Các ngân hàng trong bóng tối (shadow banking) trên toàn cầu đã phát triển với quy mô có thể gây giật mình: hơn 70.000 tỷ USD. Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) cho rằng các ngân hàng trong bóng tối đem đến “những rủi ro mang tính chất hệ thống” cho hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng trong bóng tối đã trở thành hiện tượng ám ảnh Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời cũng bùng nổ ở các nước phương Tây.
Cụm từ “ngân hàng trong bóng tối” được dùng để chỉ những sản phẩm đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro, hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ và hoạt động cho vay cắt cổ ở các thị trường mới nổi, đồng thời bao gồm những hoạt động được coi trọng hơn như giao dịch phái sinh, các quỹ thị trường tiền tệ, cho vay chứng khoán và thỏa thuận mua lại giữa các định chế tài chính ở châu Âu và Mỹ. Đặc điểm chung của các hoạt động này là chúng phát triển rầm rộ ở bên ngoài hệ thống ngân hàng chính thức và thường nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý cũng như chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trong bóng tối đã phát triển đến đâu?
Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, hoạt động rủi ro của các ngân hàng đã bị thắt chặt. Theo FSB, năm 2012, quy mô của ngân hàng trong bóng tối đã tăng lên 71.000 tỷ USD - tức là tăng 5.000 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo của FSB cũng cho thấy ngân hàng trong bóng tối ngày càng phát triển ở 70% trong số các quốc gia tham gia khảo sát.
Tình hình nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Tháng 6/2013, nỗ lực hạn chế các sản phẩm quản lý tài sản của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng căng thẳng tiền mặt tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Giá trị của những khoản đầu tư này (vốn đem lại lãi suất cao trong ngắn hạn và không được đảm bảo) đã tăng lên mức 9.100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.500 tỷ USD - gần bằng GDP của Australia).
Sự phát triển của ngân hàng trong bóng tối khiến người hiện đang là người đứng đầu Ủy ban chứng khoán Trung Quốc nhận định, các sản phẩm nằm ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng là những sản phẩm theo mô hình Ponzi. Tuy nhiên, người tiết kiệm ở Trung Quốc đã phản ứng với chính sách thắt chặt của chính phủ bằng tình trạng căng thẳng tiền mặt. Cuối tháng 12 vừa qua, thị trường tài chính Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng, khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng vọt lên 8,8%. Đứng trước tình trạng căng thẳng, chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các ngân hàng không được sử dụng vị thế trung gian để vượt quá giới hạn khoản vay dành cho những người đi vay rủi ro, đồng thời yêu cầu tách bạch các sản phẩm quản lý tài sản.
Hệ lụy
Với lượng tiền khổng lồ nằm ngoài hệ thống chính thức, ngân hàng trong bóng tối khiến các nước như Trung Quốc và Ấn Độ khó có thể kiểm soát nền kinh tế bằng cách thay đổi lãi suất hoặc điều chỉnh lượng cung tiền. Ở Ấn Độ, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức trên 8% bất chấp lãi suất đã được nâng tổng cộng 13 lần chỉ trong 2 năm. Đơn giản là chính phủ không có đủ quyền lực chi phối nền kinh tế để có thể tạo ra ảnh hưởng.
Còn ở Trung Quốc, lãi suất tiền gửi ở mức 3% - thấp hơn lạm phát, đồng thời 97% doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận với các khoản vay ngân hàng. Đây là điều kiện thuận lợi để ngân hàng trong bóng tối bùng nổ mạnh mẽ, lên đến 6.000 tỷ USD (tương đương 69% GDP Trung Quốc).
Ngân hàng trong bóng tối cũng tạo ra những nguy cơ bất ổn xã hội tiềm tàng bởi chính phủ không thể giải cứu như trường hợp một ngân hàng chính thức sụp đổ. Các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu đã cảnh báo về những rủi ro phát sinh từ hoạt động ngân hàng của các công ty tài chính được kiểm soát lỏng lẻo, không có bảo hiểm tiền gửi cũng như những biện pháp bảo vệ khác.
Tranh cãi
Tại sao các chính phủ không thẳng tay dẹp loạn? Ở châu Âu và Mỹ, nỗi lo của các nhà quản lý được xoa dịu với những cuộc vận động hành lang của ngành tài chính. Còn ở các nền kinh tế đang phát triển, ngân hàng trong bóng tối là nhân tố giúp nền kinh tế vận hành trơn tru. Các doanh nghiệp nhỏ có được khoản vay mà họ cần, người tiết kiệm có được khoản lợi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát.
Còn đối với những nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ, xóa bỏ ngân hàng trong bóng tối có thể là chính sách đúng đắn trong dài hạn, nhưng có thể khiến tăng trưởng chậm lại và tạo ra rủi ro trong ngắn hạn. Chính phủ các nước này biết rằng ngân hàng trong bóng tối là một mối nguy, nhưng tấn công vào khu vực này lại là một hành động khá liều lĩnh.