Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Hiệu quả của vaccine giúp TP.HCM hạn chế số ca tử vong

Theo TS Trần Nam Trung, vaccine đã bảo vệ rất tốt nên số ca mắc và tử vong mới ở mức hiện tại khi TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Những ngày gần đây, số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP.HCM có xu hướng tăng lên. Từ mức dưới 30 ca/ngày, con số này đã tăng lên 59 người vào 25/11. Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong số 151 người tử vong từ 19/11 đến 21/11, 75% trường hợp không tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi vaccine, 25% đã tiêm đủ 2 mũi.

Nguyên nhân

Người không tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi chưa có hoặc chưa đủ bảo vệ nên khi mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ cao diễn biến nặng. Tuy nhiên, số liệu 25% ca tử vong đã tiêm đủ 2 mũi làm nhiều người hoang mang liệu vaccine có tác dụng bảo vệ hay không.

Ở TP.HCM, phần lớn người dân đã tiêm đủ liều nên các ca nhiễm, trường hợp nặng và tử vong thường gặp trên người đã tiêm đủ 2 mũi cao hơn trước. Điều này làm tỷ lệ những bệnh nhân không qua khỏi dù đã tiêm 2 mũi cũng cao hơn trước đây. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vaccine kém hiệu lực.

Số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong trong 7 ngày qua tại TP.HCM
Nguồn: Sở Y tế TP.HCM
Nhãn18/1119/1120/1121/1122/1123/1124/11
Số F0 tử vong Người 42594250596277

Ví dụ, một loại vaccine có hiệu lực giảm số ca nhiễm 90%, giảm nguy cơ tử vong 95% và không đổi qua thời gian. Giả sử trong cộng đồng 10.000 người, lúc mới chỉ có 10% (1.000 người) tiêm đủ 2 mũi, 90% (9.000 người) còn lại chưa tiêm hoặc chưa đủ liều thì với tỷ lệ nhiễm 10% sẽ có 900 ca và nếu 20% số này tử vong sẽ là 180 người.

Với 1.000 người đã tiêm đủ 2 mũi, do hiệu lực giảm ca nhiễm 90% sẽ chỉ có 1% ca nhiễm đột phá (10 ca) và với hiệu lực giảm tử vong 95%, chỉ 10% số ca đột phá tử vong (1 ca trong 1.000 người tiêm đủ 2 mũi). Như vậy, khi tỷ lệ bao phủ 2 mũi là 10% thì tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 mũi chỉ là 1/181 (0,6%).

Khi bao phủ đủ 2 mũi tăng lên 70% (7.000 người), 30% (3.000) chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Vẫn 10% ca nhiễm (300 ca) và 20% số này tử vong sẽ có 60 ca. Với 7.000 người đã tiêm đủ 2 mũi, vẫn 1% ca đột phá (70 ca) và 10% số này tử vong sẽ có 7 ca tử vong đã tiêm vaccine đủ liều. Lúc này, mặc dù hiệu lực vaccine vẫn rất cao và không thay đổi so với trước, tỷ lệ tử vong đã tiêm 2 mũi là 7/67 (10,4%), cao hơn nhiều so với khi bao phủ 2 mũi thấp (0,6%).

Có thể nói, vaccine đã bảo vệ rất tốt nên số ca mắc và tử vong mới thấp như vậy khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới. Khi số ca F0 tăng cao thì trường hợp tử vong sẽ có. Để giảm trường hợp tử vong, giải pháp là giảm số F0 và trường hợp cần nhập viện.

Kết hợp 3 mũi tấn công

Vaccine giúp giảm nhiễm và giảm sâu khả năng chuyển bệnh nặng/tử vong. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp vaccine không tạo được bảo vệ ở người đã tiêm. Trường hợp này hay xảy ra ở người có sức đề kháng kém, miễn dịch suy yếu như người già, có bệnh nền, đang điều trị thuốc gây suy giảm miễn dịch…

Do vậy, chúng ta phải kết hợp 3 mũi tấn công để giảm bệnh nặng/tử vong ở nhóm này. Thứ nhất là tiêm mũi tăng cường cho người già, có bệnh nền sau mũi 2 khoảng 6 tháng. Thứ hai, chúng ta cần đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho người thân, người chăm sóc những trường hợp có nguy cơ cao để tạo bong bóng hạn chế phơi nhiễm. Cuối cùng, giảm virus lưu hành trong cộng đồng bằng các biện pháp giãn cách, tránh tụ tập, khẩu trang, vệ sinh và tăng cường tiêm chủng cho nhóm còn lại.

Rất ít người chống chỉ định với vaccine Covid-19. Hầu hết mọi người trong độ tuổi chỉ định có thể tiêm, chỉ có một số trường hợp phải trì hoãn vài ngày, nhiều nhất là vài tuần khi đang có bệnh cấp tính hoặc dùng thuốc gây suy giảm miễn dịch. Các vaccine Covid-19 đều chỉ chống chỉ định nếu có phản ứng dị ứng với chính vaccine hoặc thành phần. Những chống chỉ định này đều rất hiếm gặp.

so ca tu vong o TP.HCM cao du da tiem vaccine anh 1

Một bệnh nhân phải thở oxy khi vừa được chuyển đến bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, chúng ta thường rất khó xác định rõ có phải dị ứng với vaccine hay thành phần của chúng không, trừ khi các phản ứng này xảy ra ngay sau tiêm. Khi bạn có phản ứng dị ứng với một loại vaccine, ta có thể chuyển sang tiêm loại khác.

Lớn tuổi hay gia đình chưa có điều kiện không thể là lý do để bạn chưa tiếp cận vaccine vì chúng miễn phí. Chúng ta phải tạo điều kiện cho người lớn tuổi được tiêm dễ dàng. Các đơn vị tiêm chủng phải làm sao để người lớn tuổi/bệnh nền không phải tập trung, chờ đợi quá lâu, không bắt buộc phải tiêm ở bệnh viện và nên tổ chức đội tiêm lưu động cho nhóm người này.

Với nhóm "ngại" tiêm, ta nên có chế tài bắt buộc. Việc này để bảo vệ họ và cộng đồng, giảm gánh nặng cho bệnh viện và điều trị. Ở Việt Nam, tâm lý e ngại phần nhiều do thiếu hiểu biết, đồn thổi sai lệch. Vì vậy, cung cấp thông tin tin cậy tới người dân là rất cần thiết.

Bài viết do TS.BS Trần Nam Trung, tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội, bảo vệ luận án Tiến sĩ ngành Dịch tễ học tại Đại học Tổng hợp California, Los Angeles (Mỹ); sau tiến sĩ tại viện Karolinska, Thụy Điển. Hiện ông là chuyên gia Dịch tễ học - sống và làm việc tại Maryland (Mỹ).

Lý do Việt Nam không theo đuổi mục tiêu 'Zero Covid-19'

Với sức ép bùng phát dịch bởi biến chủng Delta, Việt Nam đã thay đổi mục tiêu chống dịch và chấp nhận sống chung với Covid-19.

Dịch Covid-19

TS.BS Trần Nam Trung

Bạn có thể quan tâm