Hình ảnh vệ tinh về kho tên lửa đáng sợ nhất thế giới
Các bức ảnh vệ tinh mới nhất về khu vực Latakia của Syria cho thấy nhiều khả năng kho tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới K-300P Bastion vẫn còn nguyên.
Ngày 5/7 xảy ra một vụ nổ bí ẩn tại căn cứ quân sự Latakia của quân đội chính phủ Syria. Vụ nổ được cho là đã phá hủy kho tên lửa chống hạm đáng sợ K-300P Bastion. Không lâu sau đó lực lượng nổi dậy Syria đã lên tiếng cao buộc Israel đứng sau vụ nổ bí ẩn này.
Ảnh chụp vệ tinh khu vực Latakia sau khi diễn ra các vụ nổ bí ẩn những điểm có mũi tên màu vàng là những điểm được cho là đã bị tấn công phá hủy. |
CNN, New York Times dẫn lời các nguồn tin giấu tên của quan chức quân đội Mỹ cho biết, Israel đã phát động cuộc tấn công bí mật này.
Tờ The Sunday Times cho biết, một tàu ngầm điện - diesel tối tân của Hải quân Israel đã thực hiện vụ tấn công này bằng các tên lửa chống tàu Harpoon.
Nhiều người tin rằng cuộc tấn công đã phá hủy kho tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới K-300P luôn khiến Israel ăn ngủ không yên.
Bên cạnh đó Chính phủ Syria chỉ xác nhận một cách sơ sài rằng căn cứ quân sự Latakia đã xảy ra một vụ nổ không rõ nguyên nhân càng củng cố thêm cho nhận định này.
Tuy nhiên, các bức ảnh vệ tinh chụp khu vực Latakia lại cho thấy một điều hoàn toàn khác. Theo đó, một nhà kho đã bị phá hủy bao quanh nó là 3 địa điểm phóng tên lửa nằm cách bờ biển 15 km.
2 nhà kho mới được xây dựng ở phía bắc tòa nhà bị phá hủy vẫn còn nguyên, nhiều khả năng đây mới chính là nhà kho chứa các tên lửa Yakhont chứ không phải tòa nhà đã bị phá hủy. |
Các bức ảnh tương tự của IHS Jane's có được qua nguồn tin cho thấy, một nhà kho có chiều dài 80x20 mét với lối vào rộng 6,75 mét đã bị phá hủy, tòa nhà kho này đủ lớn để chứa xe phóng và các phương tiện liên quan của hệ thống tên lửa chống hạm K-300P Bastion. Tuy nhiên, lục lại lịch sử của tòa nhà này cho thấy nó đã được xây dựng từ năm 2003-2004 trước khi Syria có K-300P Bastion.
Mặt khác, 3 vị trí phóng tên lửa xung quanh tòa nhà có chiều rộng khoảng 23 mét đã được xây dựng từ rất lâu trước đó. Vì vậy đây không phải là một khu vực được xây dựng để triển khai tên lửa Yakhont mà Nga đã cung cấp cho Syria trong giai đoạn 2010-2011.
Mặt khác, các con đường dẫn vào các vị trí phóng cỏ mọc um tùm, điều đó cho thấy nó đã không được sử dụng trong một thời gian dài. Trong khi đó, có 2 kho mới lớn hơn được xây dựng trong khoảng năm 2011 nằm ở phía bắc của khu vực Latakia vẫn còn nguyên. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy có rất nhiều hoạt động đã diễn ra tại đây sau thời điểm vụ tấn công xảy ra.
Ngoài ra, 16 bồn chứa nhiên liệu tại một kho lưu trữ nằm ở phía đông tòa nhà bị phá hủy đã không còn tồn tại bởi nó đã bị phía Syria san lấp sau khi cuộc tấn công xảy ra. Những bồn chứa này có kích thước 8x6 mét và được bao quanh bởi các kè để giảm thiểu nguy cơ bị nổ liên hoàn.
Bom thông minh đường kính nhỏ GBU-39 SDB cũng được cho là thủ phạm gây ra các vụ nổ bí ẩn vừa qua. |
Trong khi đó, về thông tin tàu ngầm Dolphin của Israel đã thực hiện cuộc tấn công này có nhiều điểm không hợp lý. Mặc dù loại tên lửa đã được sử dụng không được tiết lộ nhưng nhiều khả năng đó là tên lửa chống hạm UMG-84 Harpoon được phóng qua ống phóng ngư lôi của tàu ngầm.
Loại tên lửa này không phù hợp để tấn công các mục tiêu nhỏ như các bồn chứa nhiên liệu. Điều này cho thấy cuộc tấn công được sử dụng bằng máy bay chứ không phải tàu ngầm. Loại vũ khí đã được sử dụng nhiều khả năng là bom hàng không đường kính nhỏ SDB GBU-39. Đây là một loại bom thông minh có độ chính xác rất cao.
Loại bom này có bán kính lệch mục tiêu chỉ 5-8 mét, nó có phạm vi hoạt động tới 110km. Mỗi chiếc máy bay chiến đấu có thể mang 4 quả bom GBU-39 tại vị trí treo của quả bom lớn hơn cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Như vậy, vụ nổ bí ẩn tại căn cứ quân sự Latakia được thực hiện bằng một cuộc không kích và điều quan trọng hơn cả là kho tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới Yakhont của Syria chưa bị phá hủy.
Không giống với loại tên lửa Scud và một số tên lửa đất đối đất tầm trung khác trong kho vũ khí của Syria, tên lửa hành trình chống tàu Yakhont là một vũ khí đáng gờm. Ông Nick Brown, tổng biên tập Tạp chí Đánh giá Quốc phòng quốc tế IHS Jane đánh giá Yakhont “là một sát thủ tàu thực sự”.
Syria đã đặt hàng phiên bản bảo vệ bờ biển của hệ thống Yakhont từ Nga trong năm 2007, nhận được một số đầu tiên vào đầu năm 2011, theo tạp chí Jane. Đơn đặt hàng ban đầu bao gồm 72 tên lửa, 36 xe bệ phóng và thiết bị hỗ trợ.
Các hệ thống phóng tên lửa có khả năng di động, khiến khả năng tiêu diệt hay đánh chặn nó trở nên khó khăn hơn. Mỗi hệ thống phóng bao gồm 2 tên lửa, một bệ phóng 3 tên lửa và một xe điều lệnh và kiểm soát. Các tên lửa Yakhont mang theo một đầu đạn nổ xuyên giáp và có phạm vi tấn công khoảng 300 km.
Các tên lửa có thể được điều khiển tại vị trí trung tâm nhắm vào mục tiêu bằng radar tầm xa. Tuy nhiên, mỗi tên lửa cũng đều có radar riêng của mình để tránh lại sự phản công của tàu và nhắm đúng mục tiêu.
quốc việt
Theo Infonet