Tối 20/8, 10 VĐV tham gia tranh tài ở nội dung 56 kg. Có sự góp mặt của hai VĐV Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn, cử tạ Việt Nam đặt mục tiêu cạnh tranh HCV cùng đối thủ CHDCND Triều Tiên Om Yun-chol. Tại Á vận hội cách đây 4 năm, chính Om Yun Chol là người đánh bại Kim Tuấn.
Đã nỗ lực hết sức song phần thi không tốt ở nội dung cử đẩy khiến Kim Tuấn nhận thất bại trước Om Yun-chol. Trao đổi cùng Zing.vn, á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thất bại của đàn em.
“Kim Tuấn hoàn thành tốt ở phần thi cử giật sở trường. Nhưng đến cử đẩy, một lần nữa cậu ấy gặp vấn đề. Từ lúc Kim Tuấn nổi lên đến bây giờ, cử đẩy luôn là yếu điểm. Hôm nay, thể lực Kim Tuấn không tốt, có thể nguyên nhân đến từ vấn đề ở đầu gối”.
Gục ngã vì ít nhiều bị tâm lý
Ở hạng cân 56 kg, đối thủ lớn nhất của Om Yun-chol là Long Qingquan. Với việc nhà vô địch Olympic Rio 2016 không tham dự ASIAD 18, chỉ còn Kim Tuấn đủ sức thách thức Om Yun-chol. HLV Hoàng Anh Tuấn khẳng định giữa Kim Tuấn và Om Yun-chol vẫn còn khoảng nhất định về đẳng cấp.
Kim Tuấn không thể làm nên bất ngờ trước nhà đương kim vô địch Om Yun Chol. |
“Khi Long Qingquan không dự ASIAD 18, chỉ còn Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn đủ sức gây bất ngờ trước Om Yun-chol. Lý thuyết là vậy, còn thực tế rất khó để chúng ta đánh bại đô cử người Triều Tiên. Lần cử đẩy đầu tiên, Om Yun-chol dễ dàng chinh phục mức tạ 160 kg, khiến Kim Tuấn ít nhiều bị tâm lý và sớm gục ngã”, HLV Hoàng Anh Tuấn đưa ra quan điểm.
"Tôi từng gắn bó cả sự nghiệp với hạng cân 56 kg, nên rất quan tâm màn trình diễn của các VĐV ở ASIAD 18. Tuy nhiên, khi Long Qingquan vắng mặt, cuộc chiến không còn hấp dẫn nữa", ông nhấn mạnh.
Hai kỳ Á vận hội liên tiếp, Kim Tuấn gục ngã trước Om Yun-chol và chưa thể đổi màu tấm huy chương cho cử tạ Việt Nam ở sân chơi số 1 châu lục. Khép lại cuộc trò chuyện cùng Zing.vn, HLV Hoàng Anh Tuấn động viên tinh thần cho Kim Tuấn.
“Với khả năng của Kim Tuấn, cậu ấy có thể làm tốt hơn nữa. Nhưng việc chỉ giành HCB đa phần đến từ lý do Om Yun-chol quá mạnh. Như phần cử giật, Kim Tuấn sẽ có hy vọng bám đuổi nếu chênh nhau chỉ vài kg", HLV Hoàng Anh Tuấn phân tích.
"Đằng này, Om Yun-chol vượt đến 8 kg ngay lượt đầu tiên, khiến Kim Tuấn không có cơ hội bám đuổi. Dù sao, Kim Tuấn đã đảm bảo tấm HCB cho thể thao Việt Nam ở Á vận hội lần này. Cậu ấy không phải thất vọng quá nhiều vì đã làm hết sức mình”.
Chỉ còn một niềm hy vọng vàng
Đăng ký mức tạ khởi điểm cao nhất ở nội dung cử giật (128 kg), Kim Tuấn cần hai lượt để thành công. Om Yun-chol cũng dễ dàng vượt qua mức 127 kg. Khi nâng lên mức 131 kg, đô cử người Triều Tiên liên tiếp thất bại nên Kim Tuấn là VĐV dẫn đầu sau phần thi cử giật.
Kim Tuấn thành công khi bảo vệ được tấm HCB ở Á vận hội. |
Sang phần cử đẩy, Kim Tuấn thành công ở mức ban đầu 156 kg. Om Yun-chol chọn mức khởi động đến 160 kg và không gặp bất kỳ khó khăn nào. Không còn lựa chọn, Kim Tuấn buộc phải nâng mức tạ lên 160 kg ở lượt cử đẩy thứ hai, nhưng vẫn thất bại. Lượt quyết định, đô cử 24 tuổi đánh liều tăng thêm 1 kg và tiếp tục thất bại.
Kim Tuấn đạt tổng cử 280 kg và không còn cơ hội tranh tấm HCV cùng Om Yun-chol. Hai lượt cử đẩy tiếp theo, Om Yun-chol suýt phá kỷ lục cá nhân với mức tạ 172 kg. Đô cử Triều Tiên giành tấm HCV với mức tổng cử 287 kg. So với ASIAD 14, tổng cử của Om Yun-chol thấp hơn 11 kg.
Cùng tranh tài với Kim Tuấn ở hạng cân 56 kg, đô cử Quốc Toàn đạt tổng cử 271 kg, xếp vị trí thứ 4 chung cuộc. Kim Tuấn, Quốc Toàn thất bại, niềm hy vọng vàng của cử tạ Việt Nam chỉ còn lại Trần Văn Vinh ở hạng cân 62 kg.
Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 12/2/1985, từng thống trị hạng cân 56 kg ở các giải cử tạ trong nước. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn tạo tiếng vang lớn khi giành tấm HCB lịch sử cho cử tạ Việt Nam. Hiện tại, Hoàng Anh Tuấn đã giải nghệ và chuyển sang công tác ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng.