Tòa án nhân dân tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc mới đây đã giữ nguyên phán quyết mang tính bước ngoặt về việc đình chỉ thi công dự án xây đập ở khu vực Kiết Sái, tờ South China Morning Post đưa tin.
Công trình nói trên vốn được cho là sẽ đẩy loài công xanh quý hiếm của Trung Quốc đến bờ vực tuyệt chủng vì làm thu hẹp môi trường sống tự nhiên của loài này.
Tuy nhiên, hiểm họa tận diệt vẫn đang rình rập loài công bản địa có biệt danh Kim khổng tước, bởi Tòa án nhân dân tỉnh Vân Nam đã bác đơn kiện của nhóm bảo vệ môi trường Friends of Nature. Nhóm này từng yêu cầu nhà thầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động xây đập trên khu vực sông Kiết Sái để bảo tồn loài công xanh đang trên bờ vực nguy cấp.
Loài công xanh quý hiếm của Trung Quốc được người dân địa phương đặt biệt danh là Kim khổng tước. Ảnh: Handout. |
Chim công xanh là loài công bản địa duy nhất của Trung Quốc. Ước tính chỉ còn 500 cá thể loài này trong tự nhiên sau nhiều thập kỷ bị săn bắt quá mức, mất môi trường sống, ngộ độc thuốc trừ sâu và nạn phá rừng.
Trước tình hình đó, vào năm 2017, nhóm bảo vệ môi trường Friends of Nature đã khởi kiện ra tòa án ở Bắc Kinh với yêu cầu đình chỉ dự án xây đập trên sông Kiết Sái.
Kể từ khi vụ kiện lần đầu tiên được đưa ra tòa, nhà thầu xây dựng đập thủy điện đã gác lại dự án.
Trong quyết định được đưa ra hôm 31/12/2020, tòa án cấp cao hơn đã đồng ý rằng dự án đập sẽ gây ra "những rủi ro nghiêm trọng" đối với môi trường sống quan trọng của chim công cũng như hệ sinh thái rừng nhiệt đới của khu vực.
Nhưng họ đã bác bỏ kháng cáo của Friends of Nature đối với quyết định của tòa án trung gian vào tháng 3 ra lệnh đình chỉ ngay lập tức - thay vì dừng vĩnh viễn - hoạt động trên con đập, trong khi chờ đánh giá thêm về vụ việc.
Dự án xây đập trị giá 506 triệu USD được bắt đầu vào năm 2016 bởi một công ty con của nhà thầu xây dựng đập thuộc sở hữu nhà nước, Tập đoàn Tư vấn Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc.