Vào tuần trước, câu chuyện một phụ nữ bị cưỡng hiếp trên chuyến tàu ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ) được đăng tải trên truyền thông, theo CNN.
Điều gây rúng động là các nhân chứng nhìn thấy đã rút điện thoại ra quay lại sự việc, thay vì can thiệp hoặc gọi số điện thoại khẩn cấp 911.
Andrew Busch, người phát ngôn của cơ quan giao thông đông nam bang Pennsylvania, cho biết một nhân viên ở gần nơi xảy ra vụ việc khi đoàn tàu chạy ngang qua đã gọi điện báo cảnh sát. Chỉ đến khi đó, nạn nhân mới được cứu thoát.
Vụ hiếp dâm xảy ra trên tuyến Market-Frankford ở thành phố Philadelphia hồi tuần trước. Ảnh: CNN. |
Nghi phạm sau đó bị xác định là Fiston M. Ngoy (35 tuổi). Ngoy hiện bị giam giữ tại nhà tù quận Delaware, chuẩn bị tham dự phiên điều trần vào tuần tới.
Theo Jill Filipovic, nhà báo kiêm tác giả sách ở New York, hành động bỏ mặc đáng lên án đó không chỉ cho thấy tính vô cảm ở xã hội, mà còn thể hiện thái độ coi thường sự an toàn của phụ nữ.
Năm 1964, tờ New York Times từng đăng tải vụ án Kitty Genovese nổi tiếng. Người phụ nữ trẻ bị sát hại ở Queens, New York bằng dao một cách tàn bạo ngay trước tòa nhà cô ở. Xung quanh hiện trường có 38 nhân chứng nhìn thấy thủ phạm tấn công nạn nhân nhưng chỉ 1 người báo cảnh sát.
Vụ giết người sau đó trở thành ví dụ điển hình cho cái mà các nhà tâm lý học gọi là hiệu ứng người ngoài cuộc, về cơ bản nói rằng càng có nhiều nhân chứng chứng kiến, khả năng bất kỳ ai trong số họ gọi cho cơ quan chức năng càng thấp.
Hiệu ứng người ngoài cuộc càng dễ xảy ra hơn với những vụ việc nạn nhân là nữ bị tấn công, hành hung ngoài đường. Ảnh: Insider. |
Theo đó, các vụ việc phụ nữ bị hành hung nơi công cộng càng dễ nhận về phản ứng thờ ơ hơn.
Trong đó, nếu nạn nhân là phụ nữ da màu hoặc thuộc cộng đồng thiểu số, như người khuyết tật, người vô gia cư hay đang đấu tranh với vấn đề lạm dụng chất kích thích, tỷ lệ bị tấn công tình dục và không được giúp đỡ càng cao.
Năm 2012, một phụ nữ trẻ bị tấn công tình dục trên tàu điện ngầm ở New York. Không vị khách nào có mặt trên chuyến đi can thiệp.
Thậm chí, một kẻ đã rút điện thoại ra quay lại. Đoạn video sau đó xuất hiện trên các trang web khiêu dâm.
Tỷ lệ tấn công tình dục vào nhóm phụ nữ da màu, phụ nữ khuyết tật cao hơn. Khả năng có người giúp đỡ họ trong các hoàn cảnh như vậy cũng thấp hơn. Ảnh: Reuters. |
"Ở đây, công nghệ đã đóng vai trò thậm chí còn độc ác hơn: cho phép mọi người tách mình khỏi một tội ác bạo lực mà họ đang chứng kiến và lẽ ra có thể ngăn chặn, biến cuộc tấn công vào một con người thành câu chuyện bàn tán thoải mái và lưu lại trên Internet", nữ nhà báo đánh giá.
"Nhiều người trong chúng ta đã hy vọng mạng xã hội sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về bạo lực tình dục và thúc đẩy ý thức bảo vệ phụ nữ khỏi nó. Thay vào đó, nhiều khi nó lại làm vấn đề trầm trọng thêm", Jill viết.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong các tình huống kể trên, phụ nữ có nhiều khả năng can thiệp hơn đàn ông, bất chấp định kiến về sự yếu đuối của phái yếu hay sự hào hiệp ở nam giới.
"Sự thờ ơ từ chính người xung quanh và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc xử lý các vụ quấy rối, tấn công tình dục góp phần vào lý do khiến phái nữ im lặng khi chuyện khủng khiếp xảy đến với họ", nữ nhà báo đánh giá.