Ngày 18/7, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin về hình ảnh liên quan đến dịch Covid-19 được lan truyền những ngày gần đây trên mạng xã hội.
Nhiều tài khoản tung tin hình ảnh thi thể bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. |
Trong hình, nhiều thi thể được bọc trong lớp nylon, đặt trên sàn một căn phòng lớn, bên cạnh có nhân viên y tế đang xử lý.
Hình ảnh được chia sẻ kèm nội dung đây là các bệnh nhân đã qua đời vì Covid-19 ở TP.HCM.
Trên thực tế, bức hình trên không phải tại Việt Nam.
Bài đăng thu hút nhiều người dùng đăng tải lại, bình luận, tạo hiệu ứng xấu, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin tức giả mạo trên.
Vụ việc sẽ được Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong bài viết riêng cho Zing, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - từng nhấn mạnh kiểm tra nguồn thông tin là điều quan trọng để tránh bị đánh lừa bởi tin giả.
Thông tin trên mạng có rất nhiều, người dân nên chọn lọc theo dõi một số nguồn đáng tin cậy như trang thông tin chính thức của chính phủ, thông báo từ Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, trung tâm y khoa nổi tiếng, tập san khoa học chính thống.
Nếu phát hiện tin giả, người dân có thể phản ánh tại địa chỉ tingia.gov.vn. hoặc gọi đến số 18008108 để báo cáo.
Theo Điều 101, Nghị định 15 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng.