Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có một thời kỳ rực rỡ, vàng son đã được mở ra bởi vương triều Lý. Kéo dài 216 năm (từ năm 1009 đến năm 1225), trải qua 9 đời vua, vương triều Lý đã ghi lại những trang sử đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý cùng những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, đặt nền tảng xây dựng đất nước trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh.
"Bạn đọc có thể thắc mắc, triều Lý trải qua 9 đời vua, vì sao cuốn sách này chỉ giới thiệu tám vị. Đó là bởi cuối triều Lý còn có vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, nhưng vì bà chỉ ở ngai vàng có 2 năm rồi thoái vị, nhường ngôi cho chồng, sau đó kết duyên với một người khác, sang họ khác nên lịch sử không xếp bà như các vị hoàng đế khác được" - GS Vũ Ngọc Khánh đã chia sẻ như vậy trong Lời nói đầu cuốn sách. Mặc dù vậy, Lý Chiêu Hoàng cũng được tác giả nhắc đến sau khi nói đủ về tám vị vua đầu triều.
Trong khuôn khổ cuốn sách nhỏ này, những thông tin về mỗi vị vua triều Lý được giới thiệu rất cô đọng nhưng vẫn làm rõ công đức, sự nghiệp, ảnh hưởng của từng vị. Việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn là một quyết định đã được lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm muôn đời cho vị hoàng đế khai sáng triều Lý.
Dưới thời Lý, đất nước thanh bình, thịnh trị, với thành tích chống ngoại xâm rất rực rỡ. Những chiến công hiển hách của vương triều Lý đã đẩy lùi âm mưu thôn tính nước ta của quân xâm lược phương Bắc rồi cả phương Nam, mà trận chiến trên sông Như Nguyệt vào mùa xuân 1077 đánh tan quân Tống với sự xuất hiện bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Thái úy Lý Thường Kiệt được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà, là một trang sử đẹp mà vương triều Lý đã viết; rồi chính sách “nhu viễn”, gả công chúa cho các châu mục, tù trưởng ở vùng biên viễn, từ đó lôi kéo, thu phục họ, góp phần bảo vệ và giữ vững toàn vẹn cương thổ đất nước cũng được xem là một chủ trương đoàn kết dân tộc, một thành tựu trong cai trị đất nước của nhà Lý.
Bên cạnh đó, những thành tựu về văn học nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc cùng sự xuất hiện của rất nhiều văn thần võ tướng tên tuổi lỗi lạc cũng là những dấu ấn sâu sắc mà nhà Lý đã để lại.
Một điểm đặc sắc khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn, phong phú hơn, sự nghiệp, công lao của các vị vua trở nên sáng rõ hơn, đó là những tài liệu bổ di (thêm vào những thiếu sót) phía sau thông tin về mỗi vị hoàng đế, gồm những câu chuyện, trang viết về các nhân vật liên quan mật thiết với các vị vua.
Bởi theo GS Vũ Ngọc Khánh, biết về vua Lý Thái Tổ mà không biết đến nhà sư Vạn Hạnh, biết vua Lý Thánh Tông mà không biết đến bà Ỷ Lan, biết vua Lý Thần Tông mà không biết đến Từ Đạo Hạnh… thì quả là thiếu sót.
Nhìn chung, mỗi vị vua trong Lý Bát đế đều đóng góp công lao cho cơ đồ nhà Lý và dân tộc Việt Nam. Hiểu biết về công lao, đóng góp của các vị là điều cần thiết, là sự tri ân “uống nước nhớ nguồn” và cũng là thái độ ứng xử cần có đối với lịch sử vẻ vang của đất nước, của dân tộc.
Những tài liệu cung cấp trong cuốn sách được GS Vũ Ngọc Khánh sưu tầm công phu, thể hiện bằng bút pháp tài năng, sẽ cung cấp cho bạn đọc một kênh tham khảo để tìm hiểu sâu sắc hơn về triều Lý và các vị vua triều Lý.