Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị với Bộ GTVT về các giải pháp xử lý tình trạng xe hợp đồng hoạt động "trá hình" như xe khách tuyến cố định, làm nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc.
Theo hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, xe hợp đồng trên thực tế đang hoạt động theo 3 hình thức. Thứ nhất là xe đưa đón người lao động, học sinh, lặp đi lặp lại hàng ngày... Thứ 2 là xe chở khách đi tham quan, du lịch, công tác... Hai hình thức hoạt động này phù hợp với yêu cầu quản lý và các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, hình thức thứ 3 là hàng nghìn xe hợp đồng 16 chỗ được cải tạo thành xe 10-12 chỗ, thường gọi là limousine. Loại xe này được cấp giấy phép và phù hiệu xe hợp đồng, tuy nhiên khi hoạt động không có hợp đồng vận tải được ký kết mà nhà xe kết nối với hành khách thông qua điện thoại, tin nhắn.
Do đã hoán cải thành xe dưới 16 chỗ, loại xe này được đi vào nhiều tuyến phố để đón, trả khách hoặc đón khách tại nhà. Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng loại hình phương tiện này thực chất là kinh doanh theo tuyến cố định.
"Tình hình này tồn tại đã lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, khiến cho một số nhà xe tuyến cố định cũng bỏ bến xe, ra ngoài chạy dù tại các bến cóc gây mất trật tự an toàn giao thông và đặc biệt là tạo thế cạnh tranh không bình đẳng", Hiệp hội kết luận.
Theo thống kê, số lượng xe kinh doanh vận tải tuyến cố định vào bến xe khách chỉ còn 50-60% so với trước; 40-50% bến xe khách bên lề vực phá sản.
Trước tình hình trên, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đưa ra các kiến nghị với Bộ GTVT.
Thứ nhất, loại hình xe limousine nói trên phải được xác định là xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định để tạo sự thống nhất trong quản lý vận tải và quan trọng hơn là quản lý tiền thuế.
Thứ 2 là sửa quy định về cấm phương tiện vào các tuyến phố theo hướng xác định số ghế xe theo thiết kế nguyên thủy của xe, vì dù hoán cải để giảm số ghế thì diện tích chiếm chỗ của xe (kích thước bao ngoài) không thay đổi.
Thứ 3 là chỉ đạo sở GTVT các địa phương căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để xử lý, tước phù hiệu xe hợp đồng đón trả khách không đúng nơi đã ghi trong hợp đồng, đặc biệt là xe khách "trá hình" (limousine, dcar).
Thứ 4 là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xe vận tải hành khách tuyến cố định, nghiên cứu các điểm dừng đón, trả khách cho xe tuyến cố định có mái che, ghế ngồi để thuận tiện cho hành khách.
Xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2010, dòng xe vận tải hành khách limousine, dcar được nhiều người dân ưa chuộng. Giá vé của loại xe này thường cao hơn xe khách truyền thống, nhưng đổi lại là nội thất tiện nghi, rộng rãi, có dịch vụ đưa đón tận nhà, thời gian di chuyển nhanh...
Trong bối cảnh chất lượng phục vụ tại các bến xe và nhà xe truyền thống chưa được nâng cao, còn tình trạng chèo kéo khách, móc túi, giang hồ, bảo kê, đi như rùa bò để gom đủ khách... việc sử dụng loại hình xe limousine, dcar đã tạo ra trải nghiệm khác biệt cho người dân.
Tuy nhiên, cũng chính vì phương thức hoạt động linh hoạt, không lệ thuộc vào bến xe, loại hình dcar/limousine bị giới kinh doanh xe khách truyền thống chỉ trích là lách luật, cạnh tranh không bình đẳng.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Cảnh sát liên tục kiểm tra, nhà xe vẫn bất chấp đón khách sai quy định
Tình trạng xe dù bến cóc diễn ra phức tạp tại cây xăng trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức, TP.HCM) dù lực lượng chức năng liên tục xử lý.
Xử phạt không xuể, quận 5 vẫn còn 25 bến cóc
Các đơn vị của quận 5 đã xử phạt hơn 1.500 trường hợp đỗ xe, đón trả khách sai quy định, tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2022.
10 nhà xe hoạt động 'bến cóc' tái phạm nhiều lần ở TP.HCM
Sở GTVT TP.HCM chỉ tên các nhà xe Phương Trang, Thành Bưởi, Hùng Hiếu, Thảo Châu, Cao Lâm... thường xuyên đón, trả khách sai quy định và tái phạm rất nhiều lần.