HIỆN TRẠNG TUYẾN METRO ĐẦU TIÊN BỊ NỢ TIỀN CỦA TP.HCM
Sau 6 năm thi công, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM mới hoàn thành 56% khối lượng. Trong khi dự án đang nợ tiền nhà thầu thì hiện trạng nhiều khu vực của công trình đã bị xâm hại.
Tuần trước, Đại sứ Umeda Kunio của Nhật đã gửi thư tới các đối tác Việt Nam với lời cảnh báo có thể buộc phải ngừng thi công dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Ông cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11). Áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn. Nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.
Khởi công tháng 8/2012, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao. Toàn tuyến có 14 nhà ga và depot Long Bình (quận 9).
Toàn tuyến có 4.536 đốt dầm (mỗi đốt dầm có hình chữ U dài khoảng 35 m, nặng khoảng 42 tấn) đã được hợp long 17,1 km của gói thầu đoạn trên cao và depot từ Ba Son, quận 1 đến ga Bến xe miền Đông, quận 9. |
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên ban đầu thuộc Dự án nhóm A theo quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2017 của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, dự án sau khi điều chỉnh thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 12/9/2010 của Quốc hội.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thời gian hoàn thành dự án được điều chỉnh đến năm 2020. Trong đó, lí do chính là tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4.
Hình dáng tuyến metro ở gói thầu đạt 77% khối lượng
Hiện tại, tính trung bình toàn tuyến metro đầu tiên của TP.HCM mới hoàn thành 56% khối lượng thi công.
Trong đó, gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố mới đạt khối lượng 50%. Còn gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son đạt 66%. Trong khi gói thầu xây dựng đoạn đi trên cao và depot đạt 77%. Cuối cùng, gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ra và bảo dưỡng đạt 32%.
Có khối lượng hoàn thành lớn nhất trong các gói thầu, với 77%, đoạn trên cao từ Ba Son, quận 1 đến depot Long Bình đã được hợp long toàn bộ đốt dầm và 5 cầu. Nhiều đoạn đường ray hai chiều đã lắp xong.
Hạng mục này được Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM triển khai hồi tháng 10/2017, và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều đoạn vẫn đang lắp đặt dở dang.
Nhiều km đường ra đã được thi công xong theo hình thức cuốn chiếu. |
Hiện tại, 11 ga trên cao của gói thầu này phần lớn đã xây dựng xong kết cấu. Trong đó có 6 nhà ga đã và đang được lắp khung mái che và các hạng mục bên trong. Các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, đảm bảo ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết xấu. Gói công trình này dự kiến hoàn thành trước 30/4 năm nay tuy nhiên đến giờ vẫn chưa hoàn tất.
Depot Long Bình, quận 9 có diện tích khoảng 20,9 ha, là khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu tuyến số 1 đến năm 2040. Công trình này hiện đã hình thành các làn đường ray vào xưởng bảo dưỡng, bãi đỗ tàu... đang được lắp mái che.
Thời gian qua, các nhà ga, nhiều đoạn đường trên cao của gói thầu này chỉ lác đác vài công nhân thi công.
Một số nhà ga đã được lắp khung mái che. Gói thầu này hiện tại có khá ít công nhân thi công. |
Không chỉ chậm tiến độ thi công, việc giải ngân dự án metro Bến Thành - Suối Tiên cũng chậm chạp.
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hồi giữa tháng 10, ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết thành phố mới chỉ thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1 được 220 tỷ đồng cho khối lượng công việc tương đương 2.000 tỷ đồng do trục trặc về thủ tục pháp lý.
Chủ đầu tư lo ngại dự án không thể về đích năm 2020 bởi chỉ cần một nhà thầu bỏ cuộc sẽ mất thời gian đấu thầu lại.
Cũng theo ông Cương, năm nay thành phố đã đăng ký vốn cho tuyến metro số 1 là 5.000 tỷ đồng, nhưng do chưa được bố trí vốn nên TP đã phải tạm ứng khoảng 1.000 tỷ đồng để duy trì tiến độ. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, UBND TP.HCM đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng.
Để sớm được bố trí vốn cho dự án, UBND TP.HCM trước đó đã kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội về thay đổi tổng mức đầu tư theo quy định, đồng thời hỗ trợ TP.HCM trong việc ứng vốn.
Depot Long Bình (quận 9) là bãi đỗ tàu, bảo dưỡng cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. |
Đại công trường dưới lòng đất trung tâm Sài Gòn
Gói thầu đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố qua công trình nhà ga Ba Son thi công khá nhộn nhịp. Các tầng hầm đang được đào, một khu vực đã đổ bê tông đến tầng trên cùng.
Ngày 29/6, máy khoan hầm TBM đã khoan hoàn tất 781 m, lắp đặt 3.900 tấm vỏ hầm của đường hầm thứ 2 sau 5 tháng thi công. Trước đó, cuối tháng 10/2017, "robot khổng lồ" này cũng đã hoàn thành khoan đường hầm phía đông với độ dài tương tự.
Sau khi máy đào hoàn thành, các đường hầm được thi công các hạng mục đổ bê tông đáy, lắp móc đường ray, xây dựng lối đi bộ... Gói thầu số 1b này được động thổ từ ngày 25/7/2014.
