
- Nhưng thưa bà, người ta hô hào công khai mại dâm vì kỳ vọng sẽ thu được tiền thuế đấy?
- Thật là hài hước. Chẳng lẽ người Việt Nam không còn năng lực lao động để kiếm sống, để đóng góp cho sự phát triển xã hội hay sao mà phải dựa vào đồng tiền thu được từ các cô gái, chàng trai đi bán bộ phận sinh dục của mình?
Tôi xin hỏi các vị rằng: Chúng ta dùng tiền thuế từ mại dâm để làm gì? Để cứu trợ người nghèo hay để xây trường học, xây bệnh viện hay các công trình phúc lợi khác? Hay để trả lương cho những người hô hào công khai mại dâm? Ai sẽ nhận những đồng tiền đó? Tôi không tin những người có lòng tự trọng, có nhân phẩm lại đi nhận tiền từ việc đánh thuế mại dâm như thế.
- Nhưng, có “cầu” thì ắt phải có “cung” thôi?
- Không thể đổ cho cung - cầu như thế được. Lenin từng nói “Tình dục là nhu cầu nước uống của con người nhưng người lành mạnh không bao giờ uống nước cống”. Nếu các ông muốn uống, muốn công khai mại dâm thì uống một mình thôi, đừng bắt người khác cũng phải uống như mình! Tôi đồ rằng trong số các ông muốn công khai ấy chỉ là để thỏa mãn thú ăn chơi trác táng của mình mà thôi.
- Trước đây không lâu, một cán bộ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh xã hội) cho biết không phát hiện có mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) thì phát ngôn của lãnh đạo địa phương nọ là một tín hiệu đáng mừng khi dám nhìn thẳng sự thật?
- Bảo không có mại dâm thì đúng là quan chức có vấn đề về mắt. Người ta có thừa nhận hay không thì dân biết hết. Có điều, họ không dám nói ra sự thật vì “bệnh” thành tích, đương nhiên dân không tin vào khả năng quản lý của họ nữa. Còn ông lãnh đạo nọ muốn công khai mại dâm cũng phải xem xét lại.
- Theo bà, liệu có xóa hoàn toàn nạn mại dâm trong đời sống?
- Chắc chắn còn xa lắm, tạm thời cứ “sống chung với lũ” đã và phải tìm cách giảm nhẹ nó đi, bằng cách phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững để giải quyết việc làm cho thanh niên. Cần có các chính sách và hoạt động cứu trợ xã hội kịp thời với người nghèo, người gặp rủi ro do thiên tai và các tai nạn khác.
Phải đẩy mạnh công tác giáo dục. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ khách làng chơi, đặc biệt là một bộ phận quan chức, cán bộ tha hóa (kể cả nam và nữ), lừa dối vợ/chồng, con cái để ăn chơi trên đồng tiền của Nhà nước và nhân dân, làm băng hoại xã hội. Với nhóm này phải trừng phạt nghiêm khắc.