Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hiểm họa từ lời miệt thị Hoa hậu Hoàn vũ Canada 2020 giống đàn ông

Miệt thị cơ thể bắt nguồn từ việc vật lộn với vấn đề ngoại hình của chính mình. Đôi khi chúng ta không nhận ra đã làm tổn thương người khác, cho đó là góp ý hiển nhiên.

hoa hau Canada anh 1

Hoa hậu gì giống đàn ông vậy?", "Nhan sắc như vậy mà đăng quang hoa hậu sao?"...

Đây là hai trong những câu bình luận miệt thị ngoại hình mà Hoa hậu Nam Phi Shudufhadzo Musida và Hoa hậu Hoàn vũ Canada Nova Stevens đối mặt sau khi đoạt vương miện.

Hai hoa hậu mới đăng quang có nhiều điểm chung như đều là người gốc Phi, đầu để trọc, gương mặt góc cạnh và chuẩn bị tham gia đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh Miss Universe 2021.

Tuy trở thành hoa hậu, cả Musida và Stevens nhận không ít bình luận miệt thị, nhất là câu nói "Hoa hậu giống đàn ông".

"Miệt thị phụ nữ giống đàn ông đã là quá đáng với phái đẹp, đây lại là người đẹp đăng quang cuộc thi cấp quốc gia. Nhiều người vẫn nghĩ miệt thị là lời góp ý, thực tế nó nguy hại hơn nhiều", một độc giả bình luận.

Tân Hoa hậu Canada có đáng bị miệt thị?

Vượt qua 39 thí sinh, Nova Stevens đăng quang Hoa hậu tại cuộc thi Miss Universe Canada 2020. Sau đêm chung kết, cô viết trên trang cá nhân: "Tôi là người da đen nhưng là công dân Canada. Tôi đứng đây với tư cách phụ nữ da màu nói lên quyền lợi những người vô tội đã chết vì bạo lực và thù hận. Tôi muốn các bạn lắng nghe và thấu hiểu điều này".

Tuy nói lên tiếng lòng của phụ nữ da màu, Nova Stevens vẫn nhận không ít bình luận chê bai không xứng đáng với vương miện. Đăng quang ngôi vị hoa hậu tại quốc gia Bắc Mỹ, Nova gặp không ít khó khăn. Giữa nhiều thí sinh da trắng, tóc vàng, tân hoa hậu là thí sinh độc nhất.

Người đẹp 27 tuổi vốn sinh ra ở Kenya, quốc gia vốn có nhiều xung đột và chiến tranh. Năm lên 6, cô phải xa gia đình. Stevens được các tổ chức cứu trợ đưa đến Canada, trong khi mẹ cô ở lại trại tị nạn của Liên Hợp Quốc Sudan, cha và các anh chị lại ở Ethiopia.

Lối sống tự lập từ nhỏ kèm với nỗi đau chiến tranh, xa gia đình đã thúc đẩy Nova đi theo con đường hoạt động từ thiện, thường xuyên lên tiếng vì cộng đồng người da màu.

Trong các thí sinh tham gia Miss Universe Canada 2020, người đẹp gốc Kenya có bề dày hoạt động người mẫu ở thị trường quốc tế cùng các hoạt động kêu gọi bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc.

Trong cuộc phỏng vấn với Daily Hive, tân hoa hậu nói: "Tôi hành động vì lý tưởng của chính mình và xã hội. Tôi sẽ không ngồi yên chứng kiến bất công với người da màu. Tôi vinh hạnh vì tiếng nói của mình được quan tâm".

Việc ủng hộ người da màu và kinh nghiệm hoạt động thiện nguyện là yếu tố giúp Stevens đăng quang. Tuy nhiên, đây cũng là lý do chính khiến người đẹp bị miệt thị. Cô bị cho là có các đường nét quá thô của người gốc Phi, không mang đặc trưng của người Bắc Mỹ...