Hai tuyến hầm đã được "rô bốt khổng lồ" đào xong, các công nhân đang thi công một số hạng mục ở cả hai hướng. |
Ga Nhà hát thành phố nằm dưới đường Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 có thiết kế ngầm dài 190 m, rộng 26 m, sâu 36 m, gồm 4 tầng. Phía trên là gian kiểm soát vé. Tầng 1 gồm sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí. Tầng 2 và tầng 4 là sân ga, nơi có tàu dừng đón trả khách. Tầng 3 bố trí khu vực nghỉ ngơi, điều hòa, thiết bị.
Gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son này đã đạt 66%.
Nhà ga metro quan trọng ở khu vực chợ Bến Thành gồm 3 tầng kết nối với 4 tuyến metro trong tương lai và phần thương mại mua sắm bao quanh. Gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố mới đạt khối lượng 50%.
Toàn cảnh đại công trường nhà ga Bến Thành giữa trung tâm Sài Gòn sau 2 năm thi công. |
Không gian các tầng hầm ga Nhà hát thành phố. |
Tại ga Nhà hát thành phố, hiện các tầng hầm đã đổ bê tông, tạo ra không gian ngầm của một nhà ga. Công trình bên dưới sắt thép tua tủa, ngổn ngang máy móc, vật liệu xây dựng. Ánh sáng tự nhiên từ các lối lên xuống hai bên khu vực đường Lê Lợi cùng ánh đèn điện tạo không gian khá sáng cho công trường.
Tại các tầng hầm, một số khu vực công nhân vừa làm việc tập trung vừa rải rác. Tiếng máy bơm gió, máy khoan, máy hàn... vang lên dưới lòng đất trung tâm Sài Gòn.
Từng nhóm kỹ sư, công nhân thi công những hạng mục kết cấu của các tầng hầm. |
Tuyến metro bị xâm hại
Sau nhiều năm triển khai, công trình kéo dài gần 20 km, nhiều hạng mục của gói thầu đoạn trên cao từ Ba Son, quận 1 đến Long Bình, quận 9 đã hoàn thành.
Hiện trạng các hạng mục gói thầu hơn 17 km đi trên cao này có nhiều đoạn rào chắn thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 2 và 9 bị cỏ dại bao trùm, dày đặc những hình vẽ graffiti, quảng cáo rao vặt và khoan cắt bêtông trông rất nhếch nhác.
Nhiều người dân và những người buôn bán ở khu vực bên những đoạn metro này bức xúc cho biết tình trạng nhiều hình vẽ nguệch ngoạc bằng sơn xấu xí làm mất vẻ đẹp công trình trọng điểm của TP.HCM xuất hiện cả năm nay. Trong đó đoạn từ ga Rạch Chiếc đến cầu metro Sài Gòn, phường Thảo Điền, quận 2 bị xâm hại nặng nhất.
Nhiều trụ metro đoạn trên cao chi chít những hình vẽ xấu xí. |
Không những các hình vẽ xấu xí trên trụ, đoạn metro nằm giữa phố nhà giàu Thảo Điền với những biệt thự, cao ốc và tuyến Xa lộ Hà Nội khang trang này còn nghi bị mất trộm rất nhiều rào chắn, từ đó hành lang dưới tuyến metro trở thành những bãi rác lớn, bốc mùi khó chịu.
Nghiêm trọng hơn, một trụ metro tại khu vực này bị cháy sém, bêtông bong tróc. Xung quanh trụ này là hiện trạng của một vụ đốt rác với nhiều cục than lớn, nhiều loại rác cùng những cây gỗ cháy dở nằm cách trụ hơn 1 m.
Tình trạng này kéo dài nhiều tháng nay nhưng chưa được đơn vị thi công đưa ra biện pháp ngăn chặn hay làm sạch chúng.
Các loại rác chất thành nhiều đống tại các trụ metro thuộc địa bàn phường Thảo Điền, quận 2. |
Mặc dù công trình đang thi công nhưng một số khu vực hành lang của gói thầu này không còn rào chắn, nhiều người ngang nhiên dựng quán nước, ăn uống ngay dưới hành lang tuyến metro.
Các quán nước, ăn uống xuất hiện lâu nay dưới hành lang tuyến metro số 1. |
Trong lá thư gửi các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản cho biết dù việc thi công các gói thầu vẫn đang tiến triển trong năm 2018, việc thanh toán cho phần khối lượng công việc đã hoàn thành đang bị dừng lại. Đặc biệt biên bản ghi nhớ và tạm ứng thanh toán gói thầu CP1a, CP2 và tạm ứng thanh toán gói thầu CP1b của UBND TP.HCM vẫn chưa được triển khai.
Thế nhưng, theo quan chức Bộ Kế hoạch Đầu tư, do dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư và chưa được Quốc hội thông qua, nên việc giải quyết vấn đề chi trả không dễ dàng.
"Chính phủ muốn tăng tổng mức đầu tư thì phải báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Quốc hội đồng ý thì Chính phủ mới có thể cấp phát thêm tiền cho dự án", ông cho biết.
Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải là đầu mối tổng hợp báo cáo để xin ý kiến, và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
“Bộ Kế hoạch Đầu tư đã phải tính toán nguồn vốn cho dự án này rồi. Khi trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, nghĩa là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tiền cho dự án. Tôi khẳng định khi Quốc hội thông qua chủ trương, đồng ý tăng vốn dự án Bến Thành - Suối Tiên là có thể xuất tiền ngay. Có nghĩa là tiền đã có rồi. Chỉ đợi Quốc hội thông qua thôi”, quan chức này chia sẻ.