- Này, tí nữa mình đi mua trống gì đây nhỉ?
- Chưa biết, cứ đi xem thôi.
- Rồi mai đi mua đồ ăn nữa đấy nhá.
Tranh thủ ngồi nghỉ uống cốc trà chanh trên phố Hàng Mã (Hà Nội), Việt Anh, Phương Thảo, Yến Nhi, Lan Anh và Trang (lớp 8A4, trường THCS Ngô Gia Tự) hào hứng bàn về những món đồ sẽ mua chuẩn bị cho đêm rằm tháng 8.
Từ năm 2017, nhóm bạn bắt đầu tự tổ chức hoạt động đón tết Trung thu cùng nhau.
Nhóm học sinh lớp 8 hào hứng mua đồ trang trí chuẩn bị Trung thu. |
Tuy nhiên, thay vì ra quán xá, mọi người tụ tập tại nhà một thành viên trong nhóm, cùng nhau vui chơi, phá cỗ. Những món đồ các bạn hào hứng mua chung để trang trí tiệc là các đồ chơi truyền thống quen thuộc như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn tiến sĩ giấy.
"Nhiều người lớn cứ nghĩ trẻ con bọn mình bây giờ chỉ thích đua đòi mấy thứ đồ chơi điện tử, hiện đại, không phải đâu. Ít nhất là với bọn mình, đón Trung thu theo cách truyền thống, với những món đồ chơi trẻ em thủ công luôn là tuyệt nhất", Việt Anh nói.
Những món đồ chơi chứa cả tuổi thơ
Trời càng về tối, những gian hàng bán đèn lồng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược càng nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu. Vẫn chủ yếu là sắc đỏ, vàng của đồ chơi song năm nay, không khó để nhận ra những mặt hàng truyền thống được bày bán nhiều và thu hút sự quan tâm hơn trước.
Nhóm của Việt Anh đã sắm được "hòm hòm" đồ cần thiết: một chiếc đèn ông sao cao khoảng 1 m, đèn kéo quân, đèn tiến sĩ giấy, trống, thêm một ít gậy sắc màu và băng đô cho các bạn gái.
Không chỉ dạo chơi, mua sắm, chợ Trung thu cũng là nơi để các bạn trẻ thoả mãn đam mê chụp ảnh với những sắc màu lung linh của đồ trang trí. Đặc biệt, những gian hàng đèn lồng luôn được sự quan tâm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chỉ tay vào ông tiến sĩ giấy sặc sỡ, "chủ xị" Việt Anh nhanh nhảu giải thích: "Nhiều bậc cha mẹ hay mua cái này trong dịp Trung thu về cho con để mong con học giỏi hơn, thông minh như tiến sĩ".
"Đây là truyền thống dân tộc đấy", nam sinh khẳng định.
Sang chiếc đèn kéo quân, cậu gãi đầu ngại ngùng: "Cái này thì có một truyền thuyết liên quan đến sự ra đời nhưng mình quên mất rồi, chỉ nhớ là cũng rất hay và ý nghĩa".
Cùng mang hình dáng khá tương đồng song mỗi cửa hàng lại chào bán những loại đèn được trang trí cách điệu khác nhau, đa dạng mẫu mã cho khách chọn.
Vừa uống nước, nhóm bạn vừa tranh luận sôi nổi về cách tổ chức tiệc hôm rằm. Mỗi người một câu, góp thêm phần nhộn nhịp cho con phố cổ đông đúc ngày sát Trung thu.
Năm nay, một số hoạt động giới thiệu các loại hình vui chơi giải trí truyền thống cũng được nhiều trẻ nhỏ đón nhận. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ban đầu, nhóm của Việt Anh dự định quyên góp tiền để mua quà Trung thu tặng người vô gia cư nhưng không được nhiều nên hủy kế hoạch, chỉ duy trì được hoạt động đón tết truyền thống.
