Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu quả của 2 dự án bauxite đến đâu?

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá về hiệu quả của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.

Vẫn lỗ dài

Một trong những lý do khiến dư luận quan ngại khi triển khai đầu tư dự án bauxite là hiện theo các tính toán, hiệu quả đầu tư của dự án là rất thấp. Trong khi Chính phủ phải tạo nhiều ưu đãi cho Vinacomin, như bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho cả 2 dự án, cho phép vay lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)...Hiện tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh tăng hơn 8.208 tỷ đồng (giá trị trước thuế) so với dự toán ban đầu. Trong đó, dự án alumin Tân Rai tăng 3.890 tỷ đồng, dự án Nhân Cơ tăng 4.318 tỷ đồng.

Dự án bauxite Nhân Cơ dự kiến lỗ đến 2020.

Việc điều chỉnh tăng vốn được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) – chủ đầu tư cả 2 dự án “đổ” cho nguyên nhân khách quan, như thời gian thực hiện kéo dài nên giá cả đầu vào biến động lớn, tiền lương tối thiểu tăng, tỷ giá tăng, thay đổi các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số chi phí chưa tính toán đầy đủ phải bổ sung...

Đáng chú ý là Vinacomin và cả Bộ Công thương đều cho rằng: Do chưa có kinh nghiệm và áp lực từ dư luận, nên đã xây dựng 2 khoang chứa bùn đỏ đầu tiên của dự án bauxite Tân Rai “an toàn quá mức cần thiết”, khiến chi phí hồ bùn đỏ tăng thêm 238,5 tỷ đồng. Theo Vinacomin, chi phí xây dựng cho 2 khoang bùn đỏ này phân bổ cho 1m3 bùn đỏ là 293.000đ/m3.

Rút kinh nghiệm từ dự án Tân Rai, dự án Nhân Cơ chỉ có suất đầu tư 1m3 bùn đỏ là 101.000đ/m3.Với chi phí đầu tư hồ bùn đỏ mà Bộ Công thương cho rằng đã chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng mức đầu tư cả 2 dự án: Dự án Tân Rai chiếm 2,52% tổng mức đầu tư và dự án Nhân Cơ chiếm 3,23%, đã làm giảm hiệu quả dự án. Bộ này cũng cho biết, dự báo nhu cầu thị trường về Alumin khá khả quan. Tuy nhiên, với tổng vốn vay lên tới 70% tổng mức đầu tư thì theo tính toán các năm 2014-2015, dự án Tân Rai vẫn lỗ từ 176 - 252 tỷ đồng/năm, còn dự án Nhân Cơ cũng lỗ dài từ 2015 - 2020 từ 671 tỷ xuống còn 237 tỷ đồng/năm.

Đề xuất giảm phí môi trường

Theo đánh giá của Bộ Công thương, chủ đầu tư còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, điều hành dự án, nhà thầu EPC Chalieco (Trung Quốc) nhiều lúng túng trong thi công dự án, khi mang cả người Trung Quốc sang thi công các phần việc lẽ ra có thể thuê nhà thầu phụ Việt Nam; tính chuyên nghiệp của liên doanh nhà thầu còn hạn chế, có tới 216 thiết bị của hợp đồng EPC nhà máy Tân Rai có thể dành cho các nhà thầu Việt Nam chế tạo nhưng rút cục không đáp ứng được tiến độ đành phải để nhà thầu chính NK.. Bộ Công thương cũng đã đề xuất nhiều ưu đãi cho dự án, như giảm phí môi trường đối với bauxite từ 30.000 - 50.000đồng/m3 xuống còn 4.000 - 10.000đồng/m3; giảm thuế tài nguyên xuống 7% tương tự thuế với than; giảm thuế VAT còn 0%, vì alumin là sản phẩm đã chế biến sâu.

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó tổng giám đốc Vinacomin khẳng định, việc đề xuất các ưu đãi cho bauxite thực chất là không nhiều so với các quy định hiện hành khi đầu tư sản phẩm mới ở vùng sâu, vùng xa, để phát triển kinh tế xã hội. Alumin là sản phẩm chế biến sâu chứ không phải sản phẩm thô. Việc đề xuất phương án chủ đầu tư thuê đất có thời hạn của các hộ dân để khai thác quặng, sau đó trả lại cho chính hộ dân đó (chỉ bồi thường tài sản và cây trồng trên đất, mà không bồi thường đất) cũng giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả dự án. Sau khi hoàn nguyên, người dân vẫn canh tác bình thường.

http://laodong.com.vn/kinh-te/hieu-qua-cua-2-du-an-bauxite-den-dau-187621.bld

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm