Công trình tượng đài cự thạch 7.000 năm tuổi được gọi là Stonehenge Tây Ban Nha đã nhô lên khỏi mặt nước lần đầu tiên sau 50 năm do hạn hán kỷ lục ở miền tây Tây Ban Nha. Thời tiết nắng nóng mùa hè năm nay đã khiến mực nước trong hồ rút xuống, làm lộ những khối đá cổ xưa, theo NBC.
Hơn 100 khối đá lớn xếp thành vòng tròn, được gọi là "Mộ đá của Guadalperal" (Dolmen of Guadalperal), bị nhấn chìm vào năm 1963 sau khi chính phủ Tây Ban Nha xây dựng hồ chứa Valdecañas để cung cấp nước cho đập thủy điện địa phương.
Thi thoảng có thể nhìn thấy đỉnh các khối đá cao nhất khi mực nước hồ thay đổi. Nhưng theo NASA, đây là lần đầu tiên toàn bộ di tích cổ nhô lên khỏi mặt nước kể từ khi xây hồ được chụp lại.
Mực nước trong hồ chứa giảm đáng kể mùa hè này sau khi trải qua hai đợt sóng nhiệt "nướng chín" gần như toàn bộ châu Âu.
Tượng đài Stonehenge 7.000 năm tuổi ở Tây Ban Nha đã nhô lên khỏi mặt nước lần đầu tiên sau 50 năm do hạn hán kỷ lục ở nước này hè năm nay. Ảnh: Wikimedia. |
Tại Tây Ban Nha, vào tháng 6, bảy trạm dự báo thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Ở một số thành phố, nhiệt độ cao hơn 40 độ C. Tháng 7, tháng 8 tiếp tục với nhiệt độ và khô hạn kỷ lục.
Vệ tinh Landsat 8 của NASA đã chụp được những bức ảnh ở đây vào ngày 25/7. Khi so sánh với ảnh chụp cùng thởi điểm năm 2013, mực nước trong hồ chứa Valdecañas giảm rõ rệt, lộ ra đáy hồ.
"Việc nâng và hạ mực nước ở đây thay đổi rất nghiêm trọng", Craig Lee, nhà khảo cổ học từ Đại học Colorado, Boulder, cho biết. "Đôi khi nó có thể để lộ các địa điểm theo cách đáng chú ý".
Bãi đá cổ được khai quật vào những năm 1920 bởi nhà khảo cổ người Đức tên là Hugo Obermaier. Thế nhưng, phát hiện của ông không được công bố cho đến những năm 1960, sau khi hồ chứa Valdecañas được xây dựng và tượng đài bị nhấn chìm.
Các nhà khảo cổ cho rằng những khối đá đứng có thể là một phần của cấu trúc khổng lồ như lăng mộ, hoặc không gian dành cho các lễ nghi tôn giáo.
Ông Lee nói rằng những khám phá như tượng đài Stonehenge chứng minh rằng hạn hán và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác do biến đổi khí hậu đôi khi có lợi cho ngành khảo cổ học.