Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HLV Falko Goetz đương đầu hội chứng 'đánh kẻ ngã ngựa'

Chỉ mới bỏ túi có 4 điểm sau 2 trận đấu đầu tiên trước những đối thủ được cho là dưới cơ, áp lực đã ngay lập tức bủa vây thày trò HLV Falko Goetz.

HLV Falko Goetz đương đầu hội chứng 'đánh kẻ ngã ngựa'

Chỉ mới bỏ túi có 4 điểm sau 2 trận đấu đầu tiên trước những đối thủ được cho là dưới cơ, áp lực đã ngay lập tức bủa vây thày trò HLV Falko Goetz.

>> U23 Việt Nam ‘giải mã’ hiện tượng Đông Timor
>> Lịch thi đấu, kết quả, xếp hạng bóng đá nam SEA Games 26
>> U23 Việt Nam đặt mục tiêu đoạt ngôi đầu bảng của Đông Timor

127

Rất nhiều góc cạnh của ĐT U23 Việt Nam đã được báo giới mổ xẻ phân tích, trong đó đề tài ưa thích chính là phong cách huấn luyện của vị chiến lược gia người Đức. Dù vậy, có vẻ như đây chỉ giống như một kiểu đánh kẻ ngã ngựa mà thôi…

Gần như tất cả những gì xung quang HLV Falko Goetz đều đang bị giới truyền thông để ý rất kĩ càng. Từ chuyện thiết quân luật chặt chẽ, yêu cầu học trò cấm trại 100%, rồi việc cấm cửa báo giới trong các buổi tập (chỉ được tác nghiệp trong khoảng 10-15 phút đầu), hay cả chuyện rất nhỏ nhặt như không can thiệp với phía Indonesia… dẫn đến bữa ăn có quá nhiều chất béo (theo thói quen của người Hồi giáo).

Trước hết cần phải khẳng định những hiện tượng mà báo chí trong nước đề cập là có thật. Tuy nhiên, nên nhớ rằng cùng một hiện tượng nhưng khi nhìn dưới các lăng kính khác nhau, phân tích theo các góc cạnh khác nhau thì bản chất của nó cũng rất khác. Và ở đây cũng vậy.

Nếu chỉ nhìn theo cách tiêu cực thì thứ kỷ luật sắt của Falko Goetz sẽ tạo sức ép, gây ức chế cho các cầu thủ và trợ lí. Rồi việc cấm cửa báo chí của ông là không thiện chí, gây khó khăn cho giới truyền thông và chưa từng có tiền lệ dưới triều đại của các ông thày ngoại ở Việt Nam trước đây.

HLV Falko Goetz xua đuổi phóng viên

Kiên quyết mời phóng viên ra ngoài (ảnh: Lâm Thỏa)

Thế nhưng, những người nhìn nhận vấn đề theo cách này dường như đã quên mất rằng ngoài việc chuyên môn thì kỷ luật lâu nay vẫn là thứ các cầu thủ Việt Nam đặc biệt là những cầu thủ trẻ vừa thiếu lại vừa yếu. Nó là hậu quả của một nền bóng đá có xuất phát điểm thấp kết hợp với phong cách quản lý chẳng giống ai. Chẳng đâu xa chuyện trung vệ Quốc Anh tự ý bỏ đội, lặn mất hút trong đợt tập trung chuẩn bị trước SEA Games vừa qua chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tính vô kỉ luật "made in Việt Nam". Xa hơn nữa chính là vụ bán độ tập thể tại Bacolod của 6 năm về trước xét cho cùng cũng bắt nguồn từ thói vô kỷ luật, thiếu chuyên nghiệp mà thôi.

Vì thế giờ đây có một ông thày uốn nắn, đưa các cầu thủ vào khuôn khổ theo tiêu chuẩn quốc tế lẽ ra phải khen ngợi mới phải. Thực tế thì những gì HLV Falko Goetz áp dụng cũng chẳng có gì quá đáng, có chăng chỉ là có phần hơi lạ lẫm với nền bóng đá của chúng ta.

Tất cả cần phải hiểu rằng các cầu thủ U23 đến Indonesia để thực hiện nghĩa vụ quốc gia, chứ không phải để đi du lịch hay shopping. Do đó, việc HLV Falko Goetz yêu cầu phải dốc toàn tâm toàn ý vào công tác chuyên môn cũng là điều dễ hiểu. Nếu phải so sánh thì chuyện tạm thời quên đi chút ít thói quen giải trí, nghỉ ngơi thời thượng của các cầu thủ trẻ cũng chẳng thấm vào đâu so với sự hi sinh của các chiến sĩ phải bám trụ quanh năm trên các nhà giàn DK1 cô độc giữa biển khơi, đóng quân tại hải đảo, biên giới…cho dù họ chẳng ai được hưởng mức lương triệu phú cùng hàng tỷ đồng lót tay như các học trò của HLV Goetz.

