Trước trận chung kết với Indonesia, các cầu thủ U22 Việt Nam tỏ ra thoải mái. Họ nghỉ ngơi, tập luyện và sinh hoạt ở khách sạn một cách bình thường. Nhiều cầu thủ vẫn sử dụng điện thoại và mạng xã hội.
Một số cầu thủ nhắn tin về cho gia đình, trả lời điện thoại từ bạn bè hỏi thăm. Thậm chí, có cầu thủ được nhờ mua vé cho người quen sang Philippines theo dõi trận đấu diễn ra lúc 19h trên sân Rizal Memorial.
U22 Việt Nam không bị thu giữ điện thoại như các kỳ SEA Games trước. Ảnh: Quang Thịnh. |
Các cầu thủ đều được dùng điện thoại nhưng phải có giờ giấc. Dưới thời ông Park Hang-seo, chưa bao giờ có quy định thu điện thoại trước ngày diễn ra trận đấu. Điều đó cũng thể hiện niềm tin của ban huấn luyện với cầu thủ.
Lứa cầu thủ hiện tại được đánh giá có chuyên môn tốt, đạo đức và cách sinh hoạt lành mạnh. Chưa bao giờ họ khiến thầy Park lo lắng về những câu chuyện bên lề sân cỏ.
Tại SEA Games 30 ở Malaysia cách đây 2 năm, các cầu thủ phải nộp điện thoại theo yêu cầu của cán bộ an ninh đi theo đội tuyển. Thượng tá Bùi Xuân Lệ, công tác tại P4, Cục cảnh sát Hình sự C45 (Bộ Công an) khi đó là người đi theo đội tuyển U22 Việt Nam.
Theo ông Bùi Xuân Lệ, trước ngày diễn ra trận đấu, các thành viên U22 Việt Nam thường xuyên được yêu cầu giao điện thoại, máy tính cá nhân. Việc này vừa nhằm đảm bảo an ninh, và mặt khác giúp các cầu thủ giữ gìn sức khoẻ.
Thầy trò HLV Park sẵn sàng cho trận chung kết SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng. |
Công tác giám sát, theo dõi hoạt động của đội thực chất được triển khai từ nhiều tháng trước đó. Mọi hoạt động của các thành viên U22 Việt Nam ở SEA Games diễn ra năm 2017 đều trong tầm ngắm của lực lượng an ninh.
Tại AFF Cup 2018, cán bộ an ninh cũng được cử theo dõi sát sao hoạt động của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Từ khởi đầu hành trình cho đến lúc vinh danh tại Mỹ Đình, đội đều được giám sát bởi cán bộ Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (C45) Nguyễn Đình Nghĩa.
Ở SEA Games 30, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đề nghị Bộ công an cử cán bộ giám sát cùng đội U22 Việt Nam sang Philippines.