Lần cuối cùng đội bóng của HLV Park Hang-seo giành chiến thắng dù bị dẫn trước là khi nào? Câu trả lời nằm ở tháng 1/2019, khi đội tuyển Việt Nam quật ngã Jordan trên chấm luân lưu ở vòng 1/8 Asian Cup 2019 dù bị đối thủ dẫn trước trong hiệp 1.
11 tháng đã trôi qua từ ngày ấy, lần này U22 Việt Nam của HLV Park cũng đã ngược dòng, nhưng chỉ trong 90 phút trước U22 Indonesia tại SEA Games. Hai tập thể (gần như) khác nhau ở hai đấu trường với đối thủ chênh lệch lớn về đẳng cấp, song HLV Park đã tìm ra điểm chung ở tình thế ngặt nghèo.
Đó không phải điều đơn giản, song cũng chính nhờ các cuộc đấu như thế, HLV Park đã buộc tất cả phải nhớ lại mình là ai.
U22 Việt Nam ngược dòng đánh bại Indonesia với bàn ấn định tỷ số đến trong phút bù giờ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Điều tất cả không thấy
Sai lầm đáng trách của thủ thành Bùi Tiến Dũng dẫn tới bàn thua có thể khiến nhiều CĐV không nhìn ra sự thật: U22 Việt Nam chơi tốt hơn hẳn Indonesia trong hiệp 1 và áp đặt được thế trận đúng như mong muốn của HLV Park Hang-seo.
Đó thực tế vẫn luôn là cách mà nhà cầm quân người Hàn Quốc tiếp cận trận đấu. Nếu phân tích kỹ lưỡng, HLV Park thậm chí bố trí các học trò vây ráp U22 Indonesia ngay trên phần sân đối thủ, “đánh” thẳng vào vị trí tiền vệ chơi thấp nhất nhằm phá lối chơi.
Hậu vệ phải Hồ Tấn Tài dâng cao pressing Indonesia ngay từ phần sân nhà, Hùng Dũng cũng lao tới rất nhanh để đoạt bóng. U22 Việt Nam đã chơi rất chủ động trước khi chịu bàn thua. |
U22 Indonesia gặp nhiều khó khăn và chỉ biết dồn bóng ra cánh để thực hiện những quả tạt vu vơ vào vùng cấm. Trong bóng đá hiện đại, việc kết thúc pha tấn công vốn được xây dựng gượng ép bằng một quả tạt như cách Indonesia làm chưa bao giờ là lựa chọn của những đội bóng có kế hoạch A đi đúng hướng.
Dĩ nhiên, biến số có tên Bùi Tiến Dũng đã khiến kịch bản A của HLV Park đổ bể. Lúc này, HLV Park bắt đầu đưa U22 Việt Nam tấn công, điều mà không ít người tin nhà cầm quân người Hàn Quốc khó làm được, vì cho rằng ông "chỉ biết đá phòng ngự".
Ngay sau bàn thua, U22 Việt Nam đã phối hợp như thế này để Hùng Dũng có cơ hội trong vùng cấm. |
3 cầu thủ đứng ở bên phần sân U22 Indonesia là 3 trung vệ của U22 Việt Nam. Trong những phút cuối hiệp 1, |
U22 Việt Nam đã làm rất tốt giai đoạn tấn công khi không tỏ ra lúng túng trong việc dồn ép thế trận và đẩy quân sang phần sân của Indonesia. Cảm xúc thất vọng nhất thời (vì bàn thua trên trời rơi xuống) có thể khiến nhiều người áp đặt quan điểm rằng đội bóng của HLV Park chơi bế tắc.
Song cần phải làm rõ rằng U22 Indonesia đã chủ động chơi lùi rất sâu để bảo vệ tỷ số. Họ phòng ngự cực đoan và không dễ để xuyên thủng tấm khiên chắc chắn này. Trong tình thế ngặt nghèo ấy, bản lĩnh của HLV Park xuất hiện.
Áp lực của U22 Việt Nam
12-1 dĩ nhiên không phải tỷ số trên sân Rizal Memorial. Hai con số chênh lệch khủng khiếp này ghi nhận những tình huống phạt góc của 2 đội, U22 Việt Nam có 12 lần buộc Indonesia phải đưa bóng hết đường biên ngang (trung bình 8 phút/lần, tính cả thời gian bù giờ), còn phía U22 Indonesia chỉ có 1 lần làm được điều tương tự.