Đúng như đội trưởng Thành Lương đã phát biểu: “Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì các cầu thủ phải chấp nhận với đòi hỏi về kỉ luật của HLV”. Nếu các cầu thủ Việt Nam thực sự nghĩ được như vậy thì quả thực là mừng quá. Và một khi các cầu thủ đã chấp nhận thì báo giới (vốn là những người ngoài cuộc) cũng chẳng nên phàn nàn về phương pháp của HLV làm gì.

U23 Việt Nam đặt mục tiêu ‘cướp’ ngôi đầu bảng của Đông Timor

Thành Lương: “Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì các cầu thủ phải chấp nhận với đòi hỏi về kỉ luật của HLV”. (ảnh: Lâm Thỏa)

Rồi chuyện cấm cửa báo giới cũng vậy. Đó là chuyện rất bình thường trên thế giới. Chắc chắn không có bất kì chiến lược gia nào muốn bài vở, sự chuẩn bị của mình bị người khác chứng kiến từ khi bóng còn chưa lăn. Việc chuyên môn là việc của các HLV, báo chí hay bất kì ai đều không có quyền đòi hỏi. Các HLV hàng đầu, vĩ đại như Ferguson hay Mourinho đã chẳng ít lần mắng các phóng viên như hát hay khi cố tình soi mói vấn đề chuyên môn, nội bộ đội bóng. Do đó, không chỉ các cầu thủ mà ngay cả các phóng viên có lẽ cũng cần rèn cho mình thói quen làm việc theo chuẩn mực chuyên nghiệp của quốc tế.

“Quân thua, chém tướng”, HLV dĩ nhiên là người phải đứng mũi chịu sào. Song ở cấp độ ĐTQG sẽ không công bằng khi đổ hoàn toàn trách nhiệm cho HLV trưởng, đặc biệt là một người mới chỉ có vỏn vẹn 5 tháng chân ướt, chân ráo làm quen với công việc. Đơn giản bởi ở khía cạnh nào đó ĐTQG chính là tấm gương phản chiếu cho cách làm của cả một nền bóng đá. Việc bói đỏ cả mắt cũng chẳng ra một chân sút sáng giá (hay nói thẳng ra là chẳng có nhiều cầu thủ coi được) ở lứa tuổi 23 rõ ràng không phải lỗi của ông Goetz. Đào tạo con người là cả một quá trình, cả một hệ thống chứ không thể gói gọn trong vài tháng ngắn ngủi.

Vô lí hơn nữa can thiệp vào vấn đề hậu cần của đoàn (cụ thể ở đây là ăn uống hợp khẩu vị) phải là trách nhiệm của người trưởng đoàn, chứ không phải của HLV trưởng vốn không phải là người bản địa.

Khác với nhiều lĩnh vực khác, bóng đá thường tồn tại hệ quy chiếu tuyệt đối: chiến thắng hoặc thất bại, đỉnh cao vinh quang hoặc vực sâu tủi hổ. Nếu thành công bạn sẽ được đưa lên mây xanh. Ngược lại, nếu bạn là kẻ chiến bại. Bạn sẽ biết thế nào là “đánh kẻ ngã ngựa”, khi mà sức ép và sự chỉ trích sẽ bao vây bạn từ mọi phía. Người ta tìm mọi lí lẽ để mổ xẻ thất bại của bạn. Nào là bạn đã phạm lỗi x, mắc sai lầm y, để rồi dẫn đến thất bại z.

U23 Việt Nam đặt mục tiêu ‘cướp’ ngôi đầu bảng của Đông Timor

HLV Goetz làm mẫu cho học trò (ảnh: Lâm Thỏa)

Phản biện là tốt, là cần thiết cho sự vận động phát triển. Song vấn đề là phản biện lúc nào, phản biện ra sao. Ở thời điểm, ĐT U23 (gồm nhiều cầu thủ trẻ ít kinh nghiệm sống) đang gặp nhiều khó khăn thì những lời động viên, chia sẻ hẳn sẽ giá trị hơn việc phơi bày đủ thứ chuyện trên trời dưới biển để bàn dân thiên hạ đàm tiếu. Mọi mổ xẻ rút kinh nghiệm chỉ nên đưa ra sau khi SEA Games đã kết thúc, chứ không nên thực hiện giữa chiến dịch, dễ ảnh hưởng đến lòng quân.

Đánh kẻ ngã ngựa bao giờ cũng là điều dễ dàng. Nhưng cần nhớ rằng cuộc sống không bất biến. Chẳng phải ngay đến cả Sir Alex cũng phải mất tới 4 năm mới có danh hiệu đầu tiên ở MU đó sao. Và bây giờ hẳn những người đã từng đánh kẻ ngã ngựa người Scotland này 25 năm về trước sẽ phải cảm thấy xấu hổ lắm thay.

Thế nên, chẳng ngoại trừ khả năng giờ đây có không ít người mong muốn HLV Falko Goetz đừng có thành công rực rỡ….

Đức Phan

Bưu điện Việt Nam

Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm