Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận thuộc địa bàn phường Tân Thuận Đông (quận 7), cách trung tâm TP.HCM khoảng 5 km và nằm sát bờ sông Sài Gòn. Được thành lập cách đây 31 năm, đây là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam. |
KCX Tân Thuận có tổng diện tích gần 300 ha, trong đó 195 ha cho thuê để xây dựng nhà máy, kho bãi. |
Nằm bên cạnh KCX Tân Thuận có đến 3 cảng sông, bao gồm cảng Bến Nghé, cảng Tân Thuận Đông và cảng container chuyên dụng Vietnam International Container Terminals (VICT). Đây là một trong những khu vực sầm uất nhất về giao thương đường thủy tại TP.HCM. |
Bàn đến vị trí của khu chế xuất Tân Thuận - nơi được xem là trụ cột tạo dựng quận 7, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đề xuất nghiên cứu điều chỉnh chức năng KCX Tân Thuận sang dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao. |
KCX Tân Thuận tập trung chủ yếu những ngành công nghiệp sản xuất truyền thống. Nhiều cơ sở, nhà xưởng tại đây đã xuống cấp trầm trọng, một số không còn hoạt động. |
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định hạn chế của quận 7 là chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Các doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận hình thành nhưng quy mô nhỏ, ngành công nghiệp phát triển sớm, nhưng đã lạc hậu so với những nơi đi sau. |
Ngay cạnh KCX Tân Thuận là khu vực dân cư đông đúc nằm hai bên đường Huỳnh Tấn Phát với mật độ xây dựng dày đặc. Nhìn từ trên cao, nhiều khu phố có nhà lụp xụp, đất dành cho giao thông, cây xanh rất thấp. |
Vào giờ tan tầm, các tuyến đường bên trong khu chế xuất đông nghịt người. Tại đây có hơn 250 doanh nghiệp, trên 70.000 công nhân, nhân viên đang làm việc. |
Đường Huỳnh Tấn Phát dài hơn 12 km là tuyến huyết mạch của quận 7, kéo dài từ KCX Tân Thuận đến phà Bình Khánh, kết nối trung tâm với khu phía nam TP.HCM. Tuyến đường này nhiều năm gần đây luôn có mật độ giao thông cao, kẹt xe thường xuyên vào giờ tan tầm. |
Cuối tháng 5, khoảng 2 km đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn trước KCX Tân Thuận được mở rộng từ 6 lên 10 làn xe, rộng 57 m. Công trình này giảm tải áp lực giao thông tại ngã tư Tân Thuận. |
Chỉ cách TP Thủ Đức một con sông Sài Gòn, KCX Tân Thuận được kỳ vọng trở thành "hậu cần" cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm trong tương lai. |
Cầu Phú Mỹ, dài hơn 2 km, nối từ quận 7 đến TP Thủ Đức. |
Khó khăn nổi bật của quận 7 vẫn là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Đặc biệt là giao thông kết nối quận 7 và khu trung tâm TP.HCM. Cầu Tân Thuận 1 và cầu Tân Thuận 2 luôn trong tình trạng quá tải bởi lượng phương tiện qua lại giữa quận 4 và quận 7. |
Theo nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, những nhà máy đòi hỏi lượng lao động ở khu chế xuất nên được chuyển dịch, nhường chỗ cho các trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, khách sạn… có chất lượng cao. Sự chuyển dịch này sẽ tạo sự đột phá mới, nâng tầm quận 7. |
Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Google Maps. |