"Những đồ chơi này vừa ý nghĩa vừa bảo vệ môi trường hơn là chơi đồ nhựa. Bọn mình cũng không định đốt vì sẽ có khói làm ô nhiễm", Việt Anh chia sẻ.
Nam sinh lớp 8 cũng cho biết cậu và nhóm bạn không bài trừ các món đồ chơi hiện đại.
"Vừa có truyền thống, vừa có hiện đại thì sẽ vui và tiện nghi hơn. Chủ yếu là ở tinh thần và ý thức của mình nữa", cậu nhận xét.
Cũng hòa vào dòng người sắm đồ chơi Trung thu trên con phố Hàng Mã, Ngọc Quỳnh (23 tuổi) chia sẻ từ khi xuống Hà Nội học và giờ đã đi làm, cô đều cố gắng tới đây chơi và mua sắm mỗi dịp Trung thu để cảm nhận không khí.
"Mấy năm trước đi chơi Trung thu, mình thấy nhiều bạn trẻ đua nhau mua mấy loại mặt nạ quỷ, đồ chơi bạo lực, khá phản cảm. Tuy nhiên năm nay xu hướng mua đồ chơi truyền thống có vẻ đã trở lại, trẻ em được bố mẹ mua cho đèn kéo quân, trống bỏi, các bạn thanh niên cũng sắm đèn ông sao để chụp ảnh check-in", Quỳnh nói.
Đồ chơi tại chợ Trung thu mỗi năm một đa dạng và bắt mắt hơn nhưng những đồ chơi truyền thống như đèn lồng, đèn ông sao... luôn luôn không thể thiếu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đối với 9X quê Thái Bình, những món đồ chơi truyền thống dịp Trung thu là cả một "bầu trời tuổi thơ".
Ở quê khi ấy, có đèn ông sao 5 cánh dát giấy bóng xanh đỏ đã là "xịn" lắm, đứa nào không có điều kiện thì nhờ ông bà, bố mẹ làm đèn từ vỏ lon sữa, vỏ quả bưởi hay ông sao dán giấy báo.
Con trẻ trở lại với đồ chơi truyền thống
Niềm nở bán thêm được cho khách một chiếc đèn ông sao, chị Lan (35 tuổi, tiểu thương bán hàng trên phố Hàng Mã) cho biết năm nay lượng người mua các món đồ chơi truyền thống nhiều hơn các năm trước.
"Tôi thấy nhiều em bé xem bố mẹ mua hàng vừa hỏi tại sao Trung thu lại rước đèn ông sao, trống bỏi làm bằng cái gì hay ông tiến sĩ giấy tượng trưng cho điều gì. Cũng vui vì bọn trẻ bây giờ hứng thú với đồ truyền thống hơn. Chơi đồ chơi truyền thống cũng không có chất gây hại nữa", chị nói.
Nhiều trẻ em được cha mẹ sắm cho các món đồ chơi truyền thống dịp Trung thu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Uống xong cốc nước, nhóm của Việt Anh chia nhau lỉnh kỉnh xách đồ, đi tìm nốt hàng hoa quả để đặt làm con chó bưởi trang trí mâm cỗ trước khi ra về.
"Quỹ nhóm" cũng sắp cạn, các thành viên nhắc nhở nhau không được sa đà mua thêm đồ linh tinh.
Đến đúng tối 15/8 âm lịch, Việt Anh, Nhi, Thảo, Trang, Lan Anh và một số bạn cùng lớp sẽ "khai tiệc" bằng màn đánh trống, nhảy múa cùng nhau. Sau đó, cả nhóm sẽ kéo lên chơi ở phố Hàng Mã, Hàng Lược nhộn nhịp rồi về phá cỗ.
Vừa đi, 5 cô cậu học trò vừa nói cười không ngớt, trêu chọc nhau và háo hức đợi đến ngày rằm để tụ tập.
"Sang năm, mình sẽ làm tiệc to hơn, mời thêm nhiều bạn hơn. Càng đông càng vui, biết đâu còn góp đủ tiền mua quà cho người khó khăn nữa", Việt Anh hào hứng.