Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất’

PGS.TS, đại tá Nguyễn Thanh Tú - nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội - cho rằng Bác Hồ dùng những hình ảnh giản dị để đưa ra bài học sâu sắc.

Trong chuỗi sự kiện triển lãm sách mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Dâng Người trang sách màu xanh” diễn ra sáng 22/5 tại địa chỉ Book365.vn.

Chương trình do Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp NXB Quân đội Nhân dân thực hiện.

Bac Ho va tho ngu ngon anh 1

PGS.TS, đại tá Nguyễn Thanh Tú (trái) tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: BTC.

Diễn giả của chương trình - PGS.TS, Đại tá Nguyễn Thanh Tú - nguyên là Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của đại tá Thanh Tú là các cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là những cuốn sách như: Một tâm hồn vĩ đại và tinh tế (Cảm nhận về thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh); Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh - những mạch nguồn văn hóa; Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất; Hồ Chí Minh - sự thống nhất cuộc sống và nghệ thuật; Hồ Chí Minh - những biểu tượng văn hóa; Hồ Chí Minh - những phạm trù mỹ học cơ bản

Một trong những tác phẩm của đại tá Nguyễn Thanh Tú được bạn đọc quan tâm tại chương trình đó là Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất. Tác giả nói các nhà tư tưởng lớn trên thế giới thường là những nhà ngụ ngôn lớn, Bác Hồ cũng vậy.

“Khi Bác nói ‘5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài’, Bác nói vậy khiến mọi người thấm thía hơn về sự đoàn kết”, đại tá Thanh Tú nói.

Chuyên luận của đại tá Thanh Tú cho rằng ngụ ngôn Hồ Chí Minh lấy điểm tựa là ngụ ngôn dân gian và các ngụ ngôn bác học nổi tiếng trên thế giới nên có chiều sâu.

Các tác phẩm văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính ngụ ngôn như: Truyện ngụ ngôn (Con rùa, Đồng tâm nhất trí), kịch ngụ ngôn (Con rồng tre), thơ ngụ ngôn (Hòn đá, Chơi giăng)…

Bac Ho va tho ngu ngon anh 2

Một số cuốn sách viết về sự nghiệp, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của đại tá Nguyễn Thanh Tú.

Bác rất hay nói câu chuyện về chiếc đồng hồ. Trong một tổ chức, “anh” kim ngắn nói muốn làm kim dài. Bác nói mỗi người có một bổn phận, chức trách riêng. Vì vậy, ai cũng nên tập trung làm trọn nghĩa vụ, công việc của mình.

Bác cũng dùng ngụ ngôn lên án kẻ thù. Năm 1954, chế độ thực dân Pháp chuẩn bị nói lời cáo chung ở Điện Biên Phủ, nhưng vẫn có những thế lực thù địch khác. Bác nói đại ý “cây mục cũng phải xô mới đổ”.

Cây mục là thực dân Pháp, mục ruỗng, yếu ớt ở bên trong rồi, nhưng ta phải xô mới đổ. Ý Bác đã rõ, phải ra đòn chiến lược, có những bước đi đúng đắn, quyết định.

Bác cũng dùng ngụ ngôn khi nói về đạo lý làm người, về giáo dục. Ví dụ tiêu biểu là hình tượng giã gạo: “Gạo đem vào giã bao đau đớn / Gạo giã xong rồi trắng tựa bông / Sống ở trên đời người cũng vậy / Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Bác sử dụng hình tượng giản dị để nói những bài học sâu sắc. Ngụ ngôn của Bác “là sự đả kích, lên án, tố cáo; là những bài học về đường lối cách mạng và kháng chiến; là những bài học giáo dục tinh tế; là những bài học đối ngoại; là phương tiện giao đãi bạn bè vui vẻ, ý nhị”, trích lời đại tá Thanh Tú.

Đây chính là những căn cứ để ông đặt tên cho chuyên luận của mình: Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất.

‘Sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thu hút độc giả’

Tư tưởng của Hồ Chí Minh đến hôm nay vẫn là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp phát triển đất nước, vì thế luôn cần thêm nữa những cuốn sách, công trình về Người.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm