Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiện tượng mù khô xuất hiện trở lại ở Sài Gòn

Sau vài ngày biến mất, sáng 12/9, hiện tượng mù khô xuất hiện trở lại ở TP HCM, đặc biệt là khu vực nội thành.

Sáng 12/10, theo ghi nhận của Zing.vn, hiện tượng mù khô xuất hiện tại nhiều quận, huyện của TP HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, quận 1, 5, 7, 9, 10, Tân Bình, Thủ Đức,...

Trung tâm Sài Gòn mờ ảo nhìn từ cầu Phú Mỹ (quận 7). Ảnh: Trường Nguyên.
Trung tâm Sài Gòn mờ ảo nhìn từ cầu Phú Mỹ (quận 7). Ảnh: T.N.

Càng vào nội thành, nơi có mật độ nhà cao tầng lớn, sương mù càng dày đặc. Hiện tượng giảm dần và biến mất khi nắng lên, lần xuất hiện này ít hơn đợt mù khô trước đó vài ngày.

Ngày 5/10, mù khô xuất hiện dày đặc ở TP HCM và một số địa phương ở Nam Bộ, khiến tầm nhìn bị hạn chế. 

Sương mù bủa vây nhiều cao ốc. Ảnh: Trường Nguyên.
Sương mù bủa vây nhiều cao ốc. Ảnh: K.T.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ giải thích: "Do khí thải, khói bụi thải ra từ phương tiện giao thông và các nhà máy, xí nghiệp tồn tại ở lớp không khí gần mặt đất. Gặp thời tiết gió nhẹ, không khuếch tán được nên gây ra hiện tượng mù khô". 

Nhưng tiến sĩ Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP HCM lại nhận định, hiện tượng mù khô xuất hiện do cháy rừng lớn ở Indonesia. Luồng khói bụi dày đặc tản ra xung quanh, không chỉ ở Việt Nam mà một số quốc gia trong khu vực cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, bác sĩ nhận định, dù nguyên nhân gì thì bản chất của mù khô vẫn là khói bụi ô nhiễm, rất có hại cho sức khỏe. Vì thế, người dân cần đeo khẩu trang y tế và các thiết bị bảo hộ để hạn chế khói bụi xâm nhập vào cơ thể.

Sương mù kín đặc đường phố Sài Gòn

Sương mù do ô nhiễm tồn tại suốt ngày 6/10 ở Sài Gòn, kể cả thời điểm nắng to vào buổi trưa. Đến hơn 17h chiều, nhiều tòa nhà và các tuyến đường trung tâm vẫn còn bị che mờ.

Khắc Thành - Trường Nguyên

Bạn có thể quan tâm