Sự chênh lệch ấy là minh chứng cho áp lực khủng khiếp mà U22 Việt Nam đã tạo ra trước Indonesia. HLV Park đã làm gì để biến U22 Việt Nam thành một cỗ máy tấn công dồn ép đối thủ?
U22 Việt Nam chuyển sang sơ đồ 3-5-2 ngay đầu hiệp 2. |
Sức ép được duy trì liên tục. Cả 10 cầu thủ của U22 Việt Nam đều đã dồn sang phần sân của Indonesia sau khi có bàn gỡ hòa. |
10 cầu thủ Indonesia bên phần sân nhà (tính cả thủ môn) trong tình huống Hoàng Đức ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1. |
Câu trả lời vẫn đến từ chiến thuật. Sự xuất hiện của Hà Đức Chinh ngay đầu hiệp 2 đã đưa U22 Việt Nam chuyển từ 3-4-3 sang sơ đồ 3-5-2 với cặp tiền đạo Đức Chinh - Tiến Linh. Đỗ Hùng Dũng là tiền vệ kiến tạo lùi sâu, Hoàng Đức, Quang Hải đóng vai trò bao quát.
Chính từ khoảnh khắc này, U22 Việt Nam buộc Indonesia hoàn toàn chịu trận. Khả năng lên bóng toàn diện từ hai biên cũng như trung lộ khiến những cơ hội tới liên tiếp. Bóng luôn được nhồi vào vùng cấm U22 Indonesia. Và cho dù có sử dụng gần như cả đội hình để phòng ngự, đội dẫn bàn vẫn bị thầy trò HLV Park Hang-seo nung chảy.
Bàn thắng của Thành Chung đến từ sức ép kinh hoàng này của U22 Việt Nam. Siêu phẩm ấn định tỷ số của Hoàng Đức cũng tới từ sự dồn ép liên tục đó. Không có chút nào nao núng, thể lực của các cầu thủ U22 Việt Nam cũng chẳng hề bị suy kiệt.
Trong phòng họp báo sau trận, HLV Park khẳng định: "Chúng tôi đã thể hiện tinh thần Việt Nam, không bao giờ bỏ cuộc khi bị dẫn bàn, trở lại và giành chiến thắng trước U22 Indonesia".
U22 Việt Nam bình tĩnh đứng dậy sau biến cố, gỡ hòa trước khi đè bẹp đối thủ bằng sức ép trong những phút cuối. |
Ông Park không nói cho vui. Tinh thần "không bao giờ bỏ cuộc khi bị dẫn bàn" ấy chính là thứ tạo ra sức mạnh, niềm tin và cả sự hứng khởi cho bóng đá Việt Nam trong gần 2 năm qua.
Đội U23 Việt Nam của HLV Park đã thua Iraq ngay từ những phút đầu hiệp phụ thứ 2 ở tứ kết vòng chung kết U23 châu Á trước khi ghi liền 2 bàn sau đó để lật ngược thế cờ và đánh bại đối thủ trên chấm luân lưu.
Đội U23 Việt Nam ấy cũng 2 lần trở lại sau những bàn thua trước Qatar ở bán kết để tạo ra lịch sử trên chấm luân lưu.
Năm 2019, những giây phút như thế không xuất hiện quá nhiều, bởi đội bóng của HLV Park luôn thắng, thậm chí thắng thuyết phục đối thủ bằng sự áp đảo về chiến thuật.
HLV Park chưa quên cách vùng dậy từ thất bại. Ảnh: Minh Chiến. |
Sự trưởng thành của cả hệ thống dưới tay HLV Park trong năm 2019 đã phần nào khiến người hâm mộ quên mất việc ngược dòng từ thế thua mới là những viên gạch đầu tiên trong việc đưa bóng đá Việt Nam trở lại.
Trước U22 Indonesia, HLV Park vẫn giữ nguyên cái đầu lạnh để U22 Việt Nam ngược dòng trong thế trận bất lợi. Ngoài ra, ông trình làng hệ thống chơi nửa sân và dồn ép đối thủ nghẹt thở.
Giới mộ điệu vẫn có những lo lắng HLV Park sẽ "hết phép" sau khi gia hạn hợp đồng với LĐBĐ Việt Nam. Song màn lội ngược dòng trước U22 Indonesia đang là câu trả lời của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
U22 Việt Nam sáng cửa đi tiếp sau khi giành 9 điểm tuyệt đối sau 3 trận. Đồ họa: Minh Phúc. |