Cổ phiếu nhóm FLC Group đang là tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi liên tiếp lao dốc kể từ đầu tuần bởi các thông tin tiêu cực liên quan đến việc bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết.
Bộ đôi cổ phiếu chủ lực là FLC và ROS đã giảm sàn trong 3 phiên liên tiếp. Trong đó FLC mất 19,2% về 11.800 đồng và ROS của Công ty FLC Faros lao dốc 19,5% xuống 7.590 đồng.
Bên cạnh đó cổ phiếu nông dược HAI và khoáng sản AMD cũng giảm hết biên độ kể từ đầu tuần về mức lần lượt 5.470 đồng và 5.760 đồng.
Cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS cũng lao dốc 22,8% về 8.800 đồng chỉ sau 3 phiên gần nhất (trong đó có 2 phiên giảm sàn). Cổ phiếu KLF của công ty Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS mất 23,9% xuống 5.400 đồng.
Nhóm FLC Group có đợt lao dốc đầu hồi cuối tháng 1 và cuối tháng 3. Đồ thị: TradingView |
Áp lực giảm sàn, trắng bên mua tại nhóm cổ phiếu trên khiến giới đầu tư khá lo ngại rằng hiệu ứng bán tháo sẽ lan rộng ra những nhóm khác, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Trong chương trình "Bí mật đồng tiền", Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng nhận định hiệu ứng bán lan trên toàn thị trường chỉ xảy ra trong hôm 28/3 khi thông tin về ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu xuất hiện.
Tuy nhiên trong 2 phiên gần nhất (ngày 29/3 và 30/3) thì tình hình đã khá ổn định và hiện nay vẫn chưa nhận thấy hiệu ứng bán lan.
"Đây là điều khá tích cực bởi vì câu chuyện của nhóm cổ phiếu nào thường chỉ liên quan đến nhóm cổ phiếu đó, không lan ra cổ phiếu khác thì thị trường đang tích cực hơn", ông nói thêm.
Thực tế câu chuyện bán lan từng diễn ra rất rõ ràng trong đợt khủng hoảng hồi tháng 1 cũng của chính nhóm FLC Group. Khi đó thông tin về xử phạt hành vi "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết khiến thị trường chao đảo.
Cổ phiếu FLC gần như giảm sàn trong 9 phiên liên tiếp sau hành động bán chui của người đứng đầu doanh nghiệp. Các mã ROS, ART, HAI, KLF, AMD cũng lao dốc kéo dài.
Áp lực bán giải chấp của nhóm FLC Group là chất xúc tác khiến lực bán lan rộng ra hàng loạt cổ phiếu khác, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu họ FLC bị buộc bán các cổ phiếu khác để bù đắp.
Đà rơi hồi tháng 1 của nhóm FLC Group theo đó đã lan rộng nhanh chóng đến các cổ phiếu đầu cơ và sau đó là toàn thị trường. VN-Index lao từ vùng đỉnh lịch sử về dưới 1.440 điểm, tức mất gần 90 điểm chỉ sau vài phiên giao dịch.
Tuy nhiên ông Phạm Đỗ Huy Cường - Giám đốc Tài chính An Phát Holdings - cho rằng các nhà đầu tư hiện nay, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới đã bình tĩnh hơn rất nhiều.
"Nhà đầu tư mới đã có những trải nghiệm rất đáng giá qua những đợt biến động trước đó. Tôi nghĩ họ đã bình tĩnh và có những hành động mua bán có tính toán hơn, đó cũng là điều tích cực cho thị trường", ông Cường bổ sung.
Dù vậy, tâm lý trên thị trường chứng khoán vẫn có những điều vô lý. Chẳng hạn nhóm FLC Group có sở hữu Bamboo Airways và khiến một cổ phiếu có tên tương đồng là Bamboo Capital (BCG) cũng bị liên lụy.
Nhà đầu tư đã bình tĩnh và có những hành động mua bán có tính toán hơn, đó cũng là điều tích cực cho thị trường
Ông Phạm Đỗ Huy Cường - Giám đốc Tài chính An Phát Holdings.
Nhà đầu tư cũng bán rất mạnh mã chứng khoán BCG trong các phiên gần đây và sau đó lãnh đạo doanh nghiệp này phải đính chính nhiều lần là hoàn toàn không có liên quan đến hệ sinh thái của FLC Group.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư thông thường cũng cho rằng các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng liên đới do có các khoản vay liên quan đến doanh nghiệp gặp khủng hoảng.
Ông Phạm Lưu Hưng khuyến nghị nhà đầu tư cần phải xem xét chất lượng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp tại ngân hàng, tỷ lệ giá trị tài sản đảm so với dư nợ vay. Nếu tài sản đảm bảo đủ tốt thì cho dù doanh nghiệp xảy ra khủng hoảng, các ngân hàng cũng ít bị ảnh hưởng.
"Chưa kể tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở các ngân hàng hiện nay rất cao, khoảng 2-3 lần, do đó những ảnh hưởng từ một vài doanh nghiệp cũng khá hạn chế", chuyên gia SSI nhận định.