Gần đây, kiến ba khoang đang quay trở lại Hà Nội với tốc độ theo cấp số nhân. Tại các tòa chung cư cao tầng hoặc những nơi gần cánh đồng, người dân lo lắng với con vật có thể gây bỏng da, nhiễm trùng này.
PGS.TS Trương Xuân Lam- Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, hiện nay, miền Bắc bước vào mùa cây trồng thu hoạch. Sau gần 2 tháng sinh sản, đến nay kiến ba khoang đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Chính vì thế, cường độ hoạt động, vươn sáng của chúng càng lớn khiến người dân có cảm giác chúng đang ngày một nhiều lên.
Con người không phải là mục tiêu tấn công của kiến ba khoang song nếu để độc tố dưới bụng nó dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời. Ảnh: Thiên Lam |
Theo nghiên cứu của mình, PGS Trương Xuân Lam cho biết, kiến ba khoang không thuộc họ kiến. Đây là loài côn trùng bắt mồi có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ cánh cộc Staphilinidae, bộ cánh cứng Colleoptera, lớp Côn trùng Insecta.
Về mặt hình thái học, chúng có chiều dài từ 5-7mm và có 3 khoang màu sắc trên cơ thể. Kiến ba khoang có thân mình thon nhỏ, 2 đốt bụng cuối màu đen, tiếp theo là khoang màu đỏ hoặc màu vàng, ngực màu đen và cổ màu vàng hay đỏ nhìn giống con kiến. Do đó, các nhà khoa học thường gọi là bọ cánh cộc đỏ 3 khoang, bọ cánh cụt đỏ…
Kiến ba khoang xuất hiện thường xuyên trên cánh đồng lúa, đậu tương, ngô, rau màu… Thức ăn của chúng là trứng sâu hại, rầy hại và một số loài sâu hại nhỏ. Do đó, ông Lam thông tin, trên cánh đồng loài côn trùng này là loài bắt mồi có ích. Tuy nhiên với tập tính hướng sáng, khi thấy nhà dân thắp đèn điện, loài côn trùng này sẽ bay vào nhà và gây phiền nhiễu.
Ông Lam cũng cho hay, dưới đốt bụng của kiến ba khoang có hai tuyến độc tố có tên khoa học là Pederin. “Khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụt nước. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời” – ông Lam cảnh báo.
Tuy nhiên, vị này cho biết, hoạt động của loài côn trùng này trên cơ thể con người chỉ mang tính chất tình cờ do đặc tính hướng sáng đưa đến. Con người không phải là đối tượng của kiến ba khoang nên thay vì tức giận giết chúng, nên “búng” hoặc “thổi” cho chúng rơi ra khỏi cơ thể.
Nhiều người phản ánh rằng, kiến ba khoang gây ra những nốt đốt trên cơ thể, nhưng ông Lam khẳng định: nó không phải hoàn toàn do kiến ba khoang gây ra. Thực chất, trong những nốt đó có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến, tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với cơ thể lạ. Đó chỉ như một phản ứng bảo vệ.
PGS Trương Xuân Lam đưa ra những lời khuyên giúp bạn có thể phòng tránh những hậu quả đáng tiếc từ loài côn trùng vốn có ích này như sau:
- Tắt bớt đèn, thổi gió để xua đuổi kiến ra khỏi nhà
- Nếu đã tiếp xúc, chỉ "búng" con vật ra khỏi cơ thể, tuyệt đối không đập chết hay chà xát để hạn chế nọc độc lan rộng trên da.
- Ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý: Chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng…