Hàng nghìn người dùng Facebook ở Bangladesh đã lan truyền một bức ảnh ghi lại cảnh các bệnh nhân qua đời vì Covid-19 được quấn trong nhiều lớp nylon đặt dưới sàn nhà vào ngày 18/7.
Một số người tuyên bố bức ảnh này được chụp tại nhà xác của Bệnh viện Đại học Y dược Khulna, Bangladesh, phản ánh thực trạng phức tạp và chết chóc của dịch Covid-19 tại đất nước Nam Á.
Bức ảnh bị lan truyền trên mạng xã hội ở Myanmar, Bangladesh và Việt Nam. Ảnh: Twitter. |
Tuy nhiên, đội ngũ kiểm tra tin giả của hãng tin Rajasthan Patrika ở Ấn Độ đã dùng phương pháp truy ngược hình ảnh và phát hiện bức hình lần đầu được đăng tải bởi Khit Thit Media, một đơn vị truyền thông ở Myanmar.
Khit Thit Media cho rằng bức ảnh nói trên được chụp tại nhà xác của một bệnh viện nằm ở quận Mayawati thuộc tỉnh biên giới Kayin. Theo Hội đồng Liên minh Cứu trợ (AAC), một tổ chức phi chính phủ ở Myanmar, 22 bệnh nhân Covid-19 đã qua đời tại bệnh viện này trong ngày 18/7.
Cùng ngày, nhiều người dùng Twitter dẫn lại hình ảnh từ Khit Thit Media. Một số người sử dụng hình ảnh này để cáo buộc chính quyền Myanmar che giấu số người thực sự tử vong vì Covid-19 ở nước này.
Khit Thit Media hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Zing.
Trước đó, vào ngày 16/7, bức ảnh trên được đăng tải bởi một người dùng Facebook ở Campuchia với tiêu đề "cảnh tượng thương tâm". Bài đăng nhận được hơn 1.000 lượt chia sẻ. Nhiều người bình luận và chất vấn về địa điểm bức ảnh được chụp song người đăng không phản hồi, theo Fact Crescendo Cambodia.
Fact Crescendo là một nhóm các website chuyên kiểm chứng thông tin sai lệch trên mạng xã hội và truyền thông chính thống.
Ngày 18/7, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) bác tin đồn rằng bức ảnh nói trên được chụp tại Việt Nam. Trước đó, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Việt Nam kèm nội dung đây là các bệnh nhân đã qua đời vì Covid-19 ở TP.HCM.