Tuy nhiên, cuộc thi Miss Universe mà Stevens sắp tham gia ủng hộ vẻ đẹp tri thức, không phân biệt màu da, sắc tộc. Hơn nữa, gương mặt không phải là tiêu chí duy nhất để nói lên nét đẹp của phụ nữ.

Nói cách khác, Nova Stevens không đáng bị miệt thị và hoàn toàn xứng đáng với vương miện Miss Universe Canada 2020.

Phụ nữ dễ bị miệt thị hơn đàn ông

Tờ Healthline cho biết body shaming ở phụ nữ không mới nhưng ngày càng phổ biến vì sự phát triển của mạng xã hội. Nghiên cứu cho thấy phim ảnh, truyền hình và cả báo chí thường xuyên đưa ra hình ảnh "phi thực tế" về nét đẹp và cơ thể của phụ nữ.

Thế nào là phụ nữ đẹp?

Phải thừa nhận một điều những cô gái eo thon, chân dài, da trắng luôn thuận lợi hơn bộ phận còn lại. Điều đó do định kiến từ lâu của thế giới về "chuẩn mực cái đẹp". Tất nhiên, không thể một sớm một chiều thay đổi điều đó.

Như trường hợp của Miss Universe Canada vừa đăng quang. Cô bị miệt thị chỉ vì không hợp quy chuẩn "da trắng, mặt thon, mũi cao...", như những gì truyền thông "tiêm" vào trí óc của chúng ta nhiều năm nay.

Và để trả lời thế nào là đẹp, không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Ngoại hình đẹp hay tâm hồn đẹp? Điều đó tùy thuộc vào cách nhìn và hệ giá trị riêng của mỗi người.

Nghiên cứu đăng trên The Guardian cho thấy phụ nữ, đặc biệt là người da màu bị chỉ trích nhiều hơn cả. Từ miệt thị ngoại hình, phụ nữ sau đó bị lăng mạ, đe dọa thậm chí tấn công tình dục.

"Tôi phải dùng thuốc an thần để bình tĩnh vì những tài khoản ẩn danh chỉ trích màu da của tôi. Họ thậm chí lan truyền thông tin mật, tấn công tài khoản mạng xã hội và dùng nó để đe dọa tôi", Nadiuska, 19 tuổi nói với The Guardian.

Anne-Birgitte Albrectsen, người đứng đầu nghiên cứu miệt thị phụ nữ của Plan International, cho biết những cuộc tấn công trên mạng tuy không diễn ra ở đời thực nhưng lại đe dọa, hạn chế quyền tự do ngôn luận của họ.

"Việc cố tình miệt thị phụ nữ, nhất là người da màu là hành động kém văn minh trong thời đại kỹ thuật số, làm hạn chế khả năng trở thành lãnh đạo của người tài năng", Anne-Birgitte Albrectsen nói.

Theo nghiên cứu của Plan International, có hơn một nửa trong tổng số 14.000 thanh niên từ 15-25 tuổi bị miệt thị trên mạng, trong đó đa phần là phụ nữ.

Trong cuộc khảo sát từ 22 quốc gia, nhiều người cho biết phản kháng cao nhất sau khi bị miệt thị là cãi nhau trên mạng xã hội, không có ý hành động nghiêm khắc nào được thông qua.

"Dịch Covid-19 đã thúc đẩy chúng ta gắn bó nhiều hơn với Internet. Điều này càng cho thấy nạn miệt thị diễn ra gay gắt hơn, các nền tảng mạng xã hội phải đẩy mạnh việc bảo vệ người dùng của họ", chuyên gia Albrectsen khẳng định.

Miệt thị ngoại hình nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ

Krystal Karges, CEO của công ty truyền thông Hope cho biết nhiều người không biết mình đang miệt thị ngoại hình người khác, chỉ vì sự vô tâm, đùa giỡn quá trớn. "Miệt thị ngoại hình ban đầu chỉ là những lời bông đùa và dần trở nên quá trớn, thiếu kiểm soát", cô nói.

Trong bài viết đăng trên Healthline, Karges "thách" các cô gái trẻ tự suy nghĩ trong một phút để trả lời các câu hỏi: "Đã bao nhiêu lần bạn tự than thở mặt mình giống đàn ông, bụng mình quá bự, bắp tay không thon gọn?", "Đã bao nhiêu lần bạn tự soi gương và thấy chán ghét khuyết điểm chính mình, phàn nàn về trang phục không vừa vặn?".

Nếu câu trả lời là có, xin "chúc mừng", bạn đã gia nhập hội "body shaming".

Krystal Karges khẳng định từ suy nghĩ chán ghét chính mình, body shaming dần ăn sâu vào tư tưởng và cho rằng đó chỉ là lời góp ý bình thường, không có gì phải tự ti.

Chuyên gia khẳng định những lời chê bai không chỉ là vấn đề miệt thị. Việc coi trọng bản thân quá mức và dùng điều đó phán xét người khác là biểu hiện của bệnh tâm lý, cần phát hiện sớm và chữa trị, bởi điều này nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ.

"Miệt thị cơ thể ăn sâu vào tiềm thức chúng ta, bắt nguồn từ việc vật lộn với vấn đề của chính mình. Vì vậy, đôi khi chúng ta không nhận ra mình miệt thị và làm tổn thương người khác, cho rằng đó chỉ là lời góp ý", Krystal Karges nói.

Giống trường hợp của Hoa hậu Hoàn vũ Canada và Hoa hậu Nam Phi, việc bị chỉ trích "giống đàn ông, xấu, không đẹp chuẩn hoa hậu..." có thể bắt nguồn từ những câu nói đùa với nhau, nhưng lại dần trở thành vũ khí bằng ngôn từ tấn công người khác.

"Đặt trường hợp bạn là người bị hàng nghìn, thậm chí chục nghìn bình luận chê giống đàn ông, xấu xí hay gì đó, bạn sẽ thế nào? Tôi không nghĩ bạn đủ mạnh mẽ để tiếp tục đứng lên như Hoa hậu Hoàn vũ Canada hay Hoa hậu Nam Phi đâu", một ý kiến trong diễn đàn về hoa hậu ở Việt Nam viết.

Luật sư Mike Feuer sau khi chứng kiến nhiều vụ kiện tụng, tự tử đau lòng chỉ vì nạn nhân bị miệt thị ngoại hình đã thẳng thắn chỉ trích những cá nhân miệt thị màu da, ngoại hình người khác.

“Body shaming là hành động sỉ nhục để hậu quả đau đớn và lâu dài. “Nó chế giễu và bêu xấu người khác, làm mất đi sự tụ tin và khiến họ duy trì ý tưởng có hại rằng mình không hoàn hảo", ông nói với Los Angeles Times.

Mike Feuer nói thêm việc body shaming về bản chất không phải là tội danh nhưng thúc đẩy người bình thường trở thành nạn nhân của những sự việc đau lòng.

"Và chúng ta không nên dung thứ cho điều đó", Feuer khẳng định.

Vì sao Hoa hậu Nam Phi 2020 gây tranh cãi sau đăng quang?

Với làn da nâu và gương mặt góc cạnh, Shudufhadzo Musida gặp nhiều tranh cãi khi đăng quang. Tuy nhiên, tân Hoa hậu Nam Phi có nét đẹp học thức và nhiều kinh nghiệm làm từ thiện.

Khi nghệ sĩ nam đánh phấn, tô son

Trang điểm ở đàn ông phát triển theo xu thế chung của thời đại. Từ việc thể hiện quyền lực, việc làm đẹp ngày nay là công cụ giúp nam giới thể hiện cá tính, xu hướng tính dục